Cây xanh trong đô thị từ truyền thống sang hiện đại

Cây xanh là một phần không thể thiếu trong cơ thể đô thị, thật khó chấp nhận được một TP không có cây xanh. Càng ngày người ta càng phát hiện thêm rất nhiều chức năng quan trọng của cây xanh.

Cây xanh làm giàu ký ức, biểu tượng của kỷ niệm…

Ngoài những giá trị truyền thống như cung cấp ôxy, ngăn bụi, tiếng ồn, tạo bóng râm, tạo cảnh quan mỹ thuật, thư giãn, giảm sức ép tâm lý,… thì cây xanh còn có những giá trị khác nữa như tham gia kết nối cộng đồng, gia tăng giá trị di sản và đặc biệt là làm giàu ký ức, biểu tượng của kỷ niệm…

Do vậy mà cây xanh đô thị trở thành một khoa học mang tính liên ngành kết nối cùng lúc: quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, thiết kế, mỹ thuật, sinh học, môi trường… Điều đó cho thấy trồng, chặt cây không thể là chuyện tùy tiện mà cần cân nhắc rất kỹ đến vị trí, địa điểm, chủng loại cây, màu sắc, số lượng, quy mô,…

Ở Hà Nội và TP.HCM có những hàng cây rất đẹp, chúng có tuổi đời trên 100 năm. Những hàng cây này có từ khi mà cả hai TP này còn rất nhỏ bé. Những hàng cây dầu, cây sao, cây lim xẹt ở trung tâm Sài Gòn được người Pháp trồng vào những năm 1870, còn ở Hà Nội thì sau chừng 20 năm. Khi ấy người ta trồng cây cho TP Sài Gòn với quy hoạch chừng 500.000 dân cùng với những con đường hẹp, ngắn và giao cắt nhau liên tục. Sau hơn 100 năm, cả hai TP đã đổi khác, hiện đại hơn, hoành tráng hơn và do vậy cây xanh cũng phải được “hiện đại hóa” cho phù hợp với bối cảnh mới, nhiều cây xanh cổ thụ không còn phù hợp nữa trong quá trình cải tạo nâng cấp đô thị, muốn giữ cũng rất khó bởi:

- Ở TP hiện đại, tất cả thứ lằng nhằng ở trên trời như dây điện tiêu dùng, điện thoại, cáp truyền hình, hệ thống đèn giao thông, hệ thống cấp và thoát nước mà chúng ta thấy bắt buộc phải đưa xuống các hào kỹ thuật ngầm dưới lòng đất, các hào kỹ thuật này thường được thiết kế nằm dọc theo vỉa hè, do vậy không thể giữ lại hay trồng mới cây trên vỉa hè được, phải phá bỏ mới thi công được, còn trồng mới thì dù là cây rễ chùm thì trước sau cũng phá hỏng các công trình ngầm, phá hỏng vỉa hè và công trình xây dựng kế cận. Ngoài ra phải kể đến một loạt công trình ngầm khác khó đồng hành với cây xanh cổ thụ được như hệ thống đường ngầm, ga của metro; các hầm ngầm ở các cao ốc, các đường ngầm dẫn dưới lòng đất kết nối các khu vực với nhau, các khu thương mại, dịch vụ ngầm dưới đất.

- Hệ thống giao thông nhanh, hiện đại của đô thị xung đột với cây xanh vỉa hè. Giao thông xưa chủ yếu bằng xe ngựa, xe thô sơ, sau này là xe đạp nên đường nhỏ hẹp, tốc độ chậm nên việc trồng cây không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, miễn sao là đẹp và râm mát là được. Hiện nay hệ thống giao thông đô thị phức tạp hơn, mật độ xe quá lớn, các phương tiện di chuyển trên đường có nhiều chủng loại, tốc độ rất nhanh, do vậy mà những cây xanh vỉa hè, cây xanh ở các tiểu đảo làm che chắn tầm nhìn, gây ra nguy hiểm cho người lái xe và cả người bộ hành.

- Các TP hiện đại có rất nhiều nhà cao tầng mọc lên, chúng đứng san sát nhau. Những tòa nhà này vươn cao tạo ra các cột dựng đứng, các bức tường thành khổng lồ và chính các cao ốc này đã tạo ra các hào bê tông trên cao làm cho các dòng không khí bị đổi chiều, tạo ra dòng xoáy rất nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm với những TP gần biển, gần sông, những lúc gió mạnh hoặc xung đột giữa khí nóng và khí lạnh luồn lách qua các tòa cao ốc tạo ra dòng khí làm cho các cây cao bị vặn gãy hàng loạt, gây chết người. Hiện tượng này đã diễn ra ở TP Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu và TP.HCM.

Cây xanh trong đô thị từ truyền thống sang hiện đại ảnh 1

Dân thảo luận, hiến kế cùng chính quyền tìm ra sự đồng thuận

Những lý do trên cho thấy khi triển khai các công trình mới như metro ở TP.HCM, đường trên cao ở Hà Nội thì việc chặt hạ cây xanh là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó những cây không đẹp, già cỗi, bị sâu mọt, cong nghiêng, ảnh hưởng đến mỹ quan và an toàn thì phải hạ bỏ là đương nhiên. Cho dù ai trong chúng ta cũng cảm thấy xót xa, tiếc nuối nhưng việc cần thì vẫn cứ phải thực hiện. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là việc cải tạo mảng xanh, trồng cây mới như thế nào cho hợp lý và hợp lòng dân.

Trước hết, muốn quy hoạch, điều chỉnh lại mảng xanh đô thị, tập thể cây trong một TP thì điều đầu tiên là phải lập cho được hồ sơ điều tra về các vùng cây tập trung và cây đơn lẻ. Với sự trợ giúp kỹ thuật của công nghệ thông tin, các nhà chuyên môn hoàn toàn có thể làm được việc này. Tức là phải kiểm đếm, thống kê, phân loại, đánh giá xem thực trạng cây xanh của một TP ra sao. Bao nhiêu cây cần phải loại bỏ vì lý do bệnh, cong, nghiêng, già cỗi; bao nhiêu cây ảnh hưởng đến công trình xây dựng trong thời điểm hiện tại và tương lai, bao nhiêu cây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân cư (mùi hoa, nhựa cây, che chắn tầm nhìn, phá hỏng nhà cửa) và các phương án thay thế tối ưu.

Thứ hai là việc điều chỉnh mảng xanh cần được xây dựng thành một dự án nghiên túc bởi các nhà khoa học, nhà quản lý và dự án này phải được công bố rộng rãi cho nhân dân biết. Người dân thảo luận, góp ý, hiến kế cùng chính quyền tìm ra sự đồng thuận. Cung cách mà UBND TP Hà Nội đang thực hiện thực sự người dân không yên lòng, bởi vì như thế chính quyền đã đặt người dân vào sự đã rồi và người dân bị đặt ra ngoài lề của một công việc dân sinh rất trọng đại đối với họ. Một vị lãnh đạo TP cho rằng cái gì cũng hỏi dân thì còn gì là chính quyền, cho thấy một nhận thức rất ấu trĩ của thể chế quan liêu, bởi khi mà dân còn đòi hỏi tức là dân còn ủng hộ.

Tiếp theo, việc cải tạo mảng xanh với một số lượng cây khổng lồ (6.700 cây) thì không thể làm một cách vội vàng, gấp gáp trong một thời gian cực ngắn và bằng một chiến dịch để dân không kịp nhận ra. Lẽ ra cần phải ngẫm nghĩ thật lâu trước khi hạ cưa máy trong 10 phút thì lại làm ào ào, kết quả là chỉ trong vài ngày 500 cây cổ thụ, trong đó có nhiều cây hoàn toàn khỏe mạnh, đẹp đẽ bị hạ không thương tiếc. Những hoạt động đó làm cho người dân nghĩ đến những động cơ khuất tất bởi tất cả hành động chặt, trồng mới, khai thác gỗ cổ thụ đều liên quan đến tiền bạc cả, mà tiền lớn nữa là khác. Hàng trăm ngàn ý kiến viết thành chữ trên mạng và nói miệng với nhau cho thấy người dân cả nước bức xúc làm sao.

Ông TRỊNH KIỂM, Chánh văn phòng Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam:

Đốn hạ nhiều thì phải do cấp bộ trở lên xem xét

Nói thật, tôi chưa thấy nơi nào cải tạo, chỉnh trang mà đốn bỏ cây hàng loạt như thế. Với lượng cây đốn hạ nhiều như thế, cần phải có những nghiên cứu khoa học thật cụ thể cho từng tuyến đường, từng loại cây… chứ không thể nói chung chung được. Trong trường hợp thật cần thiết phải đốn hạ như cây quá già cỗi, cây sâu bệnh hay cây tạp thì cũng phải có phương án đốn hạ và thay thế từ từ, theo từng thứ tự ưu tiên chứ không ai chặt bỏ cây ồ ạt như thế.

Có cái gì đó không ổn, không rõ ràng trong chuyện này. Thường khi tổ chức chỉnh trang, cần đốn hạ và trồng thay thế thì người ta phải chọn vào dịp gần mùa mưa. Việc chỉnh trang vào thời gian này nhằm hạn chế tình trạng cây ngã đổ khi mưa gió đến. Vào thời điểm này, không khí đã bớt nóng bức nên khi cây bị chặt - mất đi bóng mát người dân sẽ không bị sốc. Mặt khác, trồng cây vào mùa mưa cây dễ sống và phát triển tốt hơn. Trong khi đó, theo tôi biết thì hiện nay thời tiết ở Hà Nội không phải là thời điểm lý tưởng cho việc chỉnh trang cây xanh.

Tôi cho rằng cần phải mời các chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh, kiến trúc, xây dựng… để làm rõ Hà Nội cần phải đốn hạ bao nhiêu cây xanh vì mục đích chỉnh trang, thay thế. Trong trường hợp thật sự cần thiết phải đốn thì có phương án trồng thay thế phù hợp, không để môi trường bị thay đổi đột ngột. Với lượng cây đốn hạ nhiều như báo chí phản ánh, việc thực hiện phải do cấp bộ trở lên xem xét.

Chúng ta ai cũng biết cây xanh không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt tình cảm, tâm linh. Ở ngoài Bắc, nhiều nơi còn có tập tục “cây để tang”, nghĩa là người trồng cây khi qua đời thì cây cũng được quấn khăn tang. Điều đó cho thấy mối quan hệ giữa cây xanh và con người cũng như tình thân. Cây xanh quý như thế, chỉ trong những trường hợp bất khả kháng mới phải đốn đi.

TRUNG THANH

Bảng chu kỳ kiểm định các loại xe ô tô từ 22-3-2023

Bảng chu kỳ kiểm định các loại xe ô tô từ 22-3-2023

(PLO)- Theo Thông tư 02/2023 của Bộ GTVT có hiệu lực từ 0g ngày 22-3, chu kỳ kiểm định xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (xe cá nhân, xe gia đình) có chu kỳ đầu tiên tăng từ 30 tháng lên 36 tháng như bảng dưới đây.