Chị Hồng: ‘Tôi vẫn tiếp tục nghề ve chai!’

Nhưng rồi sau đó, có những lúc chị rươm rướm nước mắt...

“Chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có nhiều tiền thế này nên tôi vừa mừng vừa lo lẫn lộn. Từ hôm qua tới giờ chưa ăn chưa ngủ được miếng nào hết trơn” - chị Hồng nói, miệng vẫn cười tươi nhưng ánh mắt đã có phần mệt mỏi.

Lần đầu được tặng hoa

Lúc được ban tổ chức mời lên nhận hoa và chụp ảnh lưu niệm, chị tỏ rõ vẻ xúc động và ngượng nghịu. Chị lúng túng với tiết mục có tính “thủ tục trang trọng” này.

Khi nhận xong bó hoa từ tay đại diện Ban Biên tập báo, trở về chỗ ngồi chị cứ ôm riết bó hoa, vân vê những cánh hoa màu hồng nhạt, cười thật hiền rồi thủ thỉ chia sẻ: “Hoa đẹp quá! Tôi chưa được ai tặng hoa đẹp như vậy bao giờ, đây là lần đầu tiên tôi được tặng hoa”.

Sau vài phút lúng túng, chị Hồng tự tin và thoải mái hơn khi thấy ảnh chụp mình khi nãy đã lên trang. Chị khều PV ngồi cạnh nhắn nhủ một cách rất thật thà: “Chị không biết chữ, ký tên cũng không biết luôn. Bởi vậy không đọc được gì đâu. Cứ có ai hỏi gì thì em đọc cho chị nghe, chị trả lời người ta nha”.

Sau khi nghe câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Nghĩa (nhân viên kinh doanh tại TP.HCM): “Chúc mừng chị đã nhận lại được số tiền. Có được số tiền này chị có nghĩ rằng mình sẽ làm đại lý thu gom ve chai thay vì chỉ là người đi mua ve chai như trước đây không? Để chia sẻ với những người cùng hoàn cảnh, chị sẽ thu mua ve chai với giá cao hơn những nơi khác chút xíu chẳng hạn”, chị cười đáp lại: “Tôi sẽ tiếp tục công việc này như trước kia đã làm. Tôi chỉ muốn làm công việc quen thuộc của mình thôi. Còn khi đi thu gom ve chai, thay vì mua 5.000 đồng như trước kia, tôi sẽ trả người ta 6.000-7.000 đồng như một cách chia sẻ sự may mắn của mình với người khác”.

Nói rồi chị quay sang PV ngồi cạnh bỏ nhỏ: “Cứ có ai chúc mừng chị thì em “đánh” câu “cảm ơn” giùm chị để chị cảm ơn người ta. Chị muốn cảm ơn rất nhiều người đã ủng hộ chị suốt hơn một năm qua”.

Đang giao lưu, chị Hồng dừng lại để nghe điện thoại từ một “mối” ve chai. Ảnh: P.TĨNH

Không phải gặp ai cũng từ thiện

Với câu hỏi của bạn đọc Trần Mạnh (TP.HCM): “Từ khi nhận được số tiền này, anh chị có gặp phải sự đe dọa, đeo bám nào không?”, chị Hồng kể lại rằng trước và sau khi nhận tiền, có nhiều cuộc gọi, cũng có khi là người ta đến gặp chị trực tiếp để xin chị tiền, đề nghị chị bỏ tiền làm từ thiện khiến chị rất mệt mỏi và cả hoảng sợ.

“Tối qua khi nhận được tiền, về tới xóm trọ tôi đã thấy công an đứng đó để giữ trật tự rồi mà vẫn có người đến gần hỏi tôi có cho họ tiền coi như là làm từ thiện không. Tôi trả lời rằng chắc chắn tôi sẽ làm từ thiện nhưng sẽ là theo những địa chỉ tôi đã định sẵn chứ không phải gặp ai cũng từ thiện. Thực sự là điều kiện của gia đình tôi cũng còn rất khó khăn” - chị Hồng tâm sự.

Cũng theo lời chị, vì có nhiều người hiếu kỳ lạ mặt đến khu chị ở trọ xin tiền, gây mất trật tự trong khu dân cư nên ngay sau khi làm xong một số việc từ thiện theo dự định, chị và chồng sẽ về quê, tạm thời tránh phiền phức một thời gian.

Trả lời câu hỏi của bạn đọc Phong (Bình Dương): “Kế hoạch xài tiền của anh chị như thế nào? Anh chị có muốn đổi công việc đang làm hiện tại không?”, chị Hồng khẳng định chắc chắn một lần nữa rằng kể cả khi có nhiều tiền hơn thế nữa chị vẫn theo nghề ve chai: “Nghề này tuy cực, nắng nôi nhưng đã giúp tôi có được cuộc sống tốt hơn sau khi rời quê. Nó cũng giúp tôi lo được cho gia đình, nuôi hai con ăn học tử tế”.

Nói đến đây chị Hồng dừng lại để trả lời điện thoại gọi tới rồi ngại ngùng phân trần: “Mối ve chai của chị gọi tới mua hàng đó. Người ta tốt lắm. Có khi chị về quê cả tháng người ta vẫn chất đồ đầy góc nhà đợi chị tới mua chớ không bán cho người khác đâu”.

Về câu hỏi của bạn đọc Võ Thị Như Quỳnh (giáo viên ở Khánh Hòa): “Có bao giờ chị Hồng và luật sư cảm thấy sẽ thua cuộc, từ bỏ theo đuổi vụ việc, nản lòng vì thời gian được nhận tiền kéo dài hơn một năm không?”, chị Hồng chia sẻ: “Lúc mới đập cái loa ra, thấy tiền trong đó tôi cứ nghĩ đó là tiền âm phủ. Sau khi đem đi hỏi mấy người xung quanh, tôi mới biết là tiền yen Nhật, giá trị lắm. Sau đó thì nhiều người tới xin quá, tôi mới đem nộp lên công an vì nghĩ rằng nếu người mất tiền nhận lại được thì họ cũng có thể cho lại mình 5, 10 triệu đồng thêm vào vốn đi gom ve chai, vậy cũng vui. Thật lòng là tôi nghĩ vậy đó và chưa hề nghĩ tới việc số tiền đó phải thuộc về mình”.

Trao quà, trao cả tấm lòng

Sau khi tranh thủ giao lưu với bạn đọc tại báo Pháp Luật TP.HCM, chị Hồng bỏ cả ăn trưa tất bật đến thăm, tặng quà cho Hội Người mù quận Tân Bình.

Chị nói thường ngày đi mua ve chai ngang qua hội, thấy các cô chú, anh chị nơi đây đều có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời thấy nhiều người có điều kiện thường đến giúp đỡ vật chất. Chị luôn thầm nhủ nếu nhận được tiền, chị nhất định sẽ đến cơ sở này để làm từ thiện. Chị biết được các thành viên thường xuyên có các buổi sinh hoạt giao lưu, ca hát, kể chuyện cho nhau nghe nhưng lâu nay trang thiết bị đã cũ kỹ. Vì vậy từ sáng sớm chị đã tranh thủ đi mua gạo, mua bộ amply, micro để đem đến tặng cho hội. Chị còn để ý đến chi tiết mua micro không dây để các thành viên khiếm thị dễ sử dụng, không bị vấp dây trong lúc giao lưu văn nghệ với nhau.

Trưa 3-6, trong không khí đầm ấm tại Hội Người mù quận Tân Bình, chị Hồng đã trao tặng hội dàn amply cùng 700 kg gạo để ban chủ nhiệm hội chia sẻ lại cho các thành viên, mà đa số ai cũng có hoàn cảnh khó khăn.

Chiều cùng ngày, chị đến chùa Từ Hạnh, phường An Lạc, quận Bình Tân để tặng quà bánh, gạo cho chùa và các em nhỏ mồ côi, người già không nơi nương tựa đang được nuôi dưỡng tại đây. Thông qua một người quen ở gần xóm, chị Hồng biết ngôi chùa này đang nuôi dưỡng gần 100 em nhỏ bị bỏ rơi, bị bệnh, trẻ em nghèo được gia đình đưa đến gửi và hàng chục người già cô đơn, không nơi nương tựa. Trước đó chị Hồng đã đến thăm chùa và cảm nhận chùa rất tận tâm chăm sóc những người kém may mắn.

Chị Hồng: ‘Tôi vẫn tiếp tục nghề ve chai!’ ảnh 2

Chị Hồng tặng quà cho các cụ già ở nhà dưỡng lão thuộc chùa Từ Hạnh - 392/1 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân vào chiều 3-6. Ảnh: P.TĨNH

Khi thấy chị Hồng cùng đoàn đến thăm hỏi, tặng quà bánh, các cháu nhỏ mồ côi được nuôi dưỡng trong chùa vui mừng, hò reo phấn khởi. Một sư cô chia sẻ: “Tôi mừng cho cô Hồng nhờ có phước đức mà được hưởng may mắn, từ sự may mắn đó mà những người nghèo khổ, cô đơn cũng được chia sẻ”.

Chị Hồng cho biết sẽ về quê, trích ra 100 triệu đồng làm nhà tặng cha mẹ chồng và cha mẹ đẻ. Nếu thấy ở quê ai già cả, ốm yếu và khó khăn quá chị sẽ trích ra ít trăm tặng họ uống sữa, mua đồ ăn, coi đó như chia sẻ sự may mắn của mình với những người kém may mắn.

Suốt thời gian qua, biết vợ chồng chị Hồng không biết chữ, không rành đường sá đi lại, thủ tục làm việc với cơ quan chức năng nên có những người hàng xóm đã bỏ công ăn việc làm để chở chị đến trụ sở công an làm việc. Anh S., một người trong số đó, chia sẻ: “Tôi thấy cô Hồng hiền lành, ngay thẳng nên vợ chồng tôi tự nguyện giúp được gì thì giúp. Khi cô Hồng nhận được tiền, vợ chồng tôi cũng có nỗi lo lắng nên đã cầu nguyện và luôn luôn dặn dò cô cẩn thận”.

H.TUYẾT - P.TĨNH

- Liên quan tới nhiều tờ tiền mục nát trong số 5 triệu yen mà chị Huỳnh Thị Ánh Hồng vừa được Công an quận Tân Bình bàn giao chiều 3-6, thông tin từ Ngân hàng Maritime Bank cho hay đã hoàn tất việc scan các mẫu tiền rách và gửi cho ngân hàng đối tác tại Singapore (ngân hàng chuyên thu đổi các loại tiền kém chất lượng). Phía ngân hàng ở Singapore phản hồi sẽ chuyển thẳng cho ngân hàng trung ương của Nhật để giám định, ra quyết định thu đổi.

NM

- Suốt buổi giao lưu, cứ trả lời xong một câu hỏi của bạn đọc, chị Hồng lại không quên quay sang hỏi PV: “Cảm ơn giùm chị chưa?”, “Nhớ cảm ơn giùm chị”. Trong những câu chuyện trò ngắn của mình, chị cũng liên tục nhắc tới luật sư Hà Hải đã không quản ngại đồng hành cùng chị suốt thời gian qua, giúp đỡ hướng dẫn chị làm các thủ tục cần thiết. “Qua báo Pháp Luật TP.HCM, một lần nữa tôi muốn gửi lời cảm ơn đến những người đã ủng hộ tôi” - chị Hồng nhắn nhủ.

TH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm