Kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7

‘Chiến tranh mang đi tuổi xuân và một phần thân thể’

“Vào dịp này hằng năm, tấm lòng mỗi người Việt Nam được sống trong hòa bình, độc lập dường như lắng lại và rung lên những cung bậc sâu sắc với lòng biết ơn hàng triệu con người đã để lại nơi chiến trường một phần xương máu hoặc toàn bộ cuộc sống của mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân…”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ như trên tại buổi gặp mặt tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp tổ chức sáng 25-7.

Sớm giải quyết hồ sơ tồn đọng

Theo Thủ tướng, hằng năm ngân sách nhà nước dành hơn 32.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng.

Tuy nhiên, với con số hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú, Thủ tướng khẳng định chưa thể bằng lòng với kết quả đó. Bởi hiện cả nước còn một bộ phận thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng có cuộc sống còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những người, gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi.

“Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng…” - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng thăm hỏi các thương binh nặng tại buổi gặp mặt. Ảnh: N.LONG

Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng; quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công.

Cải cách thủ tục hành chính trong xác nhận người có công qua các thời kỳ kháng chiến, tạo điều kiện thuận lợi để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng, của Nhà nước. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách.

“Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, vận động để công tác này thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, thế hệ trẻ…” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn đó

Cũng tại buổi gặp mặt, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng kết thúc các cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt, hàng triệu người lính được trở về với gia đình, với quê hương thì cũng đã để lại sau lưng mình cả một thời thanh xuân tươi đẹp nhất cùng một phần thân thể.

“Với họ, nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn đó, các thương binh hằng ngày vẫn phải đối diện với những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời. Song khắc ghi lời Bác Hồ dạy, các thương binh đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục xây dựng gia đình, quê hương…” - ông Đào Ngọc Dung nói.

Nhắc đến thương binh Đào Đăng Nguyên (xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, Bắc Giang) bị địch bắt giam tại nhà tù Phú Quốc, ông Đào Ngọc Dung cho rằng trong chốn lao tù, người thương binh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, đau khổ cùng những đòn tra tấn vô cùng dã man, tàn bạo của địch nơi địa ngục trần gian, đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn không ngừng đấu tranh, giữ vững khí tiết, tin tưởng ở tương lai tất thắng của cách mạng.

“Ông được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Hiện nay ông là tấm gương trong xây dựng cuộc sống và đoàn kết nơi dân cư...” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng biểu dương các thương binh nặng dù đang sống cùng gia đình hay các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng đều có chung một ý chí, một nghị lực phi thường vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn, ổn định sức khỏe, ổn định đời sống để chăm lo xây dựng gia đình, cuộc sống. Đồng thời tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu tấm gương sáng trong cuộc sống học tập, lao động và công tác, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Còn nhiều đồng đội đang nằm nơi khe suối

Tại hội nghị, thương binh Nguyễn Văn Lộc (phường Tân An, thị xã La Gi, Bình Thuận), người nhiều năm qua cùng đồng đội tìm kiếm, cung cấp thông tin để các đơn vị quân đội quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ đưa về yên nghỉ, chia sẻ: “Chiến tranh kết thúc, chúng ta đã được trở về nhưng còn rất nhiều đồng chí, đồng đội vẫn nằm lại ở nơi khe suối, bìa rừng. Vì vậy chúng ta phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với những đồng đội đã ngã xuống. Chừng nào còn sống, còn sức khỏe thì hành trình tìm đồng đội vẫn chưa dừng lại”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm