BIDV bị đề nghị thu hồi hơn 1.600 tỉ trong đại án ngân hàng

VKSND Tối cao vừa có quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm sửa một phần bản án cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB nay là CB (còn gọi là đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2).

Theo đó, VKS đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao giám đốc thẩm theo hướng tuyên không thu hồi trả cho ông Danh số tiền 4.500 tỉ đồng nâng vốn điều lệ của VNCB và giữ nguyên bản án sơ thẩm thu hồi 1.633 tỉ đồng của BIDV để khắc phục hậu quả vụ án.

Theo VKSND Tối cao, việc hai cấp toà sơ và phúc thẩm tuyên thu hồi 4.500 tỉ để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo là không có căn cứ. Viện phân tích thực chất vốn điều lệ của VNCB vẫn là 3.000 tỉ đồng, chưa được nâng hay hạch toán với số tiền 4.500 tỉ đồng ông Danh cho là nộp vào tài khoản CB tại Ngân hàng nhà nước. Nguồn gốc số tiền này không phải là tiền của ông Danh mà do ông đi vay bằng cách thực hiện hành vi trái pháp luật và đã bị xử lý trong vụ án giai đoạn 1.

Ngoài ra, số tiền này đã hòa chung vào các nguồn tiền khác tại VNCB. Chính ông Danh chỉ đạo sử dụng hết cho mục đích cá nhân, gây ra thiệt hại cho VNCB. Vì vậy không có cơ sở để hoàn trả số tiền này cho ông một lần nữa.

Bị án Phạm Công Danh.

Cạnh đó, VKSND Tối cao còn cho rằng bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên BIDV không phải trả tiền cho CB là không có căn cứ và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước. Số tiền này được cho là có liên quan đến việc ông Trần Bắc Hà khi làm tại BIDV phê duyệt cho ông Danh vay 1.600 tỉ đồng. 

Hồi tháng 8-2018, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên Danh 20 năm tù, tổng hợp với án cũ là 30 năm (mức án cao nhất của tù có thời hạn); ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) bốn năm tù, và 44 đồng phạm từ hai năm án treo đến 10 năm tù.

Về dân sự, tòa nhận định trong số tiền hơn 6.100 tỉ đồng vay được của các ngân hàng, Danh và đồng phạm đã chuyển 4.500 tỉ đồng vào tài khoản của VNCB tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước để tăng vốn điều lệ. Không có căn cứ cho thấy Danh tăng vốn điều lệ cho cá nhân mình nên tòa ghi nhận đây là số tiền tăng vốn điều lệ cho CB là có căn cứ, cần thu hồi trả cho ông Danh để đảm bảo quyền lợi của các bị cáo, đảm bảo ngân sách nhà nước. Và cấp sơ thẩm đề nghị thu hồi hơn 1.600 tỉ đồng từ BIDV để khắc phục thiệt hại cho VNCB.

Xử phúc thẩm cuối năm 2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm tuyên thu hồi 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ trả cho ông Danh để cấn trừ vào thiệt hại. 

Tuy nhiên HĐXX chấp nhận kháng cáo của BIDV, sửa án, tuyên ngân hàng này không phải bồi thường cho CB hơn 1.600 tỉ đồng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm