Ông HUỲNH KHẮC ĐIỆP, Bí thư Quận ủy Bình Tân, TP.HCM:
Cần trao quyền tổ chức, phân bổ biên chế dựa vào đặc thù địa phương
|
Trước đây, mỗi phường, xã của TP.HCM có khoảng 53 cán bộ, nhân viên nhưng khi thực hiện Nghị định 34 về tinh giản biên chế, con số này chỉ còn 37. Sau đó, khi TP thực hiện mô hình chính quyền đô thị, số cán bộ, công chức tiếp tục giảm còn 35 người vì quy định bỏ chức danh phó chủ tịch HĐND và chủ tịch Hội Nông dân.
Cần tăng biên chế theo nguyên tắc phường, xã trên 50.000 người được xem là đông dân và cứ thêm 10.000 người dân sẽ được bổ sung một biên chế.
Trong trường không tăng được theo phương án trên, TP cần xin trung ương phân bổ tổng số biên chế để tổ chức, phân bổ dựa vào đặc thù địa phương chứ không nên bó buộc bởi số định biên như quy định hiện nay.
(Phát biểu tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ sáu HĐND TP.HCM khóa X)
TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM:
Để cho TP.HCM chủ động sắp xếp biên chế
|
TP.HCM chưa được tự chủ trong việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nhất là chủ động trong việc thành lập các đơn vị trực thuộc, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Mối quan hệ giữa Nghị quyết 54 và các đạo luật chuyên ngành chưa thành một “nguyên tắc tuân thủ” thống nhất khi có sự khác nhau giữa nghị quyết và luật, nhiều trường hợp nghị quyết không được ưu tiên áp dụng.
Cần cho phép HĐND TP.HCM được quyền quyết định bộ máy chính quyền, nhất là thành lập, giải thể các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Ví dụ, TP cần thành lập một ban chuyên trách về cơ chế đặc thù để đảm bảo thấu hiểu các quy định thống nhất có tính tổng quan, liên ngành. Ban này hoạt động chuyên trách, giúp UBND thực hiện những cơ chế đặc thù mà TP được trao mà không phải xin các cơ quan trung ương. Cần cho phép HĐND TP quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp.
Quy định cho phép HĐND TP xác định cơ cấu, bổ sung cán bộ, công chức tăng thêm đối với các phường, xã, thị trấn đông dân ngoài số lượng quy định của Chính phủ không quá ba công chức cho một đơn vị hành chính cấp xã là chưa phù hợp với thực tiễn. Cần căn cứ vào số dân cư, khối lượng công việc mà UBND cấp xã đang xử lý. Bởi lẽ tinh thần của dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 là sẽ phân cấp, ủy quyền cho cấp xã nhiều hơn, lượng công việc sẽ nhiều hơn. Việc tăng thêm ba biên chế không giải quyết được tận gốc của vấn đề, hãy để cho TP chủ động trong việc sắp xếp biên chế.
PGS-TS NGUYỄN TẤN PHÁT, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM:
TP.HCM và trung ương cùng tháo gỡ
|
Đối với TP.HCM, biên chế công chức, viên chức cần tương xứng với khối lượng, tính chất công việc chứ không nên cào bằng theo đơn vị hành chính. Vì vậy, cần tính khối lượng công việc sao cho hợp lý, có cơ sở rõ ràng, tránh để bị hiểu do là TP lớn nên được ưu tiên. Chưa nói đến số dân có hộ khẩu, việc quản lý người vãng lai, người lao động tự do đến TP cũng là trách nhiệm nặng nề của đội ngũ công chức, viên chức. Đó không chỉ là khối lượng công việc mà còn là tính chất phức tạp của công việc.
Nhiều người nói đến việc ứng dụng công nghệ số để thay thế con người nhưng điều này không thể ngày một ngày hai mà có. Cần xây dựng lộ trình điều chỉnh biên chế theo từng bước, không xuất phát từ ý muốn thuần túy mà phải căn cứ vào tình hình thực tế, gồm cả việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật.
Có những vướng mắc cả TP và trung ương cần cùng nhau tháo gỡ. Chẳng hạn như thu hút và giữ chân nhân tài mà trả lương 14 triệu đồng/tháng thì rõ ràng không hợp lý và hiệu quả vì thậm chí có những người Việt giỏi ở nước ngoài nhận lương hàng chục ngàn USD/tháng. Khó khăn mang tính chất cốt lõi vẫn là tài chính, ngân sách. Để giải quyết vấn đề này, TP cần quyền tự quyết biên chế, đãi ngộ.
Cơ chế đặc thù của TP cần được mở rộng hơn nữa. Cơ chế cho TP hiện tại về cơ bản vẫn là tuân thủ những luật hiện hành được thực hiện trên toàn quốc. Cơ chế đặc thù cần có những điểm mấu chốt, khác so với quy định đang có để tạo điều kiện phát triển.
GS-TS TRẦN NGỌC ANH, Trường ĐH Indiana Bloomington:
Cần cơ chế tự chủ để đảm bảo thu nhập
|
Để TP.HCM đứng vững trên chuỗi giá trị toàn cầu, cần tập trung vào yếu tố quyết định là con người, trong đó quan trọng nhất là cán bộ. TP.HCM đang phải giải quyết vấn đề cán bộ. Khi động lực ở khu vực công tê liệt thì không thể nói hệ thống kinh tế tư nhân có thể hoạt động, bởi hành chính công ngưng trệ.
Thu nhập cán bộ, công chức phải được đảm bảo. Việc tăng 80% so với mức lương trung bình vẫn còn quá thấp để thu hút người tài. Mặt khác, chỉ tăng lương là chưa đủ, phải có hệ thống đánh giá cán bộ để tiền lương tăng chảy vào đúng khu vực có năng lực nhất.
Cần xây dựng hệ thống chỉ số kết quả của từng sở, quận, phòng, xuống đến từng chuyên viên. Từ cách quản trị này sẽ có kết quả đánh giá cán bộ thực chất hơn và tạo động lực làm việc hiệu quả.