Cần giảm lãi suất cho vay thêm nữa

Mới đây trong Báo cáo tình hình kinh tế quý I-2013, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (ủy ban) cho biết cần tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN).

Cơ hội khi lạm phát đang giảm

. Căn cứ vào đâu mà sau khi Ngân hàng Nhà nước vừa giảm trần lãi suất huy động xuống 7,5%/năm, lãi suất cho nhóm đối tượng ưu tiên vay còn 11%, ủy ban cho rằng nên tiếp tục giảm nữa?

+ TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: Thứ nhất, lạm phát tháng 3-2013 thấp kỷ lục với mức giảm 0,19% so với tháng 2, mức giảm mạnh nhất theo tháng kể từ năm 2009. Theo đó, lạm phát cả quý tăng 2,39% so với đầu năm và tăng 6,91% so với cùng kỳ năm 2012, mức thấp nhất trong bốn năm qua. Lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp, tạo tiền đề tích cực thực hiện mục tiêu giữ lạm phát cả năm 6%-7%.

Thứ hai, Nghị quyết 02 nêu rõ phải hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong điều kiện khó khăn chung, chính sách lãi suất phải hướng tới hai mục tiêu cùng lúc: kiểm soát lạm phát và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất.

Thứ ba, cũng trong điều kiện khó khăn chung, phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người gửi tiền, người đi vay và ngân hàng. Số liệu thực tế cho thấy mức huy động trong dân tăng khá, tính đến ngày 21-3-2013 đã tăng 3,86% so với thời điểm 31-12-2012. Niềm tin vào tiền đồng đang tốt. Cùng với xu hướng lạm phát thì lãi suất huy động nên được hạ xuống khoảng 6%-7% và lãi suất cho vay nên còn 9%-10%.

Cần giảm lãi suất cho vay thêm nữa ảnh 1

Lãi suất cho vay mua nhà phải mang tính dài hạn và cố định. Ảnh: HTD

. Nhưng trước đó, nhiều DN cho biết hạ lãi suất không giúp được gì vì họ cũng có vay được vốn đâu?

+ Nói DN không tiếp cận được vốn thì việc hạ lãi suất không có ý nghĩa là không đúng. Giải pháp nào cũng có ý nghĩa cả, vấn đề là phải tổng hợp nhiều yếu tố cùng một lúc mới thúc đẩy DN được. Chẳng hạn, đối với DN, hạ lãi suất nghĩa là giá đầu vào giảm, giá thành cũng giảm… Nghĩa là song song với việc hạ lãi suất, phía ngân hàng cũng phải tạo điều kiện vay hợp lý để DN tiếp cận được vốn. Đồng thời, DN vẫn phải tiêu thụ được hàng hóa thì ngân hàng mới cho vay được.

Phải cho vay thời hạn dài

. Hàng tồn kho tăng do sức cầu thị trường yếu, tín dụng cũng không tăng. Vậy theo ông mục tiêu tăng trưởng 12% tín dụng cả năm có đạt được?

+ Hiện nay, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Tính đến ngày 21-3, tín dụng chỉ tăng 0,03% trong khi huy động vốn tăng 3,86% so với thời điểm 31-12-2012. Trái phiếu chính phủ vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với ngân hàng thương mại do lãi suất hấp dẫn và ít rủi ro. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nếu nợ xấu chưa được khắc phục thì đây là trở ngại lớn cho việc tiếp cận vốn ngân hàng của các DN. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm vẫn đối mặt với thách thức lớn.

. Nhưng trong báo cáo kinh tế của ủy ban có nói dấu hiệu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I-2013 cao hơn quý I-2012, thưa ông?

+ Đúng vậy, GDP quý I-2013 cao hơn quý I-2012 do có sự đóng góp của các ngành liên quan đến bất động sản. Những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực bất động sản theo tinh thần Nghị quyết 02 bắt đầu có tác dụng. Tăng trưởng của ngành kinh doanh bất động sản đạt 1,72% so với mức -1% của quý I-2012. Tăng trưởng của ngành xây dựng đạt 4,79% so với mức -3,18% cùng kỳ năm trước. Với đà này và xu hướng bốn năm gần đây cho thấy, quý sau thường tăng trưởng cao hơn quý trước, do đó tăng trưởng cả năm 2013 khả năng sẽ cao hơn năm 2012.

. Vậy quan điểm của ông về việc hỗ trợ cho vay mua nhà ở theo Nghị quyết 02 với lãi suất 6% như thế nào?

+ Lãi suất đó phải mang tính dài hạn chứ không thể là sáu tháng hay một năm được. Ngân hàng phải cho vay thời hạn dài và lãi suất đảm bảo kỳ hạn dài. Mà theo tôi thời gian cố định suốt đời dự án là tốt nhất. Hoặc ít nhất phải 5-7 năm. Lãi suất cho vay mua nhà ở hầu hết các nước trên thế giới đều là dài hạn và cố định.

. Xin cảm ơn ông.

Có thể vay ưu đãi mua nhà từ 10 năm

Nếu lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà (6%/năm) chỉ kéo dài ba năm như dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì có thể nói là khá khiêm tốn, thậm chí xét ở một số mặt còn chưa hỗ trợ cho người thu nhập thấp được nhiều.

So sánh với chương trình cho vay mua nhà của Quỹ phát triển nhà TP.HCM, có thể thấy dự thảo trên chưa sát với thu nhập của đối tượng thu nhập thấp. Theo thông tin từ Quỹ phát triển nhà TP.HCM, đến nay đã có 1.300 trường hợp được vay lãi suất ưu đãi 6,5%/năm, mức vay là 400 triệu đồng/trường hợp. Đáng lưu ý là các trường hợp đủ điều kiện vay từ quỹ này có thể vay mua bất kỳ căn nhà thương mại nào, không bắt buộc phải mua nhà ở xã hội.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phân tích nếu cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội thì thời gian vay nên kéo dài 10-20 năm và lãi suất ưu đãi có thể giảm hơn nữa. “Theo tôi, NHNN có thể giảm thêm lãi suất xuống còn 4,5%/năm. Vì với lãi suất cho vay ưu đãi 6% thì NHNN đã cho năm ngân hàng thương mại tham gia chương trình 30.000 tỉ đồng được hưởng chênh lệch chi phí 1,5%/năm. Tại sao không lấy chi phí này để giảm lãi thêm cho người thu nhập thấp vay mua nhà?” - ông nêu ý kiến.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết vấn đề kéo dài thời gian cho vay lãi suất 6%/năm đang được Bộ Xây dựng và NHNN bàn rốt ráo. “Thông tin về cuộc họp, tôi có thể nói rằng thời gian người dân vay lãi suất ưu đãi để mua nhà ở xã hội ngắn nhất là 10 năm và có thể còn kéo dài hơn nữa” - ông khẳng định.

BÙI NHƠN

YÊN TRANG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm