Bộ Nội vụ: Sẽ trình Quốc hội việc thực hiện cải cách tiền lương vào Kỳ họp 9

(PLO)- Bộ Nội vụ cho hay một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 là trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội...

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của ngành nội vụ, sáng 21-12, năm 2024, cơ quan này đã chủ trì xây dựng tờ trình và báo cáo trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành Kết luận 83 làm cơ sở trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 142/2024.

Bộ Nội vụ cũng tham mưu Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Trung ương thảo luận kỹ lưỡng, tính toán các phương án tối ưu, khả thi nhất để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung cải cách tiền lương theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, hiệu quả.

Cùng đó, thực hiện đầy đủ cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp; thực hiện 4/6 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực công. Trong đó, điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% (từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng - mức tăng cao nhất từ trước đến nay). Bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị, tạo động lực, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ cũng phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội có tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Bộ Nội vụ cho biết sẽ trình Quốc hội việc thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2025. Ảnh: XĐ

Về nhiệm vụ trong năm 2025, Bộ Nội vụ cho hay sẽ tiếp tục triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận 83/2024 của Bộ Chính trị và xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (năm 2025) về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Một nhiệm vụ quan trọng khác, Bộ sẽ tập trung xây dựng trình cấp có thẩm quyền thông qua Luật sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức.

Ngoài ra, đơn vị cũng tập trung xây dựng, thẩm định trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp.

Đồng thời, tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính các cấp.

Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc 51 địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua khẩn trương sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, xử lý đối với tài sản công sau sắp xếp bảo đảm sớm ổn định để tổ chức đại hội đảng các cấp năm 2025.

Rà soát, đề xuất phương án sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã đối với những đơn vị hành chính chưa đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chủ động phương án việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Bộ cũng tiếp tục cải cách mạnh mẽ chế độ công vụ, công chức; hoàn thiện tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao bằng sản phẩm cụ thể, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ dịch vụ công cơ bản, thiết yếu.

“Triển khai chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào làm việc trong khu vực công; nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ và thực hiện có hiệu quả cơ chế bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” – Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Tinh gọn bộ máy - khối lượng công việc lớn chưa từng có

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cho hay năm 2024, toàn ngành đã tiếp tục tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách tiếp tục kiến tạo thể chế khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển.

Bộ Nội vụ là cơ quan có số văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành cao nhất với 163 văn bản. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 23 thông tư và văn bản hợp nhất.

Bộ cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương - TP di sản đầu tiên trực thuộc Trung ương.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, bộ đã tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, với khối lượng công việc lớn chưa từng có. Đến nay đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương.

Bên cạnh đó đã nỗ lực, quyết tâm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm và hiệu quả. Chú trọng đổi mới đánh giá, xếp loại và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới