Cây ngã đè chết người: Nạn nhân chịu thiệt!

Sau vụ cây ngã đè chết một phụ nữ vào chiều 17-8, người dân TP.HCM không khỏi lo ngại khi phải đi ra đường vào những lúc có mưa to, gió lớn. “Sài Gòn mùa này ngày nào chẳng có mưa to, gió lớn. Chẳng lẽ khi đó ai cũng phải ở trong nhà để tránh bị cây đè. Theo tôi, cần phải xem lại trách nhiệm của các đơn vị quản lý cây xanh, không thể cứ đổ hết tội cho thiên nhiên” - anh Lê Văn Trực ngụ đường Ba Tháng Hai bày tỏ.

Có hơn 5.000 cây không an toàn

Theo thống kê, đến tháng 12-2013 toàn TP có hơn 92.000 cây xanh, trong đó có hơn 5.000 cây lớn. Đáng lo ngại, hầu hết 5.000 cây lớn này đều có nguy cơ ngã đổ bất cứ lúc nào.

Chuyên gia cây xanh Nguyễn Trịnh Kiểm, cố vấn của Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM, cho hay: Hiện TP còn nhiều cây lim xẹt. Đây là loài cây có rễ chùm, bám vào đất không chắc. Còn một số loài khác thì rễ hiện đã mục gần hết.

“Tùy vào độ tuổi của từng cây mà đơn vị quản lý phải có sự thay thế khi cần thiết. Như loài lim xẹt thì độ tuổi tối đa chỉ khoảng 40 năm, sau đó cần phải thay cây mới nhằm đảm bảo an toàn. Khi đến tuổi thay thế, loài cây này vẫn xanh tốt như bình thường nhưng có thể ngã đổ bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi có tác động của tự nhiên” - ông Kiểm cho hay.

Cây ngã hàng loạt trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) ngày 17-8. Ảnh: X.NGỌC

Ông Kiểm thông tin thêm cây lim xẹt ngã đè chết chị Nguyễn Thị Nhung ngày 17-8 có đường kính 50 cm và cao hơn 12 m. Những cây này được xếp vào nhóm II, tức nhóm cây lớn. “Tai nạn cây ngã do thiên tai là bất khả kháng nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho thiên nhiên mà một phần là vì công tác quản lý không tốt. Cụ thể, việc kiểm tra, tỉa cành trước mùa mưa đã không được thực hiện chu đáo, dẫn đến việc cây ngã đè chết người. Trong trường hợp này, Công ty Công viên Cây xanh TP phải chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho gia đình nạn nhân” - ông Kiểm nhấn mạnh.

Theo ông Kiểm, trước mùa mưa Công ty Công viên Cây xanh TP có tổ chức mé nhánh, tỉa cành nhưng chỉ tỉa những cành có nguy cơ gãy, còn lại phần lớn vẫn để nguyên. Trong khi theo nguyên tắc thì để đảm bảo an toàn, một cây loại lớn cần tỉa một nửa số cành hiện có mới hạn chế việc cây ngã đổ được.

Nên xem lại quy trình trồng cây

TS Đinh Quang Diệp, giảng viên bộ môn cây xanh ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhận định: Hiện tượng cây xanh ở TP.HCM bật gốc nhiều có thể do ảnh hưởng từ các công trình thi công vỉa hè. Tuy nhiên, cần phải có nghiên cứu cụ thể về mức độ tác động đến bộ rễ mới có thể đưa ra kết luận chính xác nhất.

Trong khi đó, kỹ sư Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Phó phòng Duy tu phụ trách lĩnh vực cây xanh của Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT TP), lại cho rằng nguyên nhân cây ngã nhiều có thể do quy trình trồng cây chưa hợp lý. “Cây ươm 4-5 năm mới bứng ra trồng trên đường phố. Khi đó cây đã tương đối lớn nên phải cắt rễ cọc để thuận tiện cho việc bứng và di chuyển cây. Vì không còn rễ cọc nên cây rất dễ bật gốc” - ông Nghiệp giải thích.

Theo ông Nghiệp, các chủng loại cây xanh ở TP.HCM được trồng theo kiểu bắt chước thời Pháp thuộc. Trong đó, không ít loài cây có nhiều điểm yếu, rất dễ gãy nhánh, rụng cành và bật gốc. Cụ thể, các loài cây lim xẹt, nhạc ngựa, phượng vĩ, me chua rất dễ bị bật gốc, còn cây sao thì dễ tét nhánh, cây dầu lại dễ rụng nhánh tự nhiên. Do đó, trước tình hình biến đổi khí hậu, mưa to, gió lớn xuất hiện nhiều như hiện nay, rất cần phải điều chỉnh lại các chủng loại cây cho phù hợp.

“Theo tôi, có bốn vấn đề cần phải xem xét thực hiện, đó là cần phải xem lại quy trình trồng cây, phải hạ thấp chiều cao cây xanh đường phố, phải loại bớt cây già cỗi và cuối cùng là phải thay đổi chủng loại cây cho phù hợp” - ông Nghiệp nhấn mạnh.

Ai phải bồi thường?

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TP.HCM, vấn đề bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra đã được Bộ luật Dân sự ghi nhận tại Điều 626. Theo đó, chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối gãy đổ gây ra. Chủ sở hữu ở đây là cơ quan có thẩm quyền đã ký hợp đồng về việc quản lý cây xanh với đơn vị quản lý cây xanh.

Đơn vị quản lý cây xanh có trách nhiệm trồng, chăm sóc, kiểm tra, chặt hạ những cây có nguy cơ gãy đổ. Do vậy, với tư cách là đơn vị chuyên môn được giao nhiệm vụ quản lý cây xanh, Công ty Công viên Cây xanh phải biết rằng những cây nào thuộc diện “cây nguy hiểm”, có khả năng gãy đổ trong mùa mưa bão. Nếu chưa thể chặt hạ ngay được, họ cần có những cảnh báo hay khoanh vùng cấm đi lại để đảm bảo an toàn cho người đi đường.

“Trong trường hợp này, nếu chứng minh được phía Công ty Công viên Cây xanh trồng cây không đúng quy trình dẫn đến cây phát triển không tốt, ngã đổ gây chết người thì công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân” - luật sư Trạch cho hay.

M.QUÝ - K.BÁCH

Công ty Công viên Cây xanh né tránh trả lời

Trong ngày 18-8, Pháp Luật TP.HCMnhiều lần liên hệ với Công ty Công viên Cây xanh TP để có thông tin về vấn đề hàng loạt cây ngã đổ dẫn đến chết người. Sau khi yêu cầu PV để lại câu hỏi, đại diện công ty cho hay sẽ trả lời trong ngày. Tuy nhiên, từ đầu giờ chiều đến cuối ngày, chúng tôi nhiều lần liên lạc nhưng được phía công ty trả lời ban giám đốc bận họp ở Sở GTVT, khi họp xong sẽ trả lời. Đến cuối giờ chiều, lãnh đạo công ty cũng như những người có trách nhiệm đều không nghe điện thoại. PV quay lại công ty lúc 4 giờ 45 thì được bảo vệ cho hay lãnh đạo công ty đã ra về.

Tập trung lo ma chay cho người mất

Theo gia đình chị Nguyễn Thị Nhung (36 tuổi, ngụ 515/A2/07 Lê Văn Lương, quận 7), sau khi xảy ra sự cố phía Công ty Công viên Cây xanh có vào bệnh viện và qua nhà để hỏi thăm, động viên gia đình. Hai cháu nhỏ bị thương thì một cháu sức khỏe tốt nên được cho về nhà, còn một cháu vẫn ở lại BV Nhi đồng 1 để theo dõi. Do gia đình đang tổ chức tang lễ cho chị Nhung nên vấn đề yêu cầu bồi thường đối với Công ty Công viên Cây xanh TP sẽ tính sau.

Cơn mưa chiều 17-8 đã làm ngã 12 cây xanh, gãy 76 nhánh làm chết một người và bị thương bốn người, làm hư hỏng một xe taxi và hai xe máy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm