Trăm hộ dân hiến đất xây đê chống ngập

Nằm sát sông Sài Gòn và phải thường xuyên hứng chịu cảnh triều cường gây ngập nhưng những ngày tết Bính Thân 2016, người dân ở khu phố Mỹ Hảo 1, Mỹ Hảo 2 (phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) hết lo chuyện phải lội bì bõm...

Ai nấy đều vui

“Bờ đê này vừa xây xong, cao hơn 2 m nên không phải ngại ngập úng nữa” - ông Nguyễn Tri Phương (trưởng khu phố Mỹ Hảo 1) hồ hởi nói khi cùng chúng tôi đi xe máy chạy dọc bờ đê. Chiều tối, nước sông đang dâng cao nhưng chỉ thấy từng tốp người vui vẻ đi ra bờ sông hóng gió và câu cá.

Ông Phương cho biết khu phố Mỹ Hảo 1 nằm ven sông Sài Gòn, trước đây do bờ bao thấp trũng nên việc đi lại rất khó khăn. ai muốn ra sông câu cá phải đi bằng ghe. Khổ hơn, vào những đợt triều dâng cao, cộng với hồ Dầu Tiếng xả lũ, tình trạng vỡ bờ, ngập úng cũng xảy ra thường xuyên.

Tại khu phố Mỹ Hảo 2, chúng tôi cũng chỉ thấy người dân lo đón tết, không ai bận tâm đến triều cường. Do đã có đê bao kiên cố nên nhiều gia đình ven sông trước ở nhà tạm bợ, giờ đã xây sửa lại nhà khang trang hơn. Những hộ khá giả còn xây rào bê tông, tạo ra không gian sống ven sông nhộn nhịp hơn trước rất nhiều. “Từ ngày có bờ đê, quán sá cũng mọc lên rất nhiều. Đất ở đây bây giờ giá cũng cao hơn trước đây” - anh Hùng, nhà gần bờ sông, vui vẻ nói.

Tuyến đê bao ven sông Sài Gòn vừa chống ngập vừa tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Ảnh: KB

Ông Nguyễn Thành Viễn, một hộ nghèo ở phường Mỹ Hảo 1, cũng hiến đất xây đê bao. Ảnh: KB

Hy sinh vì lợi ích chung

Được xem là người nghèo nhất khu phố Mỹ Hảo 1 nhưng ông Nguyễn Thành Viễn (sinh năm 1953) vẫn quyết định hiến đất, góp sức xây đê bao chống triều cường. “Mấy chục năm sống trong nhà lá, vừa được Nhà nước xây tặng cái nhà tình thương nhưng thấy bà con ở đây ai cũng hiến đất hết, mình không hiến coi sao được” - ông Viễn bộc bạch.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Mạnh - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý khai thác thủy lợi, thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và môi trường Bình Dương cho biết do tuyến đê bao Mỹ Hảo 1 thực hiện sau nên khá thuận lợi chứ lúc thực hiện tuyến đê bao Mỹ Hảo 2 cũng lắm gian nan. Ông Mạnh nhớ lại: “Chúng tôi phải kết hợp với chính quyền địa phương, cùng hội phụ nữ, hội nông dân… thuyết phục nhiều lần cuối cùng người dân mới đồng ý. Nhớ nhất là ở một hộ trồng hoa phong lan, đầu tiên chị yêu cầu phải bồi thường chứ không hiến đất. Nhưng nếu mình bồi thường cho một hộ thì những hộ khác cũng sẽ yêu cầu bồi thường theo. Lúc đó chi phí đầu tư sẽ tăng cao, công trình không thể thực hiện được”.

Chúng tôi tò mò hỏi: Vậy việc thuyết phục hộ dân đó như thế nào?

Ông Mạnh tiết lộ: “Lúc đó anh em bàn thảo dữ lắm rồi quyết định thi công ở những đoạn dân đã hiến đất trước, chỗ hộ trồng hoa phong lan thì chừa lại. Sau đó khi thấy tuyến đê dần hình thành, việc đi lại dễ dàng, đất đai lại lên giá nên chủ hộ trồng hoa phong lan mới đồng ý hiến đất. Nói chung là khi người dân thấy được lợi ích thật sự mà công trình mang lại thì họ mới tin”.

Ông Mạnh cho biết thêm, tổng cộng ở cả hai khu phố Mỹ Hảo 1 và Mỹ Hảo 2, người dân đã hiến hơn 25.000 m2 để xây đê bao.

Nhiều nơi học hỏi làm theo

Tuyến đê bao Mỹ Hảo 1 vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015. Tuyến đê này cao 2,2 m, mặt đê rộng hơn 3 m, tổng chiều dài khoảng 2,5 km. Dù công trình có quy mô lớn như thế nhưng tổng mức đầu tư chỉ khoảng 5 tỉ đồng. Công trình thực hiện với chi phí rẻ như thế là nhờ có đến 80 hộ dân hiến đất. Trước đó khi xây tuyến đê Mỹ Hảo 2 (dài 2,5 km), cũng có khoảng 50 hộ dân hiến đất nên cũng chỉ tốn khoảng 5 tỉ đồng. Trong lúc ngân sách tỉnh còn eo hẹp, nếu dân không hiến đất, việc thực hiện những tuyến đê bao như thế này sẽ rất khó khăn.

Sau khi hai tuyến đê được đưa vào sử dụng, một số địa phương dọc sông Sài Gòn như phường Chánh Mỹ, Chánh Nghĩa, Phú Thọ… cũng đang làm theo mô hình này để xây các tuyến đê bao chống ngập. Có thể trong năm 2016 sẽ có thêm những tuyến đê bao được thực hiện theo hình thức dân hiến đất, Nhà nước xây công trình.

Ông NGUYỄN NGỌC MẠNH, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý khai thác thủy lợi, thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và môi trường Bình Dương

“Mất nhiều đất nhưng không sao”

Dù cơ quan chức năng phải vận động nhiều lần ông Nguyễn Công Tấn (khu phố Mỹ Hảo 1) mới đồng ý hiến đất nhưng khi tuyến đê làm xong, ông cũng tỏ ra cởi mở khi chúng tôi nhắc lại câu chuyện này. “Tuyến đê lấy của tôi không biết bao nhiêu đất nhưng thật lòng mà nói có tuyến đê này bà con ở đây ai cũng vui. Quang cảnh ở đây giờ cũng đổi thay hơn trước” - ông Tấn bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm