“Cần cho tình dục một vị trí xứng đáng với tầm quan trọng của nó”

(PLO)- Cho tình dục một vị trí xứng đáng với tầm quan trọng của nó trong cuộc sống để có cách đối xử với nó bình đẳng như những vấn đề quan trọng khác.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, nhìn nhận nhiều người Việt Nam rất thích bàn tán, nói chuyện về tình dục, nhất là chuyện tiếu lâm về tình dục mỗi khi họ tụ tập với nhau.

Báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trò chuyện với bà về vấn đề vốn được coi là “nhạy cảm” này.

Người Việt Nam thích bàn tán, nói chuyện về tình dục

. Phóng viên: Được biết từ năm 1989, bà đã có bài viết về hành vi tình dục của người Việt. Tại sao bà lại lựa chọn chủ đề vốn được coi là khó nói với người Việt lúc đó, thậm chí ngay cả bây giờ?

+ TS Khuất Thu Hồng (ảnh): Năm 1989, lúc đó tôi mới học xong khóa học về những yếu tố ảnh hưởng đến mức sinh do GS Terence Hull ở ĐH Quốc gia Úc (ANU) giảng dạy.

Sau đó, tôi viết bài với tiêu đề: “Thử đặt lại vấn đề về hành vi tình dục”. Nội dung bài viết là cần phải nhìn nhận lại vai trò của hành vi tình dục trong sinh sản.

Hàm ý của tôi là người Việt Nam thường chỉ muốn “thiêng hóa” mục đích sinh sản của tình dục mà “lảng tránh” nói về mục đích tìm kiếm khoái lạc, trong khi ngay cả khi không định sinh đẻ nhưng các cặp vợ chồng và cả những người không là vợ chồng vẫn “quan hệ” với nhau đều đều.

Nói cách khác, tôi muốn chỉ ra một thực tế rằng người Việt tự mâu thuẫn giữa điều họ nói và điều họ làm về tình dục.

Tình dục là vấn đề phức tạp, kiểu “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng”. Cũng là hành vi tình dục đó nhưng với người này là đúng, với người kia lại là sai. Với một người, lúc này là đúng, lúc khác lại là sai. Điều tôi lo ngại chính là việc nhiều người không muốn thảo luận cho đến nơi đến chốn về cái sự đúng, sai đó.

“Tôi muốn chỉ ra một thực tế rằng người Việt tự mâu thuẫn giữa điều họ nói và điều họ làm về tình dục.”

TS Khuất Thu Hồng

. Thực tế, chủ đề về tình dục, người Việt có vẻ ngại ngại khi đề cập một cách nghiêm túc nhưng lại có thể bàn luận xôm tụ ở những cuộc trò chuyện phi chính thức. Bà có thấy vậy không và theo bà, vì sao lại thế?

+ Sau nhiều năm quan sát và nghiên cứu hiện tượng này, tôi thấy nhiều người Việt rất thích bàn tán, nói chuyện về tình dục, nhất là chuyện tiếu lâm về tình dục mỗi khi họ tụ tập với nhau. Nhưng khi cần phải thảo luận một cách nghiêm túc về giáo dục tình dục hoặc các chính sách liên quan thì họ im lặng và lảng tránh.

Tôi nghĩ căn nguyên chính là thiếu kiến thức. Họ chỉ biết những câu chuyện truyền miệng nhưng không được dạy kiến thức khoa học về tình dục. Nguyên nhân thứ hai là quan niệm coi tình dục là vấn đề riêng tư, đáng xấu hổ, thậm chí là thấp kém, không nên thảo luận công khai, chính thức.

Điều trái khoáy là những người biết nhiều và hay kể chuyện tiếu lâm được cho là người hài hước, thú vị. Nhưng chẳng ai muốn mình được “phong” là chuyên gia về tình dục.

. Việc chúng ta né tránh hoặc giáo dục không đầy đủ về giáo dục giới tính hay tình dục dẫn đến hậu quả gì, biểu hiện trong đời sống như thế nào, thưa bà?

+ Hậu quả thì quá rõ. Cấm đoán, né tránh thảo luận, giáo dục về tình dục cũng chẳng làm cho vị thành niên không quan hệ tình dục, trái lại tuổi bước vào quan hệ tình dục lần đầu ngày càng sớm hơn.

Tình trạng này “giúp” Việt Nam giữ vững vị trí trong những quốc gia có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới trong nhiều năm. Phá thai của vị thành niên ước tính chiếm khoảng 1/2 trong số hơn 1 triệu ca hằng năm.

Tội phạm tình dục gia tăng, bao gồm cả xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ tính riêng số vụ được báo chí đưa tin thì cứ tám tiếng trôi qua lại có một cháu bé bị xâm hại tình dục. Tình trạng quấy rối tình dục với các hình thức đa dạng cũng “nóng” lên hằng ngày.

Cho tình dục một vị trí xứng đáng

. Theo bà, chúng ta cần phải thay đổi cách giáo dục, cách nhìn nhận vấn đề tình dục trong đời sống như thế nào?

+ Cho tình dục một vị trí xứng đáng với tầm quan trọng của nó trong cuộc sống để có cách đối xử với nó bình đẳng như những vấn đề quan trọng khác.

Từ phía nhà trường và gia đình: Cần phải có chương trình giáo dục cho giới trẻ về tình dục một cách toàn diện, từ việc hiểu biết về cơ thể, chăm sóc sức khỏe tình dục của bản thân, cách ứng xử liên quan đến tình dục, biết bảo vệ quyền tình dục của mình, đồng thời tôn trọng quyền tình dục của người khác.

Các cơ quan luật pháp phải xây dựng pháp luật về tình dục một cách đầy đủ và chặt chẽ, tham khảo luật pháp quốc tế, tuyên truyền, giáo dục cho người dân đến nơi đến chốn.

Xã hội thì nên có thái độ cởi mở nhưng nghiêm túc về tình dục, tạo điều kiện cho những thảo luận có trách nhiệm về các vấn đề tình dục khác nhau… Tóm lại, nếu chúng ta coi tình dục là quan trọng và có thái độ nghiêm túc với nó, chúng ta sẽ có rất nhiều việc phải làm.

. Xin cám ơn bà.•

Thu hẹp khoảng cách trong nhận thức

Ở các nước, giáo dục giới tính, tình dục, kỹ năng sống được đưa vào từ trường mẫu giáo. Luật pháp liên quan đến tình dục rất chi tiết, cụ thể và nghiêm khắc. Ở Việt Nam, câu chuyện giáo dục về giới tính tình dục cho người trẻ bị lảng tránh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục/sinh sản cho thanh thiếu niên không tồn tại. Luật pháp liên quan đến tình dục thì chung chung, mơ hồ…

Tôi rất tiếc về sự cố công dân Việt Nam bị cáo buộc xâm hại tình dục ở nước ngoài. Dựa trên những gì mà tôi nghiên cứu trong những năm qua thì tôi cho rằng chúng ta phải thay đổi nếu chúng ta muốn hòa nhập với thế giới. Mà thực tế, toàn cầu hóa đã là xu hướng không thể cưỡng lại.

Giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển - đích đến của phần lớn người Việt Nam vẫn đang tồn tại một khoảng cách trong nhận thức, kiến thức và thái độ, sự khác biệt trong luật pháp liên quan đến tình dục.

Nếu chúng ta không nỗ lực thu hẹp những khoảng cách và sự khác biệt đó, sự va vấp là điều không thể tránh khỏi. Nhẹ là những cú sốc văn hóa, sự xấu hổ, mất uy tín, nặng thì rơi vào vòng lao lý. Rất đáng tiếc.

TS KHUẤT THU HỒNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới