TP.HCM tìm vốn xây metro và cải thiện hạ tầng

UBND TP.HCM vừa có buổi làm việc với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA. Tại đây, TP.HCM đã đề nghị JICA ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn vay ODA để triển khai dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 3.

Tài trợ dự án hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn 2 cho việc nghiên cứu vận hành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Hỗ trợ nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a, giai đoạn 2 từ Bến xe Miền Tây đi Tân Kiên và tuyến số 3b từ ngã sáu Cộng Hòa đi Hiệp Bình Phước.

Tài trợ nghiên cứu trước dự án kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đi tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương. Hỗ trợ giới thiệu các dự án đường sắt đô thị TP.HCM đến các công ty Nhật Bản để khuyến khích tham gia các gói thầu của dự án và mở rộng cơ hội phát triển hợp tác công tư.

Hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án huấn luyện, đào tạo và chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm cho các trung tâm vận hành metro cũng như Trung tâm Quản lý vận hành đường hầm sông Sài Gòn để khai thác hiệu quả, an toàn cho người dân và chất lượng tuổi thọ công trình.

TP.HCM tìm vốn xây metro và cải thiện hạ tầng ảnh 1
Dự kiến, tuyến metro số 1 sẽ đi vào hoạt động năm 2020

UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a Bến Thành - Tân Kiên để trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trong năm 2017.

Đối với dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 3, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị được giao hoàn thành thực hiện những công việc đã được cam kết với JICA theo tiến độ.

Trước đó, UBND TP.HCM cũng đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc đẩy nhanh các thủ tục pháp lý để khoản hỗ trợ kỹ thuật lập nghiên cứu khả thi cho dự án tuyến metro số 4b - 1, nhánh sân bay Tân Sơn Nhất được thực hiện đúng tiến độ vào quý I-2017.

Bổ sung nguồn vốn ODA và hỗ trợ TP.HCM tìm kiếm nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng khác như Nngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới… để triển khai thực hiện toàn bộ dự án tuyến metro số 5 giai đoạn 2.

Đồng thời xem xét một khoản hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện công tác nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi dự án tuyến metro số 4 ngay trong trong quý I-2017.

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, TP.HCM sẽ có tám tuyến metro. Trong đó, tuyến số 1 là Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km, dự kiến kéo dài đến Bình Dương và Đồng Nai.

Tuyến số 2: Thủ Thiêm - Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khoảng 48 km nhưng sẽ làm trước đoạn Bến Thành - Tham Lương. Tuyến 3A: Bến Thành - Tân Kiên dài khoảng 20 km. Tuyến 3B: Ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước dài hơn 12 km.

Tuyến số 4A: Cầu Bến Cát - Khu đô thị Hiệp Phước dài 36 km. Tuyến 4B: Ga Công viên Gia Định - ga Lăng Cha Cả dài 5,2 km. Tuyến số 5: cầu Sài Gòn - Bến xe Cần Giuộc dài khoảng 17 km. Tuyến số 6: Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm dài hơn 6 km.

Ngoài ra, TP.HCM còn có ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Hiện tại, tuyến metro số 1 đang được triển khai và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Trong tám tuyến metro, đã có ba tuyến bị đội vốn hơn 60.000 tỉ đồng. Cụ thể, tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư được duyệt vào năm 2007 khoảng 17.300 tỉ đồng. Sau đó, tổng mức đầu tư dự án này được điều chỉnh lên hơn 47.300 tỉ đồng.

Còn tuyến metro số 2 có tổng mức đầu tư được duyệt vào năm 2010 là hơn 26.100 tỉ đồng. Đến nay, tổng mức đầu tư của dự án được cập nhật là khoảng 40.000 tỉ đồng, tăng khoảng 14.000 tỉ đồng.

Tuyến metro số 5 giai đoạn 1 dài gần 9 km khi đăng ký danh mục dự án ODA chỉ ước khoảng 833 triệu euro. Tuy nhiên, tính đến nay tổng mức đầu tư dự án này ước khoảng hơn 1,5 tỉ euro.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, do chủ đầu tư, các tư vấn lập dự án và tư vấn thẩm tra trong nước chưa có kinh nghiệm nên việc tính toán chưa sát thực tế.

Các chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng, quản lý dự án tính theo quy định trong nước nên rất thấp. Đồng thời do các dự án chậm triển khai nên chịu ảnh hưởng của trượt giá, lạm phát.

Qua tính toán, suất vốn đầu tư 1 km của các tuyến metro tại TP.HCM gồm: Tuyến số 1 là 93,9 triệu USD/km, tuyến số 2 là 130,8 triệu USD/km và tuyến số 5 là 117,5 triêu USD/km.

TP.HCM tìm vốn xây metro và cải thiện hạ tầng ảnh 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm