Bình Chánh, Hóc Môn tồn hơn 1.000 hồ sơ tách thửa

Theo ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP, trên địa bàn TP hiện nay diện tích đất quy hoạch dân cư xây dựng mới và đất quy hoạch hỗn hợp khá nhiều, chiếm khoảng 53% diện tích đất ở. Khảo sát tại một số quận, huyện thì số lượng đất quy hoạch theo hai chức năng trên rất phổ biến.
Cụ thể, quận 3 đất hỗn hợp chiếm 20% tổng diện tích đất; Bình Chánh đất hỗn hợp có khoảng gần 41 ha, chiếm hơn 1% tổng diện tích đất dân cư, và đất dân cư xây mới là hơn 1.800 ha, chiếm 47% diện tích đất dân cư. Ở Hóc Môn đất hỗn hợp là 475 ha và đất dân cư xây mới là 1.104 ha. 

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT giải trình tại buổi giám sát

Ông Kiên cũng cho rằng trong các khu vực quy hoạch hai chức năng này còn nhiều vướng mắc về cấp phép xây dựng, chuyển mục đích, tách thửa. Các quận, huyện cũng không thống nhất trong công tác quản lý, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận và tách thửa cho dân. 
Liên quan đến cấp phép xây dựng, đa số quận, huyện đều cấp phép xây dựng tạm trong hai khu vực có chức năng quy hoạch này. Tuy nhiên, mỗi quận, huyện lại có cách áp dụng khác nhau.
Chẳng hạn, quận 9 chỉ cấp phép xây dựng chính thức trong khu dân cư xây dựng thấp tầng. Quận Bình Thạnh, Gò Vấp căn cứ vào công văn của Sở QH-KT về chức năng sử dụng đất trong các đồ án quy hoạch 1/2000 để cấp chính thức.
Trong khi đó, quận Gò Vấp thì lại căn cứ quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị chung, quy hoạch 1/2000 để cấp phép chính thức. "Ngoài ra, các quận, huyện còn lại cấp phép xây dựng tạm gây nhiều bức xúc trong dân do hạn chế về tầng cao, không được công nhận tài sản gắn liền với đất, gây ảnh hưởng đến quyền lợi trong quá trình chuyển nhượng, bồi thường..."-  ông Kiên nói.
Vị Trưởng ban đô thị  thông tin thêm, các khu đất có chức năng quy hoạch nêu trên cũng gây nhiều khó khăn, lúng túng cho các địa phương khi giải quyết tách thửa. Riêng Bình Chánh, Hóc Môn đã tồn hơn 1.000 hồ sơ tách thửa vì có liên quan đến đất quy hoạch dân cư xây mới và đất quy hoạch hỗn hợp.
Tại buổi giám sát, ba sở TN&MT, QH-KT và Xây dựng đều khẳng định đã thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, cho rằng tại một đô thị lớn như TP.HCM mà để xảy ra tình trạng mỗi nơi làm một kiểu như vậy là không ổn.
"Cùng một vấn đề mà có nhiều cách hiểu, cách áp dụng khác nhau là không thể chấp nhận được. Tại sao cùng là đất quy hoạch như nhau mà quận thì cấp chính thức, quận thì cấp tạm? Nơi thấp tầng thì cấp, cao tầng thì không?" - bà Tâm đặt vấn đề. 

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, quy hoạch để phát triển bền vững là một yêu cầu thực tế, không thể không làm. Nhưng vấn đề là cách làm quy hoạch. Cách làm hiện nay chưa ổn, chưa rạch ròi. Nhu cầu nhà ở của người dân rất bức bách. Người dân cả đời tích cóp xây được cái nhà, nhưng vì nhà đất họ rơi vào tình cảnh mà thành phố quy hoạch “treo”, rồi thành phố buộc họ cam kết là sẽ tháo dỡ và không được yêu cầu đền bù, là gây thiệt thòi cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu điều chỉnh chức năng đất khi thực hiện quy hoạch: “Phải làm cho người dân ở trong loại đất đó là có quyền gì, được làm gì, chứ bây giờ đất gì không biết rồi phải lo đi xin, lo đi chạy rất khổ. Các anh nắm chuyên môn, các anh phải xử lý”.
Yêu cầu các sở, ngành tập trung sớm khắc phục các vướng mắc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm gửi gắm: “Mình xây dựng luật, làm luật mà gây thiệt hại cho dân như thế, mình phải sửa, góp sức để cùng sửa. Tiếng nói chuyên môn phải hợp với tiếng nói của dân."

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm