Bị oan vì cuốn hóa đơn

Viện trưởng VKSND huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) vừa có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với ông Trần Văn Sơn vì hành vi của ông không cấu thành tội trốn thuế… Theo quyết định, qua kết quả điều tra cho thấy ông Sơn chưa chấp hành nghĩa vụ nộp thuế là do nguyên nhân khách quan là bị người khác chiếm giữ con dấu và cuốn hóa đơn giá trị gia tăng. Ông Sơn không có hành vi gian dối để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.

Hợp tác làm gạch

Tháng 5-2007, ông Sơn hợp tác đầu tư sản xuất gạch với công ty của ông Quang Vĩnh Thuận. Tuy nhiên, công ty của ông Thuận còn nhiều dự án khác nên hai bên thống nhất sẽ thành lập một pháp nhân mới để mua lại nhà máy gạch với giá 17 tỉ đồng, trong đó có 14 tỉ đồng là vốn vay ngân hàng bằng việc thế chấp chính nhà máy. Một tháng sau, Công ty Cổ phần Gạch ngói tuynel Thiện Tân ra đời. Theo giấy phép, vợ ông Thuận làm chủ tịch hội đồng quản trị; ông Sơn làm giám đốc, chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của công ty; ông Thuận và một người nữa là thành viên hội đồng quản trị.

Thế nhưng việc mua bán nhà máy gạch không thành bởi trước đó công ty của ông Thuận đã thế chấp cho ngân hàng để vay 10 tỉ đồng. Do vậy, các bên sinh tranh chấp, vợ ông Thuận chiếm giữ luôn con dấu và cuốn hóa đơn giá trị gia tăng.

Theo cáo trạng, từ tháng 1-2008 đến tháng 7-2009, Nhà máy Thiện Tân đã bán ra thị trường hơn 24 triệu viên gạch, trốn thuế hơn 1 tỉ đồng...

Bị oan vì cuốn hóa đơn ảnh 1

Không phạm tội

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29-7, các chứng cứ và lời khai của nhiều người thể hiện ông Sơn chẳng những không có ý định trốn thuế mà còn nhiều lần đề nghị cơ quan thuế được đóng tạm ứng một khoản tiền để khi nào thu hồi được con dấu và cuốn hóa đơn sẽ tiến hành việc kê khai nộp thuế. Công tố viên đã đề nghị tòa cho hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung và được HĐXX chấp thuận.

Sau đó, ngày 15-8, VKSND huyện Vĩnh Cửu đã có công văn gửi VKSND tỉnh thỉnh thị ý kiến. Lúc này, trong VKSND tỉnh đã có nhiều quan điểm khác nhau. Một số ý kiến cho rằng ông Sơn có dấu hiệu phạm tội trốn thuế, một số cho rằng ông Sơn không phạm tội trốn thuế nhưng có dấu hiệu phạm tội kinh doanh trái phép.

Do không thống nhất được ý kiến, ngày 20-9, VKSND tỉnh Đồng Nai đã có công văn thỉnh thị ý kiến của VKSND Tối cao. Ngày 10-10, VKSND Tối cao hồi đáp khẳng định việc ông Sơn chưa chấp hành nghĩa vụ nộp thuế là do nguyên nhân khách quan và không thấy có hành vi gian dối để trốn tránh trách nhiệm nộp thuế. Do vậy chưa có đầy đủ căn cứ xác định ông Sơn phạm tội trốn thuế. Đồng thời, không đủ căn cứ để xác định ông Sơn phạm tội kinh doanh trái phép.

Sau khi nhận được ý kiến này, ngày 2-11, VKSND tỉnh Đồng Nai đã có công văn trả lời VKSND huyện Vĩnh Cửu theo nội dung trên. Dựa vào đây, VKSND huyện Vĩnh Cửu đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án…

Hiện nay ông Sơn đang tiến hành các thủ tục yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, bắt giam oan ông phải xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định.

VKS có trách nhiệm bồi thường

Trong vụ án của ông Trần Văn Sơn, VKSND huyện Vĩnh Cửu là cơ quan ra cáo trạng truy tố và giữ quyền công tố tại tòa. Sau đó, tòa trả hồ sơ để VKSND tiến hành điều tra bổ sung nên khi xác định được việc oan thì trách nhiệm bồi thường thuộc về VKSND huyện Vĩnh Cửu. Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, VKSND có trách nhiệm phải bồi thường khi: “Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội”. Ông Sơn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, bồi thường tổn thất tinh thần do bị tạm giam, tạm giữ, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và được quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tiến hành khôi phục danh dự của mình bằng cách tổ chức xin lỗi công khai và đăng báo cải chính trong ba kỳ liên tiếp…

Luật sư CAO QUANG THUẦN, Đoàn Luật sư TP.HCM

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm