Nhiều người tiếc nuối cho giấc mơ vàng dang dở sau 52 năm nhưng nếu nhìn đúng vào bản chất của vấn đề thì chuyện mơ vàng chỉ là chẳng còn gì để mơ sau nhiều lần vào chung kết rồi thua.
So với SEA Games 18 cách đây 16 năm thì cả tinh thần lẫn chuyên môn của lứa cầu thủ bây giờ đều không bằng nhưng sự đầu tư, chăm sóc thì vượt trội. Điều đấy khẳng định tiền không phải là vấn đề cốt lõi để có một đội tuyển hay và chơi ra trò.
Tôi đồng ý với quan điểm của chuyên gia Nguyễn Văn Vinh khi chỉ ra rằng cầu thủ bây giờ đang được nuông chiều và được tạo điều kiện để hư bởi những nhà quản lý bóng đá chỉ biết xoa cho họ đá thay vì phải dạy họ ý thức với nghề nghiệp của mình.
Tôi rất thất vọng với cái cách mà VFF trao 1 tỉ đồng thưởng sau trận thắng Lào mà không hề nhìn vào bản chất của trận đấu đấy và cái cách thắng mà nhiều người cho là bạc nhược, làm mất hình ảnh của bóng đá Việt Nam. Trao đổi với tôi, nhiều nhà chuyên môn cũng đồng với quan điểm trên và còn đưa ra lời đề nghị: “Thay vì cho họ một tỉ đồng để thưởng sau trận cầu bạc nhược thì nên phát đi phát lại đoạn băng làm nhiều người rơi nước mắt khi VĐV Nguyễn Thị Phương đuối sức té xấp trước vạch đích nhưng vẫn cố trườn người để chạm tay vào mức đến”.
Dạy con theo kiểu cho tiền thưởng để xoa thì có khác gì năn nỉ cầu thủ đá đi. Đấy là một thứ dịch đang lan rộng trong bóng đá Việt Nam ở nhiều giải đấu trong nước mà nhiều CLB, nhiều quan chức vẫn làm. Thưởng để cầu thủ đừng xìu và thưởng để đá cho hăng dù hằng tháng đã phải chi rất đậm tiền công để cầu thủ đá bóng cùng tiền lót tay từ ba đến 8-9 tỉ đồng cho một bản hợp đồng.
Tâm lý người hâm mộ khi đến với bóng đá là cái gì chưa được thì khát khao vươn đến nhưng với những người làm bóng đá thì giữa giấc mơ và khát khao với thực hành thì phải là một lộ trình với chiến lược hẳn hoi. Mà cái này thì những cầu thủ U-23 của Việt Nam hoàn toàn không có bởi những con đường chắp vá cùng sự ngộ nhận. Sự ngộ nhận SEA Games 25 mất vàng oan dẫn đến sự ngộ nhận về một U-23 dự SEA Games 26 cũng có đầy đủ những tố chất về một đội bóng hụt vàng và cứ bơm tiền thì cầu thủ sẽ “sung”, sẽ đá hay hơn và có vàng.
Cái thua của bóng đá Việt Nam trên sân Bung Karno và cả những trận thắng mà hồi hộp đầy lo âu ở vòng bảng không chỉ là cái thua của 11 con người với 11 con người trên sân.
Hãy học cách thắng của cô gái Nguyễn Thị Phương dù em không đứng ở bục cao nhất lúc nhận HCV.
NGUYỄN NGUYÊN