Cạnh tranh gay gắt xét tuyển bổ sung

Hết tuần này, các trường ĐH tốp giữa dành cho thí sinh (TS) có điểm thi cao sẽ kết thúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung (một số trường có thể kéo dài đến ngày 10-9). Cũng trong tuần này, nếu TS có điểm thi cao nhưng phát hiện ngành mình đăng ký xét tuyển có nhiều TS điểm cao hơn thì phải rút hồ sơ để chuyển sang ngành khác hoặc trường khác.

Điểm trúng tuyển sẽ tăng 4-6

Thống kê đến ngày 1-9, Trường ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM nhận hơn 2.200 hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, trong khi chỉ tiêu 200. Tỉ lệ “chọi” cao nhất là 1 “chọi” 42 cho ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (chuyên ngành quản trị nhà hàng) khi có 844 hồ sơ cho 20 chỉ tiêu. Như vậy, với điểm sàn nhận hồ sơ là 16,5 ngành này đã có 32 TS đạt từ 21 đến 22 điểm. Các ngành khác đều có hồ sơ tăng gấp 10 lần so với chỉ tiêu, do đó với điểm xét tuyển từ 16,5 đến 18,5 thì những TS có điểm từ 20 đến 22 mới có khả năng trúng tuyển.

Cạnh tranh gay gắt xét tuyển bổ sung ảnh 1

TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ảnh: QUỐC DŨNG

Hiện ngành lịch sử của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM hồ sơ khối D1 còn ít nhưng khối C để trúng tuyển phải cao hơn mức 20 điểm đến 25,5 điểm. Hầu hết các ngành của trường đều tăng 2-5 điểm, riêng ngành thông tin học hồ sơ ít nên điểm chỉ tăng 0,5-1 điểm.

Trường ĐH Sài Gòn xét tuyển 335 chỉ tiêu ĐH và có hơn 4.000 hồ sơ nộp vào. Trừ ngành tài chính-ngân hàng điểm trúng tuyển sẽ tăng 2-2,5 điểm so với mức điểm nhận hồ sơ là 17,5 thì các ngành công nghệ kỹ thuật môi trường, quản trị văn phòng, sư phạm sinh học, sư phạm địa lý, sư phạm lịch sử, toán ứng dụng TS phải cạnh tranh gay gắt hơn do phải có điểm thi cao hơn điểm nhận hồ sơ từ 4 đến 6 điểm.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ kết thúc nhận hồ sơ vào ngày 4-9. Với 520 chỉ tiêu, đến nay trường đã nhận hơn 2.280 hồ sơ. Hiện chỉ có ngành giáo dục quốc phòng-an ninh có ít hồ sơ nhất, với mức 15 điểm, 90 chỉ tiêu thì mới có 73 hồ sơ. Chỉ xét tuyển mỗi ngành 20-30 chỉ tiêu nhưng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã nhận hơn 11.000 hồ sơ vào 400 chỉ tiêu hệ ĐH. Dự kiến điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung các ngành đều tăng ít nhất từ 4 đến 6 điểm lên mức 18-22,5 điểm.

ĐH địa phương: Trường ăn không hết, trường lần chẳng ra

Trường ĐH Cần Thơ xét tuyển 900 chỉ tiêu thì có hơn 6.700 hồ sơ đăng ký. Những ngành khó tuyển hằng năm và điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn như sư phạm tiếng Pháp, ngôn ngữ Pháp, lâm sinh thì TS nộp hồ sơ phải cao hơn 3,5-4,5 điểm mới có khả năng trúng tuyển. Đây cũng là mức chung đối với các ngành khác.

Trong khi đó, Trường ĐH Tiền Giang xét 658 chỉ tiêu ĐH nhưng mới có hơn 800 hồ sơ đăng ký. Hầu hết điểm thi của TS chỉ cao hơn điểm sàn nhận hồ sơ 0,5-1 điểm. Trường ĐH Phú Yên tuyển 175 chỉ tiêu ĐH, trong đó ngành hóa học 20 chỉ tiêu nhưng mới có ba hồ sơ; ngành Việt Nam học cũng chưa có nhiều…

Trường ĐH Trà Vinh cần tuyển 1.195 chỉ tiêu hệ ĐH và 1.260 chỉ tiêu hệ CĐ nhưng đến nay chỉ có 732 TS đăng ký. Trường ĐH Đồng Tháp dù nhận hơn 2.500 hồ sơ cho 1.330 chỉ tiêu nhưng các ngành giáo dục chính trị, quản lý văn hóa, tài chính ngân hàng, công tác xã hội… hồ sơ vẫn còn ít hơn so với chỉ tiêu.

Nhiều hồ sơ xét tuyển không hợp lệ

Dù đây là “cuộc đua” cuối để vào ĐH, các trường đã công bố thông tin rất chi tiết về ngành cũng như quy định nộp hồ sơ xét tuyển nhưng nhiều TS vẫn không tìm hiểu kỹ dẫn đến sai sót hồ sơ, đánh mất cơ hội trúng tuyển. Cá biệt, mặc dù quy định hồ sơ xét tuyển là bản chính giấy chứng nhận kết quả thi nhưng TS vẫn nộp bản sao, đăng ký vào ngành trường không tuyển, đăng ký sai vùng tuyển.

Trường ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM có 50 TS nộp hồ sơ xét tuyển không hợp lệ. Lỗi chủ yếu là TS không đăng ký mã chuyên ngành, không đủ điểm để xét tuyển, đăng ký ngành không tuyển, trường không tuyển hệ CĐ nhưng vẫn nộp hồ sơ, nộp bản sao giấy chứng nhận… Tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, 63 hồ sơ không hợp lệ do trường chỉ xét tuyển hệ CĐ nhưng TS lại nộp xét tuyển vào hệ ĐH; hệ CĐ chỉ xét tuyển TS thi đề ĐH nhưng TS thi đề CĐ lại nộp hồ sơ; đăng ký xét tuyển không ghi mã ngành; trường chỉ tuyển khối A nhưng TS khối D1 nộp hồ sơ; TS hệ CĐ nghề nộp hồ sơ xét tuyển hệ CĐ chính quy… Trường ĐH An Giang đã loại 30 TS không thuộc vùng tuyển quy định.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng nhận rất nhiều hồ sơ TS nộp vào các ngành trường không tuyển như giáo dục tiểu học, sư phạm vật lý, sư phạm tiếng Anh, sư phạm song ngữ Nga-Anh, ngôn ngữ Anh, hóa học.

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm