Cải cách giáo dục đâu chỉ ở lời nói!

Mà không phải chỉ tại kỳ họp này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, giáo dục lúc nào cũng là một điểm nóng. Chuyện giáo viên phải đi tiếp khách, học trò bị thầy giáo dâm ô, cô giáo mầm non bị tố hành hung con trẻ chưa nguôi thì gian lận thi cử năm 2018 lại nổi lên mà đến nay hậu quả chưa thể giải quyết rốt ráo.

Bao nhiêu kỳ họp Quốc hội được tiến hành thì cũng bấy nhiêu lần ý kiến, kiến nghị của cử tri bày tỏ lo âu trước nền giáo dục đang trong giai đoạn “chuyển mình, cải cách”. Tất nhiên, đây không chỉ là thách thức cho một mình Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mà có thể nói là thách thức cho cảhệ thống chính trị.

Vì mặc dù các nghị quyết của Trung ương về giáo dục rất đúng, rất trúng… nhưng không hiểu sao giáo dục vẫn đầy rẫy những vấn đề và những tiêu cực, vấn nạn trong giáo dục cứ như “trăm dâu đổ đầu tằm” nhắm vào ông Nhạ. Ngoài ông cũng không biết ai là người phải chịu trách nhiệm chính cho những mớ “bùng nhùng” mà giáo dục chưa thể ngày một, ngày hai giải quyết được.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói rằng: “Sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo cần có thời gian, có những đổi mới chưa thể có kết quả ngay được, có những việc do lần đầu triển khai nên vẫn còn lúng túng và sai sót khó tránh khỏi, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và cử tri, Bộ GD&ĐT sẽ kiên quyết chỉ đạo và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong thời gian tới”.

Nghe câu trả lời này, hẳn nhiều đại biểu và cử tri đều không thể biết những ý kiến, kiến nghị của mình sẽ được bộ trưởng và Bộ GD&ĐT tiếp thu đến đâu, sự kiên quyết chỉ đạo và làm tốt hơn nhiệm vụ sẽ đạt đến mức độ nào. Bởi nói gì thì nói, đổi mới giáo dục dù chưa thể có kết quả ngay được nhưng cũng không thể tiếp tục phát sinh tiêu cực trong thi cử, giảng dạy.

Hẳn nhiên ai cũng hiểu rằng giáo dục là bức tranh phản ánh nền tảng xã hội. Mỗi một biểu hiện trong giáo dục cũng chính là hệ quả mà những yếu tố kinh tế- văn hóa - xã hội kết tinh lại. Phải chăng vì vậy mà nhiều đại biểu đã rất công tâm khi phê phán những tiêu cực của giáo dục thì cũng đồng thời đề cập đến trách nhiệm của gia đình và xã hội.

Đổi mới hay cải cách giáo dục chung quy cũng chỉ nhắm một mục đích là đào tạo ra được những con người biết sống có nhân bản và làm việc có hiệu quả mà như đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ: “Nguyên tắc giáo dục rất đơn giản nhưng cần thiết lúc này là một nền giáo dục không nói dối”.

Không nói dối, chuyện không nhỏ xíu nào!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm