Bộ GD&ĐT sẽ kháng cáo vụ thua kiện thu hồi bằng tiến sĩ

Ngay sau khi TAND Hà Nội tuyên ông thắng kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong vụ kiện thu hồi bằng tiến sĩ, Bộ GD&ĐT đã phát đi thông báo, khẳng định không đồng tình với bản án mà HĐXX đã tuyên ông Hoàng Xuân Quế thắng kiện.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT cho rằng có đầy đủ căn cứ xác định ông Hoàng Xuân Quế đã sao chép luận án tiến sĩ. Vì thế, lãnh đạo Bộ đã ký quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế. Việc này được thực hiện theo quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền.

Về thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thụ lý giải quyết đơn tố cáo của công dân đối với ông Hoàng Xuân Quế, và ký ban hành Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế, là hoàn toàn đúng thẩm quyền, theo quy định tại Luật Tố cáo; khoản 7 Điều 6 và khoản 1 Điều 12 Quy định Quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ/BGDĐT ngày 26/12/2002 (viết tắt là Quy định Văn bằng, chứng chỉ); điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 22 Quy chế Văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (viết tắt là Quy chế Văn bằng, chứng chỉ).

"Khoản 7 Điều 6 Quy định Văn bằng, chứng chỉ quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tiến sĩ”.

Khoản 1 Điều 12 Quy định Văn bằng, chứng chỉ quy định: “Cấp có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ nào thì có quyền thu hồi văn bằng, chứng chỉ đó”.

Điểm a khoản 1 Điều 22 Quy chế Văn bằng, chứng chỉ quy định: “1. Văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi trong các trường hợp sau đây: a) Có hành vi gian lận trong học tập, trong thi cử, tuyển sinh hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ”.

Khoản 3 Điều 22 Quy chế Văn bằng, chứng chỉ quy định: “3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thu hồi văn bằng, chứng chỉ khi trực tiếp phát hiện vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều này”, đại diện Bộ GD&ĐT phân tích.

Về căn cứ pháp lý, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4674 ngày 11/10/2013 thu hồi bằng tiến sĩ của ông Quế là dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể.

"Hành vi sao chép của ông Hoàng Xuân Quế vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 20 Quy chế Đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 08/6/2000 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: “Nhất thiết phải dẫn nguồn tài liệu hoặc kết quả của người khác được sử dụng trong luận án. Phải nêu rõ cả việc sử dụng những đề xuất hoặc kết quả của đồng tác giả. Nếu sử dụng tài liệu của người khác (trích dẫn bảng, biểu, công thức, đồ thị cùng những tài liệu khác) mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận án không được duyệt bảo vệ”.

Hành vi sao chép của ông Hoàng Xuân Quế đã được quy định là hành vi vi phạm tại khoản 7 Điều 41 Quy chế Đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 08/6/2000 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: “7. Sao chép luận văn, luận án và công trình khoa học của người khác”.

Việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là theo quy định tại điển a khoản 3 Điều 12 Quy định Quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2002 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: “Văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi trong các trường hợp sau đây: a. Người được cấp văn bằng, chứng chỉ vi phạm các quy định về tuyển sinh, giáo dục, đào tạo do Bộ GD&ĐT hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành”, đại diện Bộ nêu dẫn chứng.

Sau khi có đầy đủ căn cứ để xác định ông Hoàng Xuân Quế đã có hành vi sao chép luận án tiến sĩ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

"Đây là công việc phải thực hiện theo quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, đúng chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, hoàn toàn vì sự nghiệp giáo dục đào tạo chung của đất nước.

Ngoài ra, đại diện Bộ GD&ĐT cũng cho rằng việc thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế nhằm cảnh báo, ngăn chặn những hành vi gian lận, tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo công bằng, khách quan và minh bạch trong đánh giá chất lượng giáo dục.

"Về thời hạn: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thụ lý giải quyết đơn tố cáo của công dân đối với ông Hoàng Xuân Quế tuân thủ đúng quy định tại Luật Tố cáo; theo đó, không có quy định nào hạn chế về thời hạn thụ lý giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, công dân", đại diện Bộ GD&ĐT nêu.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, từ tháng 6-2013, Bộ GD&ĐT nhận được đơn tố cáo từ một số cơ quan báo chí và Nhà nước về việc ông Hoàng Xuân Quế, tác giả luận án tiến sĩ bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” đã “đạo văn” tới 30% dung lượng luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng (luận án của ông Mai Thanh Quế với đề tài “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”. Nhận được đơn tố cáo, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc để xác minh. Tổ xác minh đã cử cán bộ tới Thư viện Quốc gia Việt Nam sao chụp, copy bản gốc luận án đang lưu trữ và đóng dấu giáp lai của thư viện vào bản copy hai bản luận án nói trên.

Ngày 11-10-2013, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã ký Quyết định 4674 thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế. Quyết định này được căn cứ vào kết luận của bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc xác minh đơn tố cáo đối với bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

Theo đó, ông Hoàng Xuân Quế bị thu hồi bằng tiến sĩ do “sao chép lên đến 52,5/159 trang của luận án (khoảng 30,02%) từ luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế”.

Hai tháng sau, ông Hoàng Xuân Quế bị Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước hủy bỏ công nhận chức danh phó giáo sư.

Không đồng tình với kết luận và quyết định thu hồi bằng tiến sĩ nói trên, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra TAND TP Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm