Cần tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM lên 23%

NhưPháp Luật TP.HCM đã thông tin, Bộ Tài chính đã có đề xuất trình Chính phủ báo cáo Quốc hội (QH) xem xét nâng tỉ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP.HCM trong năm sau tăng lên 21% thay vì 18% như giai đoạn 2016-2021, tương ứng gần 6.000 tỉ đồng.

Về việc này, bên hành lang kỳ họp thứ hai, QH khóa XV, sáng 29-10, đại biểu (ĐB) QH Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, nhìn nhận nếu QH thông qua đề xuất về tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP thì đây sẽ là tín hiệu đáng mừng. Qua đó nhằm giúp khai thác tiềm năng, hiệu quả sử dụng ngân sách và đầu tư công ở những địa bàn trọng điểm, có nhiều thế mạnh và sức lan tỏa lớn như TP.HCM.

Tỉ lệ điều tiết ngân sách tăng lên chính là vốn mồi để TP dùng vốn đó phát triển, đầu tư xã hội, từ đó nâng cao, nâng cấp hạ tầng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM là phù hợp

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, việc TP.HCM đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách là xuất phát từ các nghị quyết của trung ương, theo đó, Bộ Chính trị đã giao cho TP vai trò đầu tàu kinh tế và động lực tăng trưởng. Với vai trò, trách nhiệm vì cả nước như thế thì TP phải nhận được những điều kiện cần thiết trong khi điều kiện cho đến nay là thấp và chưa đủ.

Chưa kể, Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng đều chỉ rõ là phân bổ nguồn lực quốc gia, trong đó có chuyện phân bổ ngân sách, là phải hợp lý, bảo đảm hiệu quả và giúp cho các địa phương phát huy thế mạnh của mình. Chẳng hạn nghị quyết trung ương luôn nói tăng liên kết vùng, phát huy đầu tàu, động lực ở các vùng kinh tế trọng điểm, xây dựng TP.HCM là đô thị tầm cỡ khu vực, trung tâm tài chính của khu vực, tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội và nguồn thu lớn hơn cho ngân sách.

“Việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP là phù hợp với các nghị quyết của Đảng” - ông Nghĩa nói và cho rằng nghị quyết của trung ương thì giao nhiệm vụ, trách nhiệm, trong khi việc phân bổ nguồn lực, trong đó có ngân sách, lại không tương xứng nên TP không có đủ điều kiện cần thiết để làm tròn vai trò, trọng trách được giao.

“Bất hợp lý này, từng người dân TP đều cảm nhận được. Lãnh đạo TP.HCM kiên trì kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết cho TP vì sự bất hợp lý đó chứ không phải là vì TP gặp nhiều khó khăn, phải được chiếu cố hay ưu đãi” - ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

Ông cho rằng việc tăng tỉ lệ ngân sách cho TP chính là tập trung đầu tư nguồn lực một cách phù hợp, thích đáng để TP hoàn thành vai trò, sứ mệnh là đầu tàu kinh tế và động lực tăng trưởng. “TP.HCM kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách không chỉ vì trách nhiệm đối với người dân TP mà còn làm tròn vai trò, trọng trách mà trung ương giao cho” - ĐB Nghĩa nói thêm.

Trên cơ sở đó, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa khẳng định nếu được tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách thì TP sẽ làm được vai trò là đầu tàu, động lực tăng trưởng, tạo được sự tác động lan tỏa, lôi kéo mạnh mẽ trong cả nước và khu vực. ĐB Nghĩa cho rằng tăng tỉ lệ ngân sách để lại thì thu ngân sách trung ương tăng lên chứ không giảm.

“Phân bổ ngân sách tăng lên chính là vốn mồi để TP dùng vốn đó phát triển, đầu tư xã hội, từ đó nâng cao, nâng cấp hạ tầng đang bị tụt hậu, đồng thời góp phần tăng đóng góp ngân sách về trung ương” - ĐB Nghĩa nêu quan điểm.

Tăng tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM thì tổng thu ngân sách chuyển trung ương sẽ tăng

Năng suất lao động của TP.HCM cao gấp 2,7-2,9 lần bình quân cả nước. Hệ số đòn bẩy chi ngân sách của TP.HCM cũng rất cao, một đồng chi ngân sách của TP.HCM có thể tạo ra chín lần, thậm chí 10-14 lần đầu tư xã hội. Do đó, khi tỉ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 23%, tổng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương sẽ tăng thêm 39.599 tỉ đồng, tương đương tăng thêm 1,7 tỉ USD.

ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA 

Tỉ lệ chưa tương xứng với nhu cầu của TP.HCM

Chia sẻ sâu hơn về con số 21% tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM mà Bộ Tài chính đề xuất, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc này có phần chậm trễ với những lý do khác nhau. Bởi TP đã có những dấu hiệu về năng lực tăng trưởng bắt đầu chậm lại, hạ tầng bất cập và tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu phát triển, vai trò đầu tàu, động lực của TP mà trung ương giao phó.

Bên cạnh đó, tỉ lệ này chưa tương xứng với nhu cầu thực tế của TP.HCM. “Nếu như xem xét vai trò, nhiệm vụ mà các nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị giao cho thì sự điều tiết này còn thấp, ít nhất cũng phải như mức TP đề nghị là 23% trở lên” - ĐB Nghĩa nói và bày tỏ hy vọng rằng QH sẽ xem xét lại. Có thể có một nghị quyết đặc biệt cho phép điều tiết ngân sách để lại cho TP tăng lên 23% kể từ năm 2022. ĐB Nghĩa lưu ý là kiến nghị tăng mức điều tiết 23% cho TP.HCM đã nhận được sự lắng nghe, ủng hộ từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính. 

ĐB Nghĩa cho biết TP đã đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết từ nhiều năm qua, nhất là cuối nhiệm kỳ của QH khóa XIV. Việc này chủ yếu để phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội, tiến hành các dự án tạo ra sức đột phá lớn cho TP cũng như nền kinh tế cả nước. Lúc này chưa có dịch bệnh nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra thì cho thấy nhu cầu này cấp thiết hơn.

Chính vì vậy, để giúp TP vượt qua dịch bệnh, thực hiện được các kế hoạch kinh tế - xã hội, ngoài việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách thì trung ương cần có một số chính sách khác nữa cho TP.HCM. Chẳng hạn như tăng cường năng lực y tế của TP với việc phân bổ vaccine, thuốc điều trị, kinh phí phòng chống dịch…

Mức điều chỉnh là sự quan tâm, ủng hộ của trung ương

Hơn lúc nào hết, TP.HCM cần nguồn vốn để phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội sau những ảnh hưởng rất nặng nề của dịch COVID-19. Nếu được để lại với tỉ lệ cao hơn thì TP sẽ có thêm nhiều nguồn lực để tập trung cho đầu tư phát triển, tổ chức các giải pháp khôi phục kinh tế theo kế hoạch và các chương trình mà TP đang triển khai.

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung hiện nay thì mức điều chỉnh này cũng thể hiện sự quan tâm và ủng hộ của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ QH đối với TP.HCM. Mặc dù chưa được như mong muốn nhưng nguồn này sẽ giúp cho TP có thêm nguồn lực để thực hiện một số công trình, dự án quan trọng.

ĐB VĂN THỊ BẠCH TUYẾT, Phó Trưởng đoàn chuyên trách
Đoàn ĐBQH TP.HCM
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm