Châu Âu vẫn lo, Hy Lạp tạm ổn

Chính phủ mới đảng Phong trào xã hội (cầm quyền) và đảng Dân chủ mới (đối lập) thỏa thuận thành lập sẽ hoạt động ngay và Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm trong một tuần.

Thỏa thuận đạt được đêm 6-11 theo giờ địa phương sau khi Thủ tướng George Papandreou và lãnh đạo đối lập Antonis Samaras tham vấn Tổng thống Karolos Papoulias. Ông Papandreou đã thông báo sẽ không đứng đầu chính phủ mới như mong muốn của ông Samaras. Hai bên cũng đồng ý ngày 19-2 năm tới sẽ là ngày bầu cử trước thời hạn.

Với thỏa thuận chính trị lịch sử ấy,Hy Lạp vừa cứu mình vừa cứu lấy khu vực đồng euro. Ba ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh G20 ở Pháp bàn về tình hình chính trị và ngân sách của Hy Lạp và Ý, chủ đề này lại xuất hiện trên bàn nghị sự của hội nghị các bộ trưởng Tài chính khu vực euro ở Brussels (Bỉ) trong hai ngày 7 và 8-11.

Hãng tin Reuters nhận định hội nghị sẽ là đòn bẩy cho tuần lễ quyết định về tương lai đồng tiền chung euro. Trong tuần, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi sẽ phải vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, đồng thời Ủy ban châu Âu sẽ công bố báo cáo về dự báo kinh tế mùa thu.

Hội nghị cũng diễn ra trong bối cảnh ngày 7-11, chính phủ Pháp phải công bố các chính sách vực dậy tăng trưởng kinh tế èo uột hơn dự kiến và nhằm giữ được hạng tín dụng AAA. Vì lẽ đó, hội nghị phải nỗ lực dập tắt đám cháy đang đe dọa đồng tiền chung.

Bài thuốc trước mắt là bảo đảm tình hình chính trị ổn định ở Hy Lạp để châu Âu có thể tháo khoán nhanh gói giải cứu 8 tỉ euro kẻo Hy Lạp bị phá sản (dự kiến vào giữa tháng 12). Đối với Ý, hội nghị phải ép để Ý thực hiện nhanh chương trình tái cấu trúc và thắt lưng buộc bụng đã công bố hồi tháng 9.

Ngoài ra, hội nghị cũng phải hối thúc thực hiện các quyết định đã thông qua trong hai hội nghị thượng đỉnh của châu Âu và khu vực euro ngày 26-10 về chương trình tái cấp vốn của các ngân hàng và tăng vốn của Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu lên 1.000 tỉ euro.

Quỹ có tiền, châu Âu mới có thể có uy tín bảo lãnh để các nhà đầu tư vững bụng bỏ tiền cho các nước gặp khó khăn vay. Nhưng muốn có tiền, châu Âu lại phải trông ngóng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nền kinh tế mới nổi. Phần IMF có thể ổn bởi IMF sẽ tham dự hội nghị các bộ trưởng Tài chính. Riêng các nước mới nổi thì đến giờ vẫn chưa hứa hẹn gì cụ thể.

Trong vòng xoáy khủng hoảng nợ châu Âu, người dân Pháp, Đức và Áo không thể thực hiện nổi câu “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Theo kết quả thăm dò của Viện Thăm dò ý kiến công chúng Pháp công bố ngày 5-11, 89% số người được hỏi cho rằng tiền cho Hy Lạp vay là đồng tiền vứt đi vì Hy Lạp sẽ không thể hoàn trả. Tại Áo, 50% số người được hỏi muốn Hy Lạp rời khỏi khu vực euro. Tỉ lệ này ở Đức lên đến 2/3 số người được hỏi.

DẠ THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm