Cẩn thận với “cặp bài trùng” nơi công sở

 Sáng nào cũng vậy, Hoàng luôn cần mẫn ghé nhà chở Trang đến công ty. Làm chung một bộ phận nên họ thường chia sẻ ý tưởng công việc, cùng ăn trưa hoặc uống cà phê với nhau. Tuy đã làm việc chung suốt sáu năm, nhưng cả hai đều không có tình ý với nhau. Bằng chứng là Trang đã có người yêu, còn Hoàng vẫn là chàng độc thân vui tính. Bạn thấy đấy, giữa họ không có mối liên hệ lãng mạn nào. Thế mới là tình đồng nghiệp thuần túy.
Cẩn thận với “cặp bài trùng” nơi công sở ảnh 1
“Cặp bài trùng” nơi công sở (ảnh minh họa)

 Lợi ích của tình bạn nơi công sở

 Thời nay, những mối quan hệ như của Hoàng và Trang không còn xa lạ. Theo khảo sát của Women’s Health, 43/80 người tham gia cho biết họ đã hoặc đang có “mối tình” nơi công sở.

 Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa Tâm lý giáo dục, đại học Sư phạm TP. HCM, phân tích: “Đó vừa là đồng minh vừa là cố vấn số một của bạn ở công ty, người mà bạn có thể cười đùa sảng khoái hoặc giải tỏa căng thẳng bằng những câu chuyện phiếm. Họ cũng là người có thể đưa ra nhiều ý kiến trung thực với bạn”.

  Điều đáng mừng là dù các cặp đôi nơi công sở có một thời gian dài sát cánh bên nhau, nhưng nghiên cứu cho thấy, hầu hết cả hai đều không bị vướng bận chút ý tưởng đen tối nào. Theo khảo sát của Captivate Network, Mỹ, chỉ có 8% các cặp bài trùng nơi công sở thừa nhận rằng mình đã đi quá giới hạn.

  Không chỉ thế, kiểu cặp đôi này có thể là một khối tài sản vô giá trong mối quan hệ của bạn. Một đồng minh không cạnh tranh ở công ty sẽ tạo động lực để bạn luôn trong tâm trạng “mỗi ngày đi làm là một ngày vui”, đồng thời nâng cao năng suất làm việc cho bạn. Một chỗ dựa đáng tin cậy như thế luôn đưa ra những giải pháp sáng sủa mỗi khi bạn đối phó với những rắc rối cần phải giải quyết.

  “Khi gặp những chuyện căng thẳng trong lúc chụp ảnh, một nữ stylist dịu dàng và điềm đạm sẽ giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn. Nhờ đó, tôi lấy lại được cân bằng và tiếp tục hoàn thành công việc”, nhiếp ảnh gia Vinh VLK, TP. HCM, chia sẻ. “Ngược lại, khi cô ấy gặp khó khăn, tôi có thể giúp đồng nghiệp giải quyết vấn đề hoặc khuyên cô ấy nên tư vấn thêm từ những đồng nghiệp khác. Nhờ vậy, cô ấy sẽ không bị lúng túng khi xử lý công việc cũng như các vấn đề trong cuộc sống”.

 Tương lai nào cho các cặp đồng minh?

 “Lý do khiến các cặp đồng minh thuần túy này gắn bó mật thiết với nhau như hình với bóng là những lời tâm sự thân tình. Bằng cách nào đó, hầu hết các cặp đôi này dần xóa mờ ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư”, thạc sĩ Khắc Hiếu nhận xét. Theo nghiên cứu của Captivate Network, 1/4 các cặp đôi vẫn giữ liên lạc suốt các tối hàng tuần và cả cuối tuần, trong đó 63% bàn luận về vấn đề sức khỏe và 35% “tám” về đời sống tình dục của nhau.

 Hoàng chia sẻ: “Tôi nhận thấy mình có thể tâm sự với Trang những chuyện trước đó chưa hề nói với ai, kể cả người bạn chí cốt. Chúng tôi chia sẻ về những băn khoăn của mình về phái đẹp nói chung, còn Trang nhận lời khuyên từ tôi để có thể hiểu bạn trai hơn”.

 Sự riêng tư đó không phải là vấn đề chừng nào các bạn xác định rõ lợi ích của mối quan hệ này. Nếu tiếp tục nói về những chủ đề như vậy mà bạn vẫn giữ lập trường kiên định về mối quan hệ đồng nghiệp thuần túy, chẳng có gì phải băn khoăn.

 Tuy nhiên, một số khác không tự tin lắm về mối quan hệ mật thiết trong công sở vì nghĩ rằng mình dễ phạm sai lầm. 13% số người thừa nhận với Women’s Health rằng họ cảm thấy hối hận vì đã quá thân mật với “bạn tình” nơi công sở. Khi tâm sự về những vấn đề sâu xa, chẳng hạn như nỗi sợ thầm kín có thể khiến họ đi “trật đường ray”.

 Chỉ cần một chút thân mật lóe lên trong giai đoạn mà bạn cảm thấy sự gần gũi về thể xác và tâm hồn gần như đồng điệu, bạn sẽ gặp rắc rối ngay.

 Tiến sĩ tâm lý Trần Thị Thu Mai, phó trưởng khoa Tâm lý giáo dục, đại học Sư phạm TP. HCM, giải thích: “Thực tế, nhiều người không biết rằng việc kiềm chế cám dỗ trong suốt khoảng thời gian chạm mặt nhau thường ngày là rất khó. Hơn nữa, bạn lại không bị ràng buộc về hôn nhân hay tài chính và điều này vô tình tạo cảm giác thoải mái khi ở bên nhau. Mọi người thường có xu hướng tự đánh lừa bản thân bằng cách cho rằng mối quan hệ trong công việc tốt hơn quan hệ ở nhà. Họ bắt đầu vượt qua ranh giới và trốn dưới cái vỏ “đồng nghiệp” để che mắt thiên hạ”.

 Tình đồng nghiệp

 Xuân, 25 tuổi, ở TP. HCM, thừa nhận: “Tâm, đồng minh của tôi ở công sở rất đẹp trai, nhưng tôi chẳng hề có cảm xúc kiểu đôi lứa với anh ấy”. Mối quan hệ của họ được đánh giá là an toàn. Tuy nhiên, nếu thấy mình gắn bó với anh bạn đồng nghiệp nhiều hơn người yêu, bạn phải can đảm tự phạt mình tấm thẻ đỏ để rút ra khỏi mối quan hệ đó. Dấu hiệu rất dễ nhận biết: Bạn thấy mình bắt đầu che giấu các đồng nghiệp khác về những buổi gặp gỡ với anh chàng đồng nghiệp hoặc thấy tim mình lỗi nhịp mỗi khi nhận được tin nhắn của anh ấy ngoài giờ làm việc.

 Mặc dù, chuyện bạn nên giới thiệu anh bạn đồng nghiệp với người yêu khi có dịp là cần thiết, nhưng như vậy không có nghĩa bạn phải ép họ kết thân với nhau. Đơn giản vì tính cách của hai anh chàng này có thể rất khác nhau khiến họ không thể hòa hợp. Đây cũng là lý do khiến bạn thấy đồng nghiệp của mình mới lạ và hấp dẫn.

 Bạn cũng nên cư xử khéo léo và quan tâm đến cảm giác của một nửa hơn. Nếu người đàn ông của bạn tỏ thái độ không hài lòng về mối quan hệ đồng nghiệp quá thân thiết này và bắt đầu ghen tuông, bạn nên chiều lòng chàng bằng cách giữ khoảng cách với đồng nghiệp.

 Nghiên cứu của Women’s Health cho thấy, 20% số người tham gia khảo sát tỏ ra ghen tuông khi thấy bản sao của mình ở chỗ làm việc của bạn gái.

 “Ngoài ra, bạn nên thẳng thắn bày tỏ trung thực với đồng nghiệp rằng: Bạn trai của bạn thấy tình yêu của mình bị đe dọa rồi nói cụ thể hơn về những lý do đó để anh chàng không cảm thấy mình đang bị ruồng bỏ. Cho anh ta hiểu bạn cần có trách nhiệm với tình yêu của mình rồi từ từ hạn chế gặp gỡ khi không cần thiết. Tốt nhất, bạn chỉ qua lại khi hai người cần làm việc với nhau để duy trì mối quan hệ đồng nghiệp thuần túy”, Tiến sĩ Thu Mai tư vấn.

Theo VnMedia/Women’s Health

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm