Bộ Lao động ủng hộ công nhận liệt sĩ cho 2 'hiệp sỹ' ở TP.HCM

“Về quan điểm cá nhân thì tôi ủng hộ đề xuất của TP HCM. Hiện chúng tôi đang giao cho anh em đối chiếu các quy định để xem xét đề xuất với tinh thần là đủ điều kiện thì sẽ sớm công nhận”, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng LĐTBXH cho hay.

Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung

Theo ông Dung, việc xem xét đề xuất của TP HCM phải bám vào các tiêu chuẩn được pháp luật quy định. Khi xét thấy đáp ứng đầy đủ các quy định thì sẽ công nhận."Cần phải tôn vinh, ghi nhận những hành động đóng góp cho xã hội như trường hợp của hai “hiệp sỹ” đường phố Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam", ông nói.

Tuy nhiên, ông Dung cũng cho rằng để mô hình này hoạt động hiệp quả, đảm bảo sự an toàn cho các hiệp sĩ thì cần phải hoàn thiện thêm về cơ sở pháp lý. Đồng thời các hiệp sỹ cũng phải được trang bị đầy đủ kỹ năng để bảo vệ mình.

Ngày 23-5, UBND TP HCM có văn bản đề nghị Bộ Lao động Thương binh và xã hội xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho hai “hiệp sỹ” đường phố Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam.

UBND TP HCM cho rằng việc các “hiệp sĩ” đường phố phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm tội là tự nguyện, tranh thủ thời gian rảnh rỗi bên cạnh công việc chính hàng ngày để góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua.

Trước đó, vào ngày 13-5, nhóm hiệp sĩ gồm 7 người đi xe máy trên đường, phát hiện hai thanh niên có biểu hiện khả nghi nên bám theo. Khi phát hiện đối tượng dùng dụng cụ bẻ khóa chiếc xe Honda SH, nhóm hiệp sĩ ập vào khống chế và bị tấn công. Hai “hiệp sỹ” Nguyễn Văn Thôi (SN 1976, quê Bình Định) và Nguyễn Hoàng Nam (SN 1989, quê Đồng Nai) tử vong khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Cùng nội dung này, ĐBQH Phan Như Khuê (TPHCM) cho hay qua vụ việc 2 hiệp sỹ đường phố bị tử nạn cho thấy, vấn đề tấn công, trấn áp các đối tượng, nhóm tội phạm phải có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa của các lực lượng chứ không đơn thuẩn chỉ ở người dân hay các "hiệp sĩ".

ĐB Khuê cho rằng, cần xem xét, điều chỉnh để có thể xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi cướp giật tài sản, sau đó còn hành hung, gây trọng thương, sát hại người truy đuổi, bắt giữ.

Ông nhấn mạnh: "Một thành phố văn minh, đô thị hiện đại và sống nghĩa tình mà lại để những tội phạm lộng hành như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển, tạo sự bất an, không có sự yên bình. Do đó, khía cạnh pháp luật cần phải xem xét cụ thể nếu không đây sẽ là mối nguy hiểm trực chờ đối với mọi người trên đường phố". Ông Khuê cũng cho rằng những người có hành vi bảo vệ xã hội như các hiệp sĩ đường phố cần phải được tuyên dương, bảo vệ… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm