Chất độc da cam - Có những món nợ bắt buộc phải đòi!

“Đương nhiên chúng ta phải kiện. Không kiện được chỗ này thì kiện chỗ khác, không kiện bằng cách này thì kiện cách khác. Tôi không nghĩ đến hai chữ đền bù. Quan trọng Mỹ phải công nhận lẽ phải và sự thật. Chúng ta ngồi ở đây để chuyện này (chất độc da cam-PV) không bao giờ lãng quên”.

Toạ đàm: "Vụ kiện da cam, một nguyên đơn triệu nạn nhân”. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Bà Tôn Nữ Thị Ninh Phó chủ tịch Uỷ ban Hòa bình Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM đã nói như vậy tại toạ đàm: “Vụ kiện da cam, một nguyên đơn triệu nạn nhân”. Toạ đàm vừa diễn ra sáng nay (8-5) tại Đường Sách TP.HCM.

Tham dự còn có bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng- Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (VAVA), Luật sư Trương Trọng Nghĩa, giảng viên Vũ Thị Quyền và nạn nhân chất độc da cam Trần Thị Mỹ Quyên. Tiến sĩ Bùi Trân Phượng điều phối tọa đàm.

Người mẹ gào rú khi nhìn thấy con

Bác sĩ Ngọc Phượng chính là một trong bốn nguyên đơn vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam năm 2004. Thời gian có thể bào mòn thanh xuân, sức khoẻ con người nhưng kí ức, nỗi đau thì vẫn còn mãi. Ca đỡ đẻ năm đó như một nỗi đau chẳng thể nào quên với bác sĩ Ngọc Phượng.

Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau thì luôn còn đó. Ảnh chụp tại triển lãm: NGUYỄN TRÀ

“Hôm đó, tôi đã đỡ đẻ một em bé vô sọ. Người mẹ nhìn thấy con như vậy đã gào rú, người nhà nói cô ấy đẻ ra con khỉ. Gia đình xúi người chồng bỏ vợ. Nhiều đêm liền tôi khóc, không ngủ được. Mỗi tuần sau, tôi đỡ đẻ và lại gặp vài trường hợp như vậy, rồi sau đó nữa... Tôi đã xin phép được lưu lại trong những lọ to trong phoóc môn để nghiên cứu tại sao” - nữ bác sĩ đã bước qua tuổi xế chiều lặng người nhớ lại.

Bà tìm kiếm rất nhiều tư liệu ở Bệnh viện Từ Dũ và các kho tư liệu, chắp nhặt từng mảnh tư liệu, ghi chép cẩn thận. Tài liệu ngày đó rất khó tìm kiếm. May sao, bà tìm được cuốn sách của Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ về việc rải chất độc hoá học ở Việt Nam như thế nào và bà nhận ra rõ ràng có mối liên hệ với các chất độc hoá học với sự bất thường ở thai kì phụ nữ.

Để chắc chắn, bà xin phép về thực hiện nghiên cứu khắp các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Tây Ninh, Cần Giờ (TP.HCM) để so sánh tỉ lệ thai trứng ở phụ nữ Việt Nam, thai lưu, dị tật… Nữ bác sĩ sản phụ khoa với sự tỉnh táo khách quan của một nhà khoa học đã chứng minh mối liên hệ giữa hiện thực đau lòng và chất độc da cam.

“Tôi nhận ra ung thư thai trứng, thai lưu, dị tật… với những người từng có phơi nhiễm chất độc hoá học cao gấp 4,5 lần” - bác sĩ Phượng nói.

Năm 1982, hội nghị quốc tế với 22 nước tham dự có Mỹ, bà báo cáo, các nhà Khoa học Mỹ công nhận có sự khác biệt lớn. Vào năm 2008, Hạ viện Mỹ đã phải mở phiên điều trần với chủ đề: “Trách nhiệm bị lãng quên! Chúng ta phải làm gì cho các nạn nhân da cam”. Tại đây bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng chính là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam được vào Hạ viện Mỹ để trình bày về vấn đề này.

Kiện! Đời con mình chưa được thì đời cháu, chắt

“Bà Nguyễn Thị Bình lúc đó là Phó chủ tịch nước có nói: Nếu không kiện ngay sẽ hết thời hiệu. Hồi đầu, có 1 gia đình, 27 cá nhân đưa đơn kiện. Rất nhiều nạn nhân trong đó nay đã chết dần chết mòn” - bác sĩ Ngọc Phượng nói đến đây rồi dừng lại...

Bà Trần Tố Nga. Ảnh chụp tại triển lãm: NGUYỄN TRÀ

Bác sĩ Phượng đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đứng lên kiện các công ty hoá chất Mỹ, kiện trên đất Mỹ, chính phủ Mỹ chỉ đạo, chính quyền Mỹ, luật sư Mỹ… Thời điểm này, ngoại giao Mỹ và Việt Nam mới thành lập rất mong manh, khả năng vụ kiện sẽ ảnh hưởng. Khó khăn vô cùng.

Năm 2005, bước đầu thẩm phán Mỹ tuyên bố không xét xử vụ kiện này.

28-2-2008, Toà phúc thẩm Mỹ bác đơn.

Ngày 6-10-2008, Hội tiếp tục nộp đơn lên toà tối cao.

Ngày 2-3-2009: Toà tối cao bác đơn…

Hành trình đằng đẵng đi đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam những tưởng đã chìm vào quên lãng vì ba lần Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Mỹ và Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kiện.

Nhưng không, tháng 5-2014, 35 công ty hóa chất Mỹ một lần nữa nhận được đơn thông qua một tòa án Pháp. Nguyên đơn lần này là một người Việt, mang quốc tịch Pháp, bà Trần Tố Nga. Bà Tố Nga là nguyên đơn duy nhất hiện nay hội đủ các điều kiện là công dân Pháp, có đủ bằng chứng y khoa là nạn nhân của chất dioxin để từ cơ sở đó cùng bạn bè trong và ngoài nước chuẩn bị hồ sơ vụ kiện suốt hơn 10 năm qua.

Mẹ con người dân tộc Paco. Người mẹ bị nhiễm chất độc da cam, đã nhiều lần bị sẩy thai trước khi sinh được cháu Bê bị sứt môi (đứng phía trước). Ảnh chụp tại triển lãm: NGUYỄN TRÀ

Và ngày 25-1-2021 tòa Ivry tỉnh Esson (phía Nam Paris) mở phiên xét xử vụ kiện dân sự giữa bà Trần Tố Nga với các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây ra thương tổn sức khỏe và để lại di chứng qua nhiều thế hệ của hàng triệu nạn nhân Việt Nam. Kết quả vụ kiện sẽ được công bố vào ngày 10-5 này.

Đây là vụ kiện “lịch sử”. “Lịch sử” bởi một người phụ nữ Pháp gốc Việt đưa ra trước công lý các tập đoàn hoá chất Mỹ từng sản xuất hoặc buôn bán chất da cam phục vụ cho chiến tranh Việt Nam. Lịch sử bởi sau một nguyên đơn là hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin và con cháu họ.

Tại toạ đàm, bà Tôn Nữ Thị Ninh nói: “Đương nhiên chúng ta phải kiện. Không kiện được chỗ này thì kiện chỗ khác, không kiện bằng cách này thì kiện cách khác. Tôi không nghĩ đến 2 chữ đền bù, quan trọng Mỹ phải công nhận lẽ phải và sự thật. Chúng ta ngồi ở đây để chuyện này (chất độc da cam-PV). Không bao giờ lãng quên”.

“Dù phán quyết của tòa thế nào thì cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục. Chúng tôi và bạn bè đã đi tiếp nhiều năm nữa. Năm tháng còn dài, sức mạnh của công lý, chân lý sẽ thắng thôi. Tôi dù không tồn tại đến cuối cùng nhưng những bạn trẻ sẽ tiếp tục đi con đường này để thảm hoạ da cam được biết đến và giúp những nạn nhân da cam được sống đàng hoàng”.

(Bà Trần Tố Nga)

Dioxin là tên gọi của hàng trăm chất độc hoá học khác nhau. Khi cơ thể bị nhiễm, tăng gốc ion trong tế bào, khiến di truyền trong cơ thể sống bị rối loạn, làm cho quá trình hình hành tế bào, bị đứt đoạn, đảo đoạn, tráo đoạn…. khiến phụ nữ sinh ra những em bé dị tật, di truyền trên ba thế hệ tuỳ vào nồng độ trong cơ thể bị nhiễm.

(Vũ Thị Quyền- Giảng viên bộ môn Sinh học, Đại học Văn Lang)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm