Châu Á-Thái Bình Dương giải cứu thế giới

Một tuần sau khi hội nghị thượng đỉnh G20 ở Cannes (Pháp) kết thúc, báo chí quốc tế nhận định hội nghị cấp cao APEC lần thứ 19 tại Honolulu, đảo Hawaii (Mỹ) đã trở thành tâm điểm của thế giới. Trong bối cảnh châu Âu gặp khủng hoảng nợ, châu Á đang được kỳ vọng sẽ vực dậy tình hình khủng hoảng ở châu Âu.

Tại hội nghị các bộ trưởng Tài chính khu vực APEC hôm 10-11 ở Honolulu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã khuyến khích các nước châu Á đảm nhiệm vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho đến khi trở thành đầu tàu của kinh tế thế giới.

Hội nghị này đã cam kết sẽ hành động quyết liệt để tránh khủng hoảng tài chính ở châu Âu lan nhiễm toàn cầu.

Chủ đề quan trọng trong hội nghị cấp cao APEC lần này là thảo luận về một khu vực tự do mậu dịch đa phương ở Thái Bình Dương dựa trên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Đối với Mỹ, hiệp định là cơ hội cứu vãn quá trình phát triển thương mại quốc tế trong bối cảnh vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới giậm chân tại chỗ từ 10 năm nay. Hiệp định sẽ mở ra nhiều thị trường mới, tạo thêm sức sống cho kinh tế Mỹ đang khủng hoảng.

Châu Á-Thái Bình Dương giải cứu thế giới ảnh 1

Ông Neil Abercrombie, Thống đốc bang Hawaii, đón tiếp Tổng thống Obama và phu nhân tại căn cứ không quân ở Honolulu ngày 11-11. Ảnh: AP

Tổng thống Barack Obama đã đến đảo Hawaii (Mỹ) để chủ trì hội nghị cấp cao APEC lần thứ 19 trong hai ngày 12 và 13-11 ở Honolulu. Đây cũng là chặng đầu tiên trong chuyến công du chín ngày ở châu Á-Thái Bình Dương. Dự kiến ông sẽ thăm Úc và tham dự hội nghị cấp cao Đông Á ở Bali (Indonesia).

Trước nay, nhằm bảo hộ nông nghiệp nước nhà, Nhật đã sử dụng hàng rào thuế quan đánh thuế 800% gạo nhập khẩu. Dù vậy, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đã thông báo tại hội nghị cấp cao APEC lần này, ông sẽ công bố Nhật bắt đầu thảo luận về việc gia nhập hiệp định.

Nông dân Nhật lo ngại khi Nhật gia nhập hiệp định, họ không còn bán gạo dễ dàng như trước. Ngược lại, các tập đoàn công nghiệp lớn ở Nhật lại mong muốn Nhật gia nhập hiệp định bởi lúc đó hàng hóa của Nhật nhập khẩu vào các nước thành viên hiệp định sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi.
Ngày 11-11, lãnh thổ Đài Loan tiếp tục khẳng định gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương chính là mục tiêu của Đài Bắc.

Chỉ có điều lấn cấn là Trung Quốc vẫn còn đứng ngoài Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Theo lý do chính thức, Bắc Kinh không chấp thuận các quy định về môi trường và xã hội trong hiệp định. Còn về lý do không chính thức, có lẽ Trung Quốc không muốn giảm tỉ giá đồng nhân dân tệ.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có tên gọi đầy đủ là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu về thành lập khu vực tự do mậu dịch đa phương được bốn nước thành viên APEC (Singapore, Brunei, New Zealand, Chile) ký kết ngày 3-6-2005, có hiệu lực ngày 28-5-2006.

Một khi hiệp định mở rộng cho các nước khác trong APEC tham gia, hiệp định sẽ hình thành khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, chiếm 40% GDP toàn cầu.

Nga: Trong cuộc gặp các doanh nghiệp khu vực APEC ở Honolulu, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã bảođảm Nga sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hiện đại hóa. Ngày 12-11, cố vấn tổng thống Nga Arkadi Dvorkovitch cho biết như trên.

Trung Quốc: Báo Thời báo Hoàn cầu ngày 12-11 đăng bình luận chỉ trích Mỹ đã gắn kết hai vấn đề tự do thương mại và nhân quyền đồng thời xem nhẹ vai trò của Trung Quốc trong hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm