Quảng Ngãi cấp phép 'loạn' dự án, vượt cả quy hoạch của tỉnh

“Đến nay (tính đến ngày 6-12-2018 - PV) UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa trình Thủ tướng quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền các khu vực phát triển đô thị, kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị để tổ chức công bố công khai cho các nhà đầu tư biết” - báo cáo giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ngãi do bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Trưởng ban) ký, vừa gửi HĐND tỉnh.

Phớt lờ nhiều quy định

Kết quả giám sát việc thực hiện các dự án khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2017 của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra UBND tỉnh và các sở, ngành đã bỏ qua nhiều quy định liên quan phát triển các dự án KĐT, KDC.

Một KDC phân lô, bán nền tại trung tâm TP Quảng Ngãi. Ảnh: TẤN VIỆT

Cụ thể, chính quyền tỉnh này chưa xây dựng kế hoạch năm năm, hằng năm theo quy định của trung ương để tổ chức thực hiện chương trình phát triển nhà ở đã được phê duyệt; chưa đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh các chỉ tiêu trong chương trình phát triển nhà ở.

Quá trình giám sát, Ban Kinh tế-Ngân sách phát hiện các dự án KĐT, KDC ở Quảng Ngãi hầu như chưa áp dụng hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật. Chỉ có hai dự án đấu giá, còn lại tỉnh này dùng hình thức chỉ định nhà đầu tư.

Theo Luật Đấu thầu, UBND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao. Tuy nhiên, một số khu vực khi có nhà đầu tư thì lại điều chỉnh ra khỏi danh mục để không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đơn cử, theo Quyết định 638/QĐ-UBND ngày 15-4-2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, có 45 danh mục dự án. Sau ba lần điều chỉnh, đến nay danh mục các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao tại tỉnh này chỉ còn bốn dự án trên địa bàn huyện Bình Sơn.

Sau khi quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư mới tiến hành lập quy hoạch chi tiết nên việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch chi tiết 1/500 chỉ mang tính hình thức, chủ yếu công bố quyết định chủ trương đầu tư.

Thống kê của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2011-2017, trên toàn tỉnh có 48 dự án KĐT, KDC với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 914,38 ha (22.628 lô đất nền; 1.821 lô đất tái định cư và chỉnh trang).

Lũy kế đến tháng 10-2018, UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư 75 dự án với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 1.062,52 ha; thống nhất chủ trương để nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát 16 dự án. 

Theo số liệu chúng tôi có được, 20 dự án do Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ngãi tham mưu cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2011-2017 thì có năm dự án không phù hợp với quy hoạch xây dựng. Có 15/201 dự án do Sở KH&ĐT tham mưu không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020.

“Cơ quan chức năng đã thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, cập nhật bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất trước khi UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án” - báo cáo chỉ ra cách hợp thức hóa các dự án của cơ quan chức năng tỉnh.

Ồ ạt lấy đất lúa

Báo cáo giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho hay giai đoạn 2011-2017 có 32/48 dự án; năm 2018 có 27/27 dự án được chính quyền tỉnh này quyết định chủ trương đầu tư nằm ngoài Chương trình phát triển nhà ở được HĐND tỉnh thông qua. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Nhà ở.

“Đến nay, diện tích đất ở theo quy hoạch của các dự án KĐT, KDC lớn hơn 471 ha so với nhu cầu quỹ đất ở đến năm 2020 của Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi… Tỉ lệ số lô đất đã chuyển nhượng so với tổng số lô đất đã hoàn thiện hạ tầng và số lô đất nền theo quy hoạch còn rất thấp” - báo cáo nêu.

KDC Phát Đạt Bàu Cả, trung tâm TP Quảng Ngãi, có giá một lô đất rẻ nhất là hơn 1,9 tỉ đồng. Ảnh: TẤN VIỆT

Ban Kinh tế-Ngân sách khẳng định chính quyền tỉnh Quảng Ngãi thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất lúa chưa đầy đủ và đúng quy định.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, đối với 37 dự án KĐT, KDC lấy ý kiến của Sở thì có sáu dự án nằm trong quy hoạch đất lúa với diện tích 35,2 ha nhưng hầu như không thực hiện được việc đền bù lại diện tích đất bị ảnh hưởng.

Qua rà soát, từ tháng 6-2016 đến tháng 9-2018, các đơn vị được giao đất, cho thuê đất phải nộp khoảng 9,2 tỉ đồng tiền bảo vệ và phát triển đất lúa nhưng báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi đến ngày 20-10-2018 cho thấy chỉ có ba đơn vị nộp với số tiền hơn 449 triệu đồng.

Từ kết quả giám sát, Ban Kinh tế-Ngân sách đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi tạm dừng việc cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập dự án KĐT, KDC nhất là trên địa bàn TP Quảng Ngãi.

Ban Kinh tế-Ngân sách cũng kiến nghị kiểm tra và có biện pháp xử lý kiên quyết đối với 10 dự án chậm tiến độ. Tăng cường thanh tra đối với các dự án sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, nhất là quản lý việc xây dựng, điều chỉnh quy hoạch 1/500, huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của chủ dự án…

“Chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra nhà đầu tư đảm bảo đủ điều kiện mới được chuyển nhượng quyền sử dụng đất để người dân xây dựng nhà ở trước khi tham mưu UBND tỉnh về chuyển nhượng đất nền” - báo cáo đề xuất.

Đối với các địa phương có dự án đã phê duyệt mà chưa có vốn để thực hiện thì tạm thời không phê duyệt dự án mới.

Công ty của UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận chuyển nhượng đất không qua đấu giá

Công ty QISC, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND tỉnh Quảng Ngãi làm chủ sở hữu, đang nắm nhiều dự án KĐT, KDC trên địa bàn tỉnh này.

Đơn cử, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chấp thuận cho Công ty QISC thực hiện dự án KDC trục đường Mỹ Trà-Mỹ Khê. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu là 80 tỉ đồng, vốn vay và vốn huy động là 317 tỉ đồng, phương án tiêu thụ sản phẩm là chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thông qua đấu giá (giống các doanh nghiệp bình thường). Nhưng khi ban hành quyết định giao đất thì UBND tỉnh không quy định trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất của Công ty QISC.

"Đến thời điểm giám sát, cơ sở pháp lý để Công ty QISC được chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thông qua đấu giá vẫn chưa được các sở, ngành làm rõ" - báo cáo chỉ rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm