Bỏ thủ tục xét hỏi tại tòa, ắt có tranh tụng

Sau khi kết thúc phần thủ tục phiên tòa, chủ tọa tuyên bố chuyển sang phần xét hỏi và đề nghị kiểm sát viên công bố (đọc) bản cáo trạng, rồi bắt đầu xét hỏi. Đây là sản phẩm của mô hình tố tụng “thẩm vấn” thuần túy. Quy định này đã biến HĐXX, mà chủ yếu là chủ tọa phiên tòa, thành “người buộc tội”! Nếu qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, thấy bị cáo phạm tội thì HĐXX chỉ xét hỏi để tìm chứng cứ buộc tội; nếu thấy bị cáo phạm tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS truy tố thì chỉ xét hỏi những tình tiết sao cho phù hợp với tội khác đó...

Thực tiễn cho thấy “phần xét hỏi” trở thành phần chủ yếu dành cho chủ tọa phiên tòa và kiểm sát viên. Nhiều vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, bị cáo nhận tội nhưng tòa vẫn phải xét hỏi. Có vụ nhiều bị cáo, phạm nhiều tội, chủ tọa và kiểm sát viên có hẳn một bản “đề cương” xét hỏi. Và tại phiên tòa, họ căn cứ vào “kịch bản” đó để xét hỏi mà không căn cứ vào diễn biến tại phiên xử.

Với tinh thần cải cách tư pháp nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, việc bỏ phần xét hỏi là bỏ bớt gánh nặng cho HĐXX để chủ tọa phiên tòa tập trung điều khiển việc tranh tụng giữa kiểm sát viên với luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

Bỏ phần xét hỏi tại phiên tòa, trình tự thủ tục tại phiên tòa sẽ được rút gọn đáng kể. Theo đó, sau khi đại diện VKS công bố cáo trạng, chủ tọa phiên tòa tuyên bố chuyển sang phần tranh tụng, bị cáo hoặc luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày lời bào chữa. Trong phần tranh tụng, VKS vẫn có thể hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng khác về các tình tiết của vụ án để bảo vệ bản cáo trạng; đối với bị cáo, người bào chữa cho bị cáo, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng có quyền đặt câu hỏi đối với người khác để chứng minh luận điểm của mình. Việc tranh luận, kết hợp với xét hỏi tại phiên tòa giữa bên buộc tội và bên gỡ tội sẽ làm cho phiên tòa thực chất là tranh tụng. Không đủ lý lẽ để bảo vệ luận điểm của mình sẽ được bộc lộ; năng lực của những người tiến hành tố tụng và của người tham gia tố tụng cũng phơi bày.

Bỏ phần xét hỏi chứ không bỏ việc xét hỏi tại phiên tòa sẽ giúp HĐXX có thời gian đánh giá và tìm ra sự thật của vụ án. Trong phần tranh tụng, ngoài việc xét hỏi, bên buộc tội và bên gỡ tội có thể kết hợp đưa ra những chứng cứ mới thu thập, những vật chứng, người làm chứng… Trong quá trình tranh tụng, người hỏi và người đáp được đánh giá, bình luận, nhận xét nội dung câu hỏi cũng như nội dung câu trả lời, người hỏi và người trả lời có quyền nêu những quan điểm của mình, có quyền đồng ý hay phản đối ý kiến của người khác… Việc xét hỏi trong phần tranh tụng chỉ dành cho bên buộc tội và bên gỡ tội, còn chủ tọa phiên tòa chỉ điều khiển việc tranh tụng để việc tranh tụng diễn ra đúng quy định của pháp luật.

Có thể coi đây là khâu đột phá trong mô hình tố tụng “thẩm vấn” gắn liền với tranh tụng. Làm được việc này, cơ quan tiến hành tố tụng khó có thể áp đặt ý chí chủ quan của mình; bị cáo và người tham gia tố tụng thực sự được bình đẳng trước tòa án.

HĐXX không xét hỏi mà chỉ điều khiển việc tranh tụng, phiên tòa tự thân nó sẽ là phiên tòa tranh tụng thật sự.    

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm