Bắt người để chuẩn bị xét xử

Quá trình điều tra, truy tố, em tôi được tại ngoại do được tôi bảo lãnh, có chỗ ở rõ ràng… Tuy nhiên, vừa qua tòa đã đưa lệnh bắt em tôi. Tôi không hiểu tòa làm như vậy là có đúng pháp luật không? Có phải chỉ có cơ quan điều tra mới có quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam?Thủ tục ra sao?

Nguyễn Văn Ngạn (Phường 9, quận 5, TP.HCM)

Luật sư Đinh văn Lương (Đoàn Luật sư TP.HCM) trả lời: Điều 79 (Các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn) Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

Còn Điều 80 (Bắt bị can, bị cáo để tạm giam) quy định những người sau đây có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam: a) Viện trưởng, phó viện trưởng VKSND và viện kiểm sát quân sự các cấp; b) Chánh án, phó chánh án TAND và tòa án quân sự các cấp; c) Thẩm phán giữ chức vụ chánh tòa, phó chánh tòa Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao; HĐXX; d) Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu. Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.

NGUYỄN ĐỊNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm