Tính sai tiền sử dụng đất ở dự án ngàn căn hộ

Dự án khu đô thị Celadon City ở 88 đường N1, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM với hàng ngàn căn hộ chung cư cao cấp đang trong quá trình hoàn chỉnh. Nhiều khu nhà được đưa vào sử dụng, các công trình như khu thể thao, công viên trung tâm… đã đi vào hoạt động.

Dự án được xây dựng trên diện tích hàng chục hecta tại vị trí đắc địa của quận Tân Phú. Mới đây, sau hai lần vào cuộc rà soát, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phát hiện ra lỗ hổng bất ngờ liên quan đến dự án này.

Lằng nhằng quá trình chuyển nhượng

Theo TTCP, cơ sở pháp lý để triển khai dự án khu liên hợp văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng (tên thương mại hiện nay là khu đô thị Celadon City) bắt đầu từ năm 2006.

Ngày 10-5-2006, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi phần đất diện tích hơn 390.088 m2. Phần đất này do Công ty Bò sữa TP thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Trường Sư phạm kỹ thuật phổ thông thuộc Trường CĐ Sư phạm sử dụng không đúng mục đích). UBND TP.HCM giao đất  này cho Trung tâm Khai thác quỹ đất (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất) quản lý.

Năm 2007, TP chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) được đầu tư khu liên hợp văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng với diện tích 908.741 m2. Đồng thời, Sacomreal thay thế Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư (CĐT) dự án.

Tiếp đó, năm 2009, TP lại giao cho Công ty Tân Thắng (Sacomreal chiếm 90% vốn góp) diện tích 825.216 m2 đất trong dự án trên để thực hiện dự án.

Năm 2010, Sacomreal ký hợp đồng chuyển nhượng 60% cổ phần phổ thông của Tân Thắng cho Gamuda Land Sdn Bhd của Malaysia. Qua rà soát, đến nay TTCP xác định Công ty Gamuda Land Sdn Bhd đã chiếm đến 98% vốn điều lệ của Công ty Tân Thắng và trở thành CĐT của dự án trên.

Khu đô thị Celadon City bị kiến nghị truy thu số tiền hơn 514 tỉ đồng sau khi Thanh tra Chính phủ  hai lần vào cuộc. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

TTCP hai lần kiểm tra

“Từ kết quả kiểm tra, rà soát, TTCP đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND TP.HCM thu hồi về cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 514 tỉ đồng mà trước đây UBND đã cho phép CĐT khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đường giao thông, đất công viên cây xanh và diện tích mặt nước” - báo cáo mới nhất kết quả xác minh của TTCP về dự án Celadon City nêu rõ.

Đây là kết quả rà soát dự án này lần thứ hai của TTCP theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình do CĐT đã có khiếu nại đối với kết quả thanh tra lần một.

Trước đó, vào tháng 4-2017, thanh tra cũng từng có kết luận về vụ việc và yêu cầu truy thu số tiền hơn 514 tỉ đồng. Thủ tướng cũng chỉ đạo phải thu hồi số tiền này từ CĐT. Lần vào cuộc năm 2017 của TTCP là để kiểm tra, xem xét tố cáo của bà Phạm Thị Kim Loan (một người dân) liên quan đến những sai phạm trong việc thực hiện dự án trên.

Trong lần rà soát thứ hai, TTCP đưa ra ba nhận xét quan trọng. Thứ nhất, việc UBND TP.HCM ban hành quyết định tháng 11-2010, trong đó điều chỉnh hình thức sử dụng đất từ giao đất sang thuê đất đối với toàn bộ diện tích dự án hơn 820.101 m2, trong đó cho thuê đất không thu tiền thuê đất đối với 349.515 m2 đất giao thông, cây xanh, mặt nước (đất công cộng không có mục đích kinh doanh) là chưa phù hợp Luật Đất đai 2003.

Thứ hai, việc TP cho phép CĐT khấu trừ hơn 514 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ về đất vào tiền sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đường giao thông, đất công viên cây xanh và diện tích mặt nước là chưa phù hợp với Nghị định 197/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Cuối cùng, thanh tra nhận xét việc Sở Tài chính TP cho rằng dự án này thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Nghị định 197/2004 là chưa phù hợp. Bởi lẽ thời điểm Gamuda Land Sdn Bhd nhận chuyển nhượng 60% cổ phần từ Công ty Tân Thắng thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đã hoàn tất. Gamuda Land Sdn Bhd không trực tiếp chi trả tiền bồi thường, tái định cư nên không thể áp dụng Nghị định 197/2004 để hoàn trả chi phí bồi thường, hỗ trợ về đất được.

Khu đô thị Celadon City ở 88 đường N1, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM có tổng vốn đầu tư được giới thiệu lên đến 25.000 tỉ đồng với bốn phân khu chính cùng 8.577 căn hộ cao cấp được xây dựng. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Lãi suất tiết kiệm thấp 'chạm sàn', dòng tiền đầu tư chảy vào đâu?

Lãi suất tiết kiệm thấp 'chạm sàn', dòng tiền đầu tư chảy vào đâu?

(PLO)- Luôn được đánh giá là một trong những kênh đầu tư sinh lời tốt nhất, bất động sản càng cho thấy sức hút khi lãi suất tiết kiệm liên tục rơi tự do, thiết lập nhiều “đáy” mới. Để đón sóng, một số chủ đầu tư lớn đã nhanh chóng tung ra các chính sách hỗ trợ đột phá.

Nhu cầu thuê chung cư vẫn trong xu hướng tăng trong khi nguồn cung sẵn có thiếu hụt. Ảnh minh họa: TIỂU MINH

Mỗi năm, giá căn hộ tăng trưởng 2 chữ số

(PLO)- Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết giá căn hộ liên tục tăng trong những năm qua, bất chấp bối cảnh khó khăn chung của toàn thị trường bất động sản.

‘Đổi vận’ từ thuê trọ thành chủ căn hộ hạng sang nhờ biết tận dụng gói vay

‘Đổi vận’ từ thuê trọ thành chủ căn hộ hạng sang nhờ biết tận dụng gói vay

(PLO)- Giữa bối cảnh giá thuê nhà liên tục tăng cao, nhiều người trẻ đã linh hoạt tận dụng ưu đãi thanh toán tốt chưa từng có từ chủ đầu tư để mua nhà. Việc hoán đổi chi phí thuê nhà vào dòng tiền trả góp được xem là bài toán thông minh của người trẻ khi vừa thoát cảnh thuê trọ vừa sớm có nhà riêng.

Lợi thế 'không thể sao chép' của dòng căn hộ hạng sang, vị trí lõi trung tâm

Lợi thế 'không thể sao chép' của dòng căn hộ hạng sang, vị trí lõi trung tâm

(PLO)- Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, nhiều nhà đầu tư sành sỏi tiếp tục đặt niềm tin vào dòng sản phẩm căn hộ hạng sang, đặc biệt là tại các dự án có vị trí kim cương ở vùng lõi trung tâm với kỳ vọng sớm gia tăng giá trị bất động sản, đồng thời thu về lợi nhuận bền vững từ việc cho thuê đều đặn.