Chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam khá thấp trong ASEAN

(PLO)- Việc cải thiện quản trị công ty vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gấp rút cho những mục tiêu để dọn đường cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 3-2025.

Hôm nay (29-11), Ban tổ chức Diễn đàn thường niên về Quản trị công ty lần thứ 7 (AF7) tổ chức gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin trước sự kiện. Diễn đàn năm nay có chủ đề: “Đầu tư vào Quản trị Công ty: Chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế quốc tế hoá thị trường”.

Diễn đàn thường niên về Quản trị công ty là sự kiện thường niên do Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức, với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cùng hỗ trợ chuyên môn của hai Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX).

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD - Ảnh: BTC

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD cho biết nhà đầu tư, các cơ quan quản lý, đối tác, khách hàng, các tổ chức xếp hạng, cộng đồng xã hội và người lao động luôn quan tâm tới quản trị công ty. Đồng thời, đầu tư vào quản trị công ty mang tới nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, bao gồm tăng cường năng lực cạnh tranh, gia tăng lợi ích toàn diện, nâng cao hình ảnh…

“Đầu tư vào quản trị công ty là một chiến lược thông minh và văn hoá quản trị công ty cần thống nhất với chủ trương hành động, coi quản trị công ty là một lõi của ESG - là một phần của hành trình phát triển bền vững”- bà Thanh nhấn mạnh.

Số liệu từ VIOD trong ngày hôm nay cho thấy chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam rất cần phải lưu tâm, cụ thể chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam chỉ đứng thứ 6 tại Đông Nam Á, thấp hơn một số nước trong ASEAN. Xếp hạng quản trị công ty tại ASEAN gần nhất cho thấy Singapore đứng đầu, sau đó đến Thái Lan, Malaysia; các vị trí kế tiếp lần lượt là Philippines, Indonesia.

Tuy nhiên, điểm tích cực, theo ông Phan Lê Thành Long, Tổng Giám đốc của VIOD, Việt Nam đã bước qua giai đoạn nhận thức về quản trị công ty, giờ đây đang bước sang giai đoạn thực hành. Điều này giúp cho chất lượng quản trị của doanh nghiệp niêm yết cải thiện rất đáng kể.

Trong rất nhiều tiêu chí mà quản trị công ty tại Việt Nam cần phải cải thiện, nổi bật nhất là vai trò của hội đồng quản trị công ty. Điều này phần nào liên quan đến yếu tố pháp lý. Ngoài ra, trong nhóm 30 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán, có đến 50% là các ngân hàng vẫn hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng ban hành từ năm 2010 vốn có độ trễ không hề thấp so với thông lệ quốc tế.

Đến tháng 1-2024, Quốc hội mới ban hành Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó các chương liên quan đến quản trị công ty trở nên chặt chẽ hơn rất nhiều. Nhờ vậy, chất lượng quản trị công ty, trong đó nổi bật là các ngân hàng, đã cải thiện hơn trước rất nhiều.

Đặc biệt, ông Long nhấn mạnh sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự diễn đàn COP 26 và mới đây là COP29 với chủ đề “Mở khóa tài chính toàn cầu” hướng đến mục tiêu của phát triển bền vững, những kết quả thu được sẽ giúp giải quyết vấn đề cơ bản nhất là nguồn vốn, để doanh nghiệp hướng đến các mục tiêu phát triển xanh trong dài hạn.

Cũng theo ông Long, việc phải nhanh chóng cải thiện chất lượng quản trị công ty là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gấp rút cho những mục tiêu để dọn đường cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 3-2025.

Năm nay, Diễn đàn sẽ diễn ra ngày 5-12-2024 tại Khách sạn New World Saigon (Quận 1, TP.HCM). Với chủ đề “Đầu tư vào Quản trị Công ty: Chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế quốc tế hóa thị trường”, diễn đàn hướng đến thúc đẩy thị trường tài chính và chứng khoán Việt Nam trở nên minh bạch và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng vào năm 2025.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới