Các dự án đột phá của ngành giao thông TP.HCM năm 2022

Năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành giao thông TP.HCM vẫn nỗ lực đột phá với nhiều dự án mới được khởi công và nhiều công trình đã cán đích. Năm 2022 sẽ là một năm đầy thách thức với ngành giao thông TP với hàng loạt nhiệm vụ, kế hoạch được ngành giao thông đặt ra.

Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 để tạo ra các bước đột phá cho ngành giao thông.

Xe cộ lưu thông qua nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều dự án trọng điểm được thông qua

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển, đầu tư hạ tầng giao thông trong năm 2021?

+ Ông Trần Quang Lâm: Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến mọi mặt kinh tế - xã hội, trong đó có ngành giao thông. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP và phối hợp tốt của các đơn vị, ngành giao thông TP đã tập trung khởi công sáu dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đưa vào khai thác chín công trình. Các công trình, dự án này đã góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, bảo đảm GTVT thông suốt.

Năm qua, HĐND TP đã thông qua chủ trương đầu tư các dự án: Xây dựng nút giao thông An Phú; mở rộng quốc lộ 50; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.

TP.HCM tiếp tục phối hợp với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án liên kết vùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT như vành đai 3, vành đai 4; cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài…

. Sở GTVT TP.HCM đã chuẩn bị những gì để sẵn sàng đầu tư, tạo nhiều bước đột phá cho năm 2022?

+ Sở GTVT đã xây dựng và trình UBND TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2030 nhằm xác định kế hoạch ưu tiên đầu tư phù hợp với nguồn lực, khả thi trong từng giai đoạn. Sở xác định các nhiệm vụ và công việc cụ thể mà các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan cần tập trung triển khai theo lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Sở GTVT đề xuất kế hoạch ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực GTVT giai đoạn 2021-2025 phù hợp với nguồn lực đầu tư, với 186 dự án; đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 19,85 tỉ đồng để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho 52 dự án và ba chương trình đầu tư công.

HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết 10 về mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. Từ đó, sở triển khai thực hiện thu phí, tạo nguồn thu cho ngân sách TP.HCM dành cho đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông.

Sở GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở QH-KT, Sở TN&MT thực hiện rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch và khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường vành đai 3, 4 và phát triển các vùng phụ cận để tạo điều kiện kêu gọi đầu tư các dự án, khai thác quỹ đất tạo nguồn lực phát triển hạ tầng.

Đồng thời, sở tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất như đường trên cao số 1, đường trên cao số 5, cảng ICD Củ Chi, cảng container trung chuyển quốc tế Cần Giờ…

Cạnh đó, Sở GTVT sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang thực hiện như cầu Thủ Thiêm 2, xây dựng bốn tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT, dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía bắc và hoàn thiện đường trục bắc - nam…

Tạo bước đột phá cho năm 2022

. Thưa ông, đâu là những dự án mang tính chất đột phá, làm thay đổi diện mạo ngành giao thông trong năm 2022?

+ Ngành giao thông TP phấn đấu khởi công 16 dự án trọng điểm, cấp bách, trong đó có dự án mở rộng quốc lộ 50, xây dựng nút giao thông An Phú, các công trình khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực cảng biển… Đồng thời Sở giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành tuyến metro số 1 và khởi công tuyến metro số 2 trong năm 2022.

Năm 2022, Sở GTVT sẽ chú trọng các dự án kết nối khu - cụm công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển như vành đai 2, cầu đường Nguyễn Khoái, quốc lộ 22, cầu Cần Giờ… Các dự án hạ tầng phục vụ phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông - TP Thủ Đức như cầu Thủ Thiêm 4.

Năm 2022, Sở GTVT cũng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, hệ thống cảng biển như cảng ICD Long Bình, các cảng biển tiềm năng ở phía nam (như cảng Hiệp Phước và Cần Giờ)… đặc biệt phát triển giao thông thủy kết hợp với Đề án phát triển logistics của TP.

Sở GTVT sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP phối hợp với các tỉnh lân cận hoàn tất chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, kết nối vùng như các dự án khép kín đường vành đai 2, 3, 4; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... nhằm tăng cường kết nối giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Huy động mọi nguồn lực

. Vậy Sở GTVT sẽ huy động nguồn vốn ra sao để đầu tư các dự án trên?

+ Sở GTVT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND TP các giải pháp huy động nguồn lực như: Báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của TP. Đồng thời, Sở tiếp tục kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP để tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm, kết nối liên vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Hoặc ngành giao thông tham mưu TP đề xuất Chính phủ thu xếp nguồn vốn phù hợp cho TP vay lại để đầu tư phát triển hạ tầng.

Ngành giao thông cũng đề xuất khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai; nghiên cứu, rà soát hiện trạng sử dụng đất. Sở cũng đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị xung quanh các trục giao thông chính, các tuyến metro, nhà ga metro và vùng phụ cận để tăng hiệu quả sử dụng đất. Từ đó, tạo nguồn thu cho ngân sách từ khai thác hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị dọc các tuyến nói trên…

. Xin cám ơn ông.•

Những khó khăn của ngành giao thông

Ông Trần Quang Lâm cho biết: Dịch COVID-19 đã làm giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thực hiện các hợp đồng xây dựng. Nhà cung cấp gặp khó khăn trong việc giao nguyên vật liệu, công tác giải phóng mặt bằng chậm.

