|
Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) - Ảnh: Sĩ Huyên |
Ông Nguyễn Đức Kiên (48 tuổi) là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, là cổ đông sáng lập tại nhiều ngân hàng thương mại như ACB, Kiên Long...
Được biết, ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ để điều tra về một số sai phạm liên quan đến hoạt động kinh tế của ông này.
Ngay trong tối 20-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét nơi ở của ông Nguyễn Đức Kiên tại Hà Nội. Việc khám xét kéo dài khoảng hơn một giờ. Cơ quan công an đã thu giữ một số tài liệu liên quan đến hành vi đang bị điều tra của ông Nguyễn Đức Kiên.
Trước đó, vào 15g chiều 20-8, ông Nguyễn Đức Kiên đã gặp và trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ tại khách sạn Hilton - Hà Nội. Tại cuộc trả lời phỏng vấn, ông Kiên trao đổi nhiều về các nội dung liên quan đến tổng kết mùa giải 2012 của bóng đá Việt Nam.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB, cũng là người phụ trách phát ngôn của ngân hàng này cho biết việc ông Kiên bị bắt là việc của cá nhân ông Kiên.
Hiện ông Kiên không còn là cổ đông lớn, cũng không phải thành viên Hội đồng quản trị, không tham gia ban điều hành của ngân hàng ACB. “Việc tạm giam ông Kiên là quyết định của cơ quan chức năng do vậy không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngân hàng”, ông Toại nhấn mạnh.
Ông Toại cũng cho biết do không còn là cổ đông lớn, nên ông Kiên không có nghĩa vụ phải công bố thông tin về số cổ phần của ngân hàng ACB mà ông và các thành viên trong gia đình đang nắm giữ.
VnExpress cũng đưa tin sáng 21-8, căn biệt thự ba tầng bề thế, rộng vài trăm mét vuông của ông Kiên nhìn ra hồ Tây đóng kín cửa. Bên ngoài cánh cổng sắt cao hơn 3m có 4-5 người mặc đồng phục bảo vệ canh gác, ngăn cản người tới gần.
Sáng 21-8, trao đổi với PV, bà Yến - Tổ trưởng tổ dân phố nơi gia đình ông Kiên cư trú cho biết 19g tối qua 20-8, cơ quan công an khám nhà ông Kiên, lúc đó ông Kiên không có ở nhà, chỉ có vợ và một số người thân của ông ở nhà.
Cơ quan công an thu giữ một số tài liệu, trong đó có máy tính và USB.
Theo bà Yến, khi khám nhà ông Kiên, cơ quan công an công bố ông có hành vi kinh doanh trái phép.Bà Yến cho biết gia đình ông Kiên tuy sống trong khu vực nhưng ít quan hệ với xóm giềng và cũng không gây điều tiếng gì.
Công an phường Quảng An - nơi gia đình ông Kiên cư ngụ cho biết đã cử cán bộ phối hợp với cơ quan điều tra khám xét nhà ông Kiên và từ chối cung cấp thêm thông tin.
Biệt thự của ông Kiên tại khu vực hồ Tây. Ảnh: Hà Anh (VnExpress)
Trả lời trên Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo NH Eximbank cho biết ông Nguyễn Đức Kiên chỉ giữ 2-3% cổ phiếu tại NH Eximbank, nhưng đều do các thành viên trong gia đình ông Kiên đứng tên.
Riêng Ngân hàng ACB đang nắm khoảng 8-9% cổ phiếu Eximbank và đại diện chính thức trong Hội đồng quản trị là ông Phạm Trung Cang chứ không phải ông Kiên. “Ông Kiên cũng không giữ chức vụ cũng như chi phối gì tại Ngân hàng Eximbank”, vị lãnh đạo này khẳng định.
Trong khi đó đại diện NH Vietbank cho biết ông Nguyễn Đức Kiên chỉ là một cổ đông bình thường tại Vietbank, số cổ phần ông Kiên nắm giữ chưa đến mức là cổ đông lớn. Ông Kiên cũng không tham gia bất kỳ chức vụ gì bên Vietbank.
Hội đồng sáng lập gồm có sáu thành viên. Tuy nhiên ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc NH ACB cho biết khoảng 4 tháng trước Ngân hàng Nhà nước đã có quy định hủy các tổ chức của ngân hàng lập ra mà không nằm trong Luật các tổ chức tín dụng. Do vậy, hiện nay ACB không còn hội đồng sáng lập.
Còn việc ông Nguyễn Đức Kiên đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn tài chính Á Châu, ông Toại cho biết “không liên quan đến ngân hàng ACB”.
Về thông tin liên quan đến ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc NH ACB, ông Toại cho biết ông Hải đang hợp tác với cơ quan điều tra.
ACB: "Tình hình khách hàng không đáng ngại"
Ông Huỳnh Quang Tuấn, thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết nội dung được cơ quan cảnh sát điều tra thông báo liên quan đến hoạt động của các công ty ông Kiên. Trong lệnh tạm giam không có gì liên quan đến ACB. Ông Tuấn cho biết ông Kiên là cổ đông lớn nhưng mức sở hữu của ông Kiên ở ACB chỉ dưới 5%.
Theo qui định của luật doanh nghiệp, đây không phải là cổ đông lớn để ACB phải báo cáo.Với vai trò là cổ đông, ông Kiên không tham gia với bất kỳ vai trò gì trong cơ chế quản trị.
Cũng theo ông Tuấn, sau khi có lệnh bắt tạm giam ông Kiên, chiều qua, ACB đã có báo cáo Ngân hàng nhà nước. Bản thân ACB cũng đã có các phương án trong trường hợp dư luận có những diễn biến, ảnh hưởng xấu, có thể có những xáo động tạm thời thì đối phó với tình hình ấy.
“Từ sáng tới trưa 21-8, chúng tôi theo dõi chưa thấy gì bất thường. Tất nhiên là người gọi điện thoại hỏi thăm thông tin thì có nhiều, nhưng chúng tôi nhận thấy không có dấu hiệu khách hàng e ngại. ACB có thời gian dài hoạt động với cơ chế quản lý, đặc biệt là quản lý rủi ro đảm bảo khả năng thanh khoản rất tốt. Chúng tôi đảm bảo khả năng chi trả cho khách hàng trong các tình huống” - ông Tuấn khẳng định.
Cũng nói thêm về ông Kiên, ông Tuấn cho hay ông Kiên là một trong những người tham gia sáng lập ngân hàng ACB. Trong dư luận, tên tuổi của ông Kiên có gắn bó với ACB.Việc ông Kiên bị bắt tạm giam liên quan đến hoạt động các công ty của ông Kiên, không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động quản trị của ACB.
Nhà bầu Kiên mất 132,6 tỷ đồng chỉ trong buổi sáng
Theo phân tích của phóng viên Khánh Hà, báo VTC News, hiện bầu Kiên đang nắm giữ 35.167.245 cổ phiếu ACB và đứng ở vị trí thứ 17 trong danh sách các “đại gia” giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 21/8, cổ phiếu ACB giảm sàn, giảm 1.800 đồng/CP, tương ứng 6,9% xuống 24.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, khối tài sản khổng lồ của bầu Kiên đã “bốc hơi” 63,3 tỷ đồng, hiện trị giá số cổ phiếu mà ông Kiên đang nắm giữ chỉ còn hơn 844 tỷ đồng.
Không chỉ tài khoản của bầu Kiên bị hao tổn. Bà Đặng Ngọc Lan – vợ ông Kiên – hiện đang nắm giữ 4,11% cổ phần của ACB, tương đương 38.512.975 cổ phiếu. Tổn thất của bà Lan với số cổ phiếu còn nắm giữ của ACB khi ông Kiên bị bắt chỉ trong sáng hôm nay (21/8) là 69,3 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong buổi sáng hôm nay, gia đình ông Kiên đã mất 132,6 tỷ đồng.
Trên thực tế, bầu Kiên có thể mất mát nhiều hơn như vậy về mặt tài sản. Theo một nguồn tin, bầu Kiên còn có thể nắm giữ cổ phần ở nhiều doanh nghiệp khác (không đứng tên).
Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết trước đây bầu Kiên từng tuyên bố có thể tác động tới Eximbank để ngân hàng này không tài trợ V League nữa. Theo ông Tuấn, tuyên bố này của bầu Kiên không khỏi khiến người khác nghi ngờ bầu Kiên có có tiếng nói - đồng nghĩa với việc có cổ phần tại ngân hàng này. Nếu đó là sự thật thì bầu Kiên còn có thể mất nhiều tỷ đồng nữa vì sáng nay EIB cũng giảm sàn.
Phiên giao dịch sẽ còn tiếp tục trong chiều nay nhưng rất nhiều nhà đầu tư đều tin rằng sẽ không có “phép màu” nào xảy ra. Thị trường sẽ tiếp tục “cơn sốt” bán tống, bán tháo. Và số cổ phiếu ACB của bầu Kiên khó có thể nằm ngoài quy luật này.
Bầu Kiên bị khởi tố tội “kinh doanh trái phép”
Theo thông tin trên Thanh Niên Online, chiều 21.8, website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN) chính thức phát thông cáo về việc ông Nguyễn Đức Kiên bị Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố.
Thông cáo của NHNN VN nêu rõ việc ông Kiên bị bắt căn cứ đơn khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại ba công ty: Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B; Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT.
Theo cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an), ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố về tội "Kinh doanh trái phép" theo Điều 159, Bộ luật Hình sự.
Bước đầu điều tra sai phạm chỉ liên quan đến ba công ty trên do ông Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch HĐQT. Việc khởi tố bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên về tội kinh doanh trái phép là hoạt động bình thường của Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Do đó, người gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) hoàn toàn yên tâm. NHNN VN đang theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ. Trường hợp cần thiết, NHNN VN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống.
Ông Kiên (sinh năm 1964) từng học Đại học Kỹ thuật quân sự - Bộ Quốc phòng, sau đó tu nghiệp Trường kỹ thuật quân sự Zalkamatê, Hunggary. Sau 8 năm làm việc trong ngành dệt may, ông bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng và trở thành Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam - khi mới 30 tuổi. Năm 2010, trong bản danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam, với số cổ phiếu ACB có trong tay, tài sản của ông Kiên được đánh giá là 805 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu ACB mà gia đình ông Kiên nắm giữ tính tới cuối 2010 đạt giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng. Theo cáo bạch 2010 của Ngân hàng ACB, ông Nguyễn Đức Kiên không còn có tên trong Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, ông được cho là “cổ đông chính” của nhiều ngân hàng lớn. Trong lĩnh vực thể thao, ông Nguyễn Đức Kiên là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, và thường được gọi là "bầu Kiên". Theo VNE |