Biếm họa: Từ báo chí ‘tấn công’ qua mạng xã hội

Thời gian gần đây giới trẻ Việt Nam đã quá quen với những hình ảnh dí dỏm thông qua những bức tranh biếm họa, hí họa của các tác giả trẻ như nhóm Lê Bích Bụng Phệ, Thành Phong…

Biếm họa là đấu tranh

. Phóng viên: Thưa ông, với sự phát triển của mạng xã hội mà nhất là Facebook, nhiều cây cọ trẻ đã rất được cộng đồng chú ý. Tiêu biểu như Lê Bích Bụng Phệ hay Thành Phong. Theo ông, vì sao họ lại nhận được sự quan tâm đó?

+ Họa sĩ Lý Trực Dũng: Trước hết phải hiểu biếm họa tức là thông qua hội họa để hài hước, chế giễu. Người ta dùng ngôn ngữ của hội họa, của nghệ thuật tạo hình, ngôn ngữ ở đây là tranh vẽ, màu, nét bút thậm chí điêu khắc nhưng được bóp méo và cường điệu ở mức tối đa. Hình ảnh bao giờ cũng vào con người nhanh. Người ta phát hiện ra ở trong hang động trước nhất là các hình vẽ, bích họa. Có nghĩa biếm họa thông qua phương tiện là hình họa để nêu bật chính kiến của họ với xã hội, về con người cụ thể hoặc một vấn đề nào đó đang tồn tại. Chính vì thế theo tôi, những hí họa hay biếm họa của những nhóm, cá nhân trên cũng xuất phát từ lý giải đó. Tuy nhiên, trên hết là họ phải có chính kiến.

. Theo ông, vì sao ngày càng có nhiều người vẽ lựa chọn mạng xã hội để công khai các sáng tác của mình? Bên cạnh đó, cường độ sáng tác của họ cũng rất dày đặc?

+ Biếm họa Việt Nam đã có những thăng trầm khác nhau. Gần đây biếm họa mới được nhắc đến nhiều hơn. Chúng ta phải thừa nhận rằng ở nước ta toàn bộ hệ thống đều trông vào báo chí, đăng tải thông qua báo chí. Việc tổ chức một triển lãm biếm họa thường không dễ dàng gì. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không có bảo tàng về tranh biếm họa. Thế nên mạng xã hội ra đời, mà cụ thể ở đây là Facebook đã tạo điều kiện để những người vẽ đưa được tác phẩm của mình lên. Đấy trở thành một kênh phản biện xã hội, nói lên ý kiến của người ta.

. Ông thường nhấn mạnh yếu tố đấu tranh xã hội, chế giễu cái xấu… của biếm họa, tuy nhiên ngày nay vẫn có những biếm họa hay hí họa như của nhóm Lê Bích Bụng Phệ đôi khi đơn thuần chỉ là những hình ảnh đi kèm những câu nói gây hài mà thôi?

+ Tôi có xem qua một số hình ảnh của nhóm Lê Bích Bụng Phệ. Theo tôi, qua đó cũng thấy họ có chính kiến của họ. Họ nói được tiếng nói của giới trẻ. Làm vui được cho mọi người cũng là một sự đóng góp cho xã hội. Biếm họa không phải lúc nào người xem cũng phải cười, đôi khi họ phải nghĩ, phải động não. Thế nên trên thế giới có nơi người ta còn dạy cả cách để xem tranh biếm họa nữa. Để đánh giá một cách toàn diện về biếm họa, thường người ta phải trả lời những câu hỏi như ai vẽ, vẽ ở đâu, vào lúc nào, vẽ về vấn đề gì, ai xem…

Biếm họa: Từ báo chí ‘tấn công’ qua mạng xã hội ảnh 1

Một trong những tác phẩm biếm họa của họa sĩ Lý Trực Dũng.

Chủ yếu tấn công vào tham nhũng

. Việc trả lời được những câu hỏi đó tác động như thế nào đến tác động của biếm họa, thưa ông?

+ Câu hỏi ai vẽ rất quan trọng. Nó gắn với thương hiệu cá nhân khiến người xem quan tâm. Tiếp đó là ở đâu. Cũng câu hỏi như vậy, tại sao họa sĩ Chóe ngày xưa được tạp chí New York Times đánh giá cao như thế. Lý do vì ông ấy là người Việt Nam, đang ở trong cuộc chiến ấy để chống Mỹ. Chóe chính là hình tượng chống chiến tranh rất cao. Tài năng của ông thì không cần phải tranh cãi nữa, vì tôi đánh giá ông là họa sĩ biếm họa giỏi nhất của Việt Nam nhưng nếu ông ấy không phải là người Việt Nam, không ở trong cuộc chiến thì liệu có được như thế không. Kế đến là thời gian, tức là lúc nào. Biếm họa có giá trị tư liệu lịch sử rất cao. Có những bức biếm họa hôm nay ta không thấy hết được giá trị của nó nhưng sau này nó lại làm bật lên được hiện thực và vì thế giá trị của nó cũng cao hơn ở thời điểm nó ra đời. Cho ai xem? Ví dụ như hí họa của nhóm Lê Bích Bụng Phệ, họ đưa ra những vấn đề đơn giản về cuộc sống hằng ngày được tuổi trẻ quan tâm nhưng người lớn tuổi hoặc thế hệ khác xem thì chưa chắc đã thích. Không có biếm họa nào cho cả thế giới xem.

. Biếm họa là tấn công vào cái xấu, cái tồn tại. Vậy việc đấu tranh này phải được thể hiện như thế nào cho phù hợp?

+ Đơn giản thôi, bản thân như tôi và bạn chẳng hạn, ai cũng có những cái xấu trên mặt mình, ai chẳng có những khuyết điểm, đó là cái tự nhiên. Nhưng nếu với những khuyết điểm đó, người nào nói tôi nhẹ nhàng hơn một chút, tế nhị hơn một chút thì tôi sẽ cảm thấy rất thoải mái nhưng nếu mạt sát tôi mà để tôi nổi khùng lên thì rất dở. Biếm họa khôn ngoan chính là ở chỗ đó. Cho nên người ta bảo biếm họa là những anh hề dũng cảm chống sự ngu dốt của đám đông.

. Vai trò của biếm họa và họa sĩ biếm như thế nào trong xã hội, thưa ông?

+ Ở châu Âu người ta coi các họa sĩ biếm họa là những người trí thức. Trí thức được hiểu ở đây là những người có khả năng đánh giá và phản biện xã hội để giúp xã hội tiến lên. Họ nhìn được những vấn đề trì trệ của xã hội và phê phán xã hội ấy. Một xã hội không có đấu tranh để tiến lên là một xã hội chết, biếm họa làm được việc như thế. Các họa sĩ biếm họa ở Đức đã từng cảnh báo nếu bầu cho Hitler là bầu cho chiến tranh và thực tế đã diễn ra như thế.

. Còn ở Việt Nam thì sao, thưa ông?

+ Ở Việt Nam biếm họa cũng được coi là một thứ vũ khí sắc bén. Các họa sĩ biếm đã từng được huy động chống quân xâm lược, chống kẻ thù của giai cấp. Đặc biệt là trong thời gian từ năm 1945 cho đến 1975. Đến năm 1979 khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, biếm họa cũng được huy động để đánh, phản đối quân xâm lược Trung Quốc.

. Theo ông, trong thời điểm hiện nay đề tài nào được các họa sĩ thể hiện nhiều nhất và tại sao?

+ Tôi nghĩ đó là tham nhũng. Vì tham nhũng đưa đến mất công bằng xã hội, thậm chí còn đưa đến nguy cơ cho thể chế. Đây luôn luôn là vấn đề lớn nhất của cuộc đấu tranh nội bộ. Nó còn để lại hệ quả lớn nhất là băng hoại văn hóa. Khi không còn văn hóa nữa chúng ta có nguy cơ mất nước.

. Xin cám ơn ông.

Một số họa sĩ biếm tiêu biểu ở Việt Nam

Nguyễn Hải Chí (1943-2003): Nổi tiếng với bút danh Chóe, là một họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm họa. Ông được coi là “họa sĩ biếm số một của Việt Nam” với những tranh biếm đặc sắc phê phán các thói hư tật xấu.

Satế, Tạtúm: (Cách đọc ngược chữ “mù tạt” trong gương) là những bút danh của họa sĩ biếm Nguyễn Văn Thưởng. Với Satế, vẽ biếm họa như để giãi bày, bởi theo anh phải nuôi ý tưởng, ấm ức, bực bội về nó nhằm tìm ra một hình ảnh độc đáo, chứ không phải là một nghề kiếm sống.

Nguyễn Thành Phong: Sau tác phẩm truyện tranh Sát thủ đầu mưng mủ, họa sĩ biếm Nguyễn Thành Phong vừa cho ra đời cuốn e-book gồm 40 bức tranh biếm họa tái hiện những tình huống giao thông thường gặp trên đường phố Việt Nam.

DAD là tên viết tắt của Đỗ Anh Dũng, một “thương hiệu” tranh biếm vẫn thường thấy trên các trang báo lớn. Với những nét vẽ đơn giản, dễ nhìn và tập trung sâu vào ý tưởng, ở nhiều vấn đề, tranh của anh không chỉ gây cười mà còn đánh động, sâu cay.

LEO (Lê Phương) nổi bật với những tác phẩm mang ngôn ngữ mỹ thuật hiện đại và ý tưởng sâu sắc.

LET (Lê Viết Trí): Một trong những họa sĩ biếm họa nổi tiếng tại Việt Nam. Anh đã có gần 3.000 bức biếm họa sau hàng chục năm đam mê nghề.

Họa sĩ Cận được coi là một “tài năng cá biệt” bởi ông không hề học vẽ nhưng lại cho ra đời những tác phẩm tranh biếm họa vô cùng đặc sắc.

Biếm họa trên báo chí của họa sĩ Dzím (Hoàng Dzự) nổi trội bởi đề cập những bức xúc trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội ở tầm vĩ mô cũng như những sự kiện quốc tế nóng bỏng. Cách thể hiện của anh rất giàu bản sắc dân tộc và nhiều mối liên hệ với những sự kiện văn hóa-xã hội đặc sắc trên thế giới.

LAP (Lê Anh Phong) là người đã đoạt giải nhất giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần I do báo TT&VH tổ chức.

Bảng chu kỳ kiểm định các loại xe ô tô từ 22-3-2023

Bảng chu kỳ kiểm định các loại xe ô tô từ 22-3-2023

(PLO)- Theo Thông tư 02/2023 của Bộ GTVT có hiệu lực từ 0g ngày 22-3, chu kỳ kiểm định xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (xe cá nhân, xe gia đình) có chu kỳ đầu tiên tăng từ 30 tháng lên 36 tháng như bảng dưới đây.