Các dự án đột phá của ngành giao thông TP.HCM năm 2022 ảnh 2
Cầu Thủ Thiêm 2 chậm tiến độ do liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng. Ảnh: ĐT

Nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, liên kết vùng đều đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của TP đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỉ đồng chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu và chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 qua giai đoạn 2021-2025.

Do đó, nguồn vốn không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách trong giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các dự án giao thông trọng điểm đã được UBND TP.HCM phê duyệt.

Hiện nay, TP đã và đang ưu tiên nguồn vốn ngân sách để đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát trển kinh tế. Do đó, nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của TP rất khó khăn.

Sở GTVT đã tập trung nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ công trình, thường xuyên phối hợp với chủ đầu tư và các địa phương để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các địa phương thực hiện còn chậm dẫn đến chậm tiến độ nhiều công trình cấp bách, trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2, nút giao thông Mỹ Thủy, cầu Long Kiểng…

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 đã không còn hình thức hợp đồng BT. Đồng thời quy định tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư dự án; Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới... nên tính khả thi của các dự án PPP không cao. 

 

Chuyên gia góp ý cho giao thông TP năm 2022

TS NGÔ VIẾT NAM SƠNchuyên gia quy hoạch đô thị:

Giải phóng mặt bằng cần đi trước một bước

Các dự án đột phá của ngành giao thông TP.HCM năm 2022 ảnh 3

Nhiều năm nay ngành giao thông TP.HCM đã có nhiều dự án, quy hoạch mang tầm quy mô. Trong đó, ngành giao thông đã tính toán đến kế hoạch triển khai hàng loạt dự án theo từng giai đoạn, nhiệm kỳ và từng năm. TP.HCM cũng đã chú trọng quy hoạch, đầu tư các dự án liên kết vùng, các tuyến cao tốc, vành đai, xuyên tâm và cửa ngõ. Đồng thời, TP cũng chủ động trong việc huy động nguồn vốn để thu hút đầu tư cho giao thông TP. Đó là những nỗ lực của ngành giao thông trong thời gian qua.

Tuy nhiên, hiện nay các dự án giao thông triển khai còn chậm so với quy hoạch. Hầu hết các dự án thường gặp khó bởi khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) hoặc thiếu vốn. Đó cũng là các lý do khiến nhiều dự án chậm tiến độ, gây đội vốn, tác động không nhỏ tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP và các địa phương lân cận. Chính vì vậy, để thực hiện một dự án nào đó, GPMB cần đi trước một bước, chỉ khởi công khi có mặt bằng sạch, tránh khởi công đồng loạt song bị ách.

Song song đó, Nhà nước cần huy động mọi nguồn lực để xã hội hóa các dự án giao thông. Việc ngành giao thông tính toán sử dụng quỹ đất hai bên làm nguồn lực tái đầu tư cho dự án là rất hợp lý. Lúc này vừa có nguồn vốn đầu tư, vừa có nguồn vốn chỉnh trang đô thị.

Ông NGUYỄN KIM TOẢN, chuyên gia giao thông đô thị:

Cần rút ngắn cơ chế, chính sách

Các dự án đột phá của ngành giao thông TP.HCM năm 2022 ảnh 4

Nhà nước cần rút ngắn cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông… Cơ chế, chính sách là yếu tố quan trọng nhất để sớm đưa các dự án về đích. Chúng ta chỉ thi công khi dự án đó đã hoàn tất công tác GPMB và khi đã bắt tay thi công thì không để dự án bị chậm tiến độ. Chủ đầu tư khi đã thi công thì phải rốt ráo và thật tập trung.

Cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý chặt chẽ, đừng để dự án khởi công hàng loạt, cuối cùng dự án nào cũng dang dở. Theo đó, trách nhiệm giám sát và quản lý của cơ quan nhà nước là rất lớn.

TS NGUYỄN HỮU THUẤN, giảng viên cao cấp Trường ĐH GTVT:

Cần cải thiện thủ tục pháp lý

Các dự án đột phá của ngành giao thông TP.HCM năm 2022 ảnh 5

Chúng ta cần cải thiện các thủ tục pháp lý, đấu thầu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia, nhằm đưa các dự án giao thông được triển khai nhanh nhất. Ngoài ra, có thể thấy hiện nay rất nhiều các dự án bị vướng bởi GPMB, từ đó dẫn đến đội vốn, trễ hẹn. Đây cũng là vướng mắc lớn của các dự án ở các tỉnh, thành.

Theo đó, các địa phương phải cải cách thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để các dự án khởi công và về đích đúng hẹn.

Ông TRẦN SONG HẢI, Tổng giám đốc Công ty Greenline DP:

Nên đẩy mạnh phát triển giao thông thủy

Các dự án đột phá của ngành giao thông TP.HCM năm 2022 ảnh 6

Có thể thấy đường thủy hiện đã bắt đầu chia sẻ gánh nặng với đường bộ nên việc đầu tư cho giao thông thủy là vấn đề chúng ta nên làm. Theo đó, để phát triển giao thông thủy thì việc quy hoạch các cầu bến, nơi neo đậu tàu thuyền phải ngày một tốt hơn.

Hiện nay, chúng ta mới chỉ phát triển du lịch đường thủy từ TP.HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu và đi Bình Dương, Củ Chi. Chúng ta đang bỏ ngỏ hướng Đồng Nai, ĐBSCL. Để phát triển theo hướng ĐBSCL thì bắt buộc phải nâng cấp hệ thống đường thủy nội địa, cụ thể là kênh Chợ Gạo. Đây có thể là một phương thức vừa chia sẻ áp lực giao thông đường bộ, vừa khai thác tiềm năng giao thông thủy Việt Nam.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm