Bí thư Nguyễn Văn Nên thăm Đường sách TP.HCM

Sáng 15-1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có chuyến thăm Đường sách TP.HCM (quận 1).

Tại đây, ông đi thăm các gian hàng, hỏi thăm tình hình kinh doanh, đặc biệt là hoạt động của mô hình xe buýt sách – chuyến xe chở tri thức. Ông cũng dự buổi giao ban của Ban Quản lý đường sách với các quản lý gian hàng. Ông bày tỏ sự tri ân với những người gián tiếp và trực tiếp làm nên đường sách hôm nay.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói chuyện tại buổi giao lưu. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Nói chuyện tại buổi đến thăm, ông Nguyễn Văn Nên cho biết Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có chỉ thị, chỉ đạo, quy định và nghị quyết về văn hóa đọc. Nhưng do nhiều lý do chưa đạt như mong muốn, chưa tải được ý định đi vào cuộc sống, trong đó có những việc thiết thực như hình thành những đường sách, chưa nhiều lắm. Đường sách TP.HCM là sáng kiến đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để hình thành và phát triển như ngày hôm nay. Ông có niềm tin mô hình này sẽ lan tỏa ra cả nước.

Ông cũng cho rằng, Đường sách TP.HCM đã tạo nên những dấu ấn như chuyến xe chở tri thức, các gian hàng bán sách cũ… nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất là sách về Bác Hồ bán rất chạy ở mọi lứa tuổi trong và ngoài nước.

Theo ông, hiện TP đang xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, vì thế cần có những nét đặc sắc hơn và đường sách là cơ sở và niềm tin để thực hiện điều này, phải làm thế nào để sớm hình thành, kích hoạt lại thói quen đọc sách. Do vậy, ông đề nghị Ban Quản lý Đường sách TP.HCM cần phải có chương trình gắn với các cơ quan, ban, ngành để có điểm tựa, sự hỗ trợ gắn kết, chung sức để phát triển nhanh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (ở giữa) tham quan Đường sách TP.HCM sáng nay. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Lấy ví dụ về sự phát triển từ một kệ sách nhỏ vài cuốn sách đã phát triển lên thành bus sách – chuyến xe tri thứ với 10.000 cuốn sách, ông Nên cho rằng cần phải nhân ra các mô hình đường sách mới. “Đừng chờ đủ lớn mới làm thì sẽ chậm, cứ có điều kiện chỗ nào làm được thì làm và nó sẽ lan tỏa” – ông Nên nói.

“Tôi thấy nó đã thành cái nếp nhưng làm sao để phát triển nhanh hơn, lan tỏa nhanh hơn nữa bởi chính chúng ta chứ không ai khác là những người ý thức được cái này và hành động luôn. Chúng tôi có niềm tin và xin gửi niềm tin đó cho các bạn để các bạn yên tâm đứng vững, làm sao phát triển nhanh, trước hết là với TP” – ông Nên nói thêm.

Trước đó, báo cáo về hoạt động của đường sách, ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, cho biết trong 5 năm qua, đường sách đón khoảng 11,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu các đơn vị có gian hàng tại đường sách đạt 181 tỉ đồng, với hơn 3,5 triệu bản sách được bán ra.

Giai đoạn 2016–2019, hoạt động của đường sách tăng trưởng bình quân 10–15%/năm. Riêng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động của đường sách có giảm. Tuy nhiên, đã có nhiều tín hiệu phục hồi.

Đường sách TP.HCM hiện nay mỗi tuần có khoảng 20 sự kiện như ra mắt sách, trưng bày, triển lãm, trao đổi sách quý… Nhờ các hoạt động phong phú, Đường sách TP.HCM không chỉ đơn thuần là nơi bán sách mà đã thật sự là một không gian, điểm đến thú vị của TP.HCM, hình thành và lan tỏa thói quen đọc sách.

“Những việc như chuyến xe chở tri thức vào tương lai vô cùng ý nghĩa bởi nó góp phần tác động hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em. Từ đó phát triển văn hóa đọc của người Việt Nam. Việc đọc sách có ý nghĩa vô cùng cần thiết cho sự phát triển của cá nhân và sự phát triển chung của đất nước nên Đường sách cũng đã góp phần rất nhỏ vào đó” – ông Lê Hoàng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm