Chim, thú trò chuyện - Bài 3: “Xin đừng làm tôi sợ!”

Sáng 6-12, nhiều du khách được dịp chứng kiến nhân viên Thảo Cầm Viên (TCV) khám bệnh cho sóc. Một con sóc đen trở chứng biếng ăn, nằm ủ rũ. Một nhân viên phải chạy đi tìm trứng kiến...

Trái gió trở trời thì hay bệnh

Thật ra sóc đen không ăn trứng kiến. Nhưng ở chung chuồng với sóc đen là tê tê. Muốn chích thuốc cho sóc đen thì phải dụ tê tê “giữ trật tự” bằng món khoái khẩu của nó, đó là trứng kiến. Con tê tê có thức ăn, cắm đầu vào máng ăn lia lịa. Nhờ thế, nhân viên mới chui được vào chuồng, lấy một cái thúng úp một đầu của hốc cây mà sóc đang nằm, đầu này thì lấy vợt to nhằm bắt sóc đen lại. Con sóc ốm đang nằm ỉu xìu, thấy động tĩnh bỗng phản ứng, phóng một phát khỏi hốc cây rồi leo thoăn thoắt lên cành cao nhất, nằm trên đó luôn. Đợi mãi nó chẳng chịu xuống mà đằng kia con tê tê đã ăn hết sạch trứng kiến rồi, muốn “quậy”. Thế là nhân viên vườn thú đành ra khỏi chuồng, đợi chiều con sóc về hốc cây nằm sẽ quay lại chích thuốc. Tất nhiên, lúc đó lại phải chuẩn bị món ăn khoái khẩu cho  tê tê để bạn ấy đừng quậy.

Nhiều khách tham quan đứng xem và thắc mắc. Một nhân viên vườn thú giải thích rằng mấy hôm nay trời lạnh hơn hẳn. Cứ trở trời, thay đổi thời tiết là các con vật dễ bị bệnh, y như người vậy thôi.

Chim, thú trò chuyện - Bài 3: “Xin đừng làm tôi sợ!” ảnh 1

“Xin chào! Đừng “thưởng” gì cho tôi nhé!”. Trong ảnh: Gấu ngựa ở TCV. Ảnh: Q.NHƯ

Chuyện chăm sóc thú hoang dã cũng có vui, buồn. Bác sĩ thú y Huỳnh Thị Tuyết Mai, Giám đốc Xí nghiệp Động vật TCV, kể có lần một con voi bị bệnh. Bác sĩ thú y đến khám và chăm mấy hôm rồi không sao. Hôm đó bác sĩ đến tái khám bỗng dưng con voi trở chứng hung dữ, không chịu cho tiếp cận. Một hồi sau, các nhân viên phỏng đoán các lý do, thật ra mọi thứ vẫn như cũ, chỉ có cái khác là mấy hôm trước bác sĩ thú y mặc áo khoác xanh, còn hôm nay khoác áo trắng. Bác sĩ đi đổi áo xanh, quay lại chuồng thì chú voi bình thường. Bởi thế, quy định hiện nay, các nhân viên phải mặc đồng phục để con vật có cảm giác an toàn.

Cái chết kỳ quái

Bà Mai kể nhiều con vật trong TCV chết vì bệnh, chết vì không thích ứng được môi trường mới nhưng cũng có những con chết rất kỳ quái. Ví dụ cách đây nhiều năm, một con đà điểu bỗng dưng chết. Khi mổ khám nghiệm con thú, các nhân viên lôi trong bụng nó ra gần… 30 cái khăn quàng đỏ!

Bà Mai cho rằng có lẽ các em học sinh khi vẫy khăn quàng thì con đà điểu bắt được. Có nhiều con vật ăn rất kén, phải đúng khẩu vị mới chịu ăn, còn đà điểu thì cái gì nó cũng nuốt vô bụng được. Có lẽ các em thấy con đà điểu nuốt khăn quàng đỏ nên khoái chí cho nó ăn thêm.

Đà điểu rất háu ăn và dạn người. Khách tham quan thích điều này nhưng lại rất nguy hiểm cho đà điểu vì nó dễ ăn những thứ mà du khách đưa cho. Sáng 6-12, có mấy du khách người nước ngoài đến xem đà điểu. Họ tỏ ra thích thú vì một chú đà điểu nằm sát hàng rào tha hồ cho họ chụp ảnh, một chú thơ thẩn đi dạo rồi bỗng mổ lia lịa vào cành cây ngoài hàng rào. Một du khách thấy chú ta gần quá, bèn bứt nắm cỏ nhỏ dưới chân chìa cho đà điểu. Tôi đành ngăn lại và chỉ tấm biển tiếng Việt “Cấm cho thú ăn” để giải thích cho du khách này biết. Hơi tiếc một chút là hầu hết các chuồng thú đều có cảnh báo nhưng chỉ có tiếng Việt, chưa có tiếng Anh, trong khi khách nước ngoài đến đây khá nhiều.

Bà Mai kể thêm, cũng có trường hợp du khách mang trái cây vào TCV cho thú ăn, họ tưởng là con thú thích ăn. Thế nhưng con vật thì cũng như ta thôi, có món ta ăn hợp, có món người khác ăn bình thường nhưng ta ăn vào lại bị dị ứng, có món người khác khen thơm, ngon nhưng ta không chịu được cái mùi. Ở TCV có nhiều con voọc. Khách thấy voọc thì cũng như khỉ, vượn, đười ươi thôi, thấy khỉ ăn chuối thì cũng cho voọc ăn chuối. Thực ra voọc chỉ ăn được lá cây. Cơ chế tiêu hóa của voọc, nói về khoa học thì cũng như trâu, bò vậy. Cho trái cây thì voọc cũng ăn luôn. Thế nhưng trái cây có đường, vào bao tử voọc sẽ lên men làm trướng khí, sình bụng, con voọc lập tức bị rối loạn tiêu hóa. Nếu không kịp phát hiện thì nó có thể chết một cách vô duyên vậy đó.

Chim, thú trò chuyện - Bài 3: “Xin đừng làm tôi sợ!” ảnh 2

Nên thêm tiếng Anh vào bảng cảnh báo để khách nước ngoài biết. Ảnh: Q.NHƯ

Gấu ngựa thích chào

Không phải lúc nào vào TCV ta cũng có thể xem được thú vì chúng có thể nằm trong góc khuất, rúc vào chuồng phía trong, đang ngủ hoặc đang trốn…

Ví dụ, sáng 6-12, một nhóm học sinh đi xem hà mã nhưng í ới mãi mà chú hà mã chẳng thèm lên bờ. Bình thường, khách tham quan chỉ thấy phần lưng chú hà mã nhô lên mặt nước một tí. Tôi cũng thường đến TCV nhưng chỉ có một lần được thấy hà mã và kinh ngạc vì sự đồ sộ của nó. Thật ra, nếu kiên nhẫn đứng chờ thì cũng có thể gặp chuyện ngộ nghĩnh từ các động vật. Tuy nhiên, nhiều du khách thấy con thú đang ngủ thì lại nổi tính tò mò, dùng đá ném vào con thú để xem nó có dậy hay không!

Nhiều con thú thích ngủ, nhiều con lại thích vận động. Trong TCV có mấy chú gấu ngựa rất hiếu khách. Thường thấy các chú tươi tỉnh, đi vòng quanh hào nước. Hễ thấy nhóm khách mới đến, đứng vòng quanh hào nước là các chú bắt đầu đứng dựng trên hai chân sau, còn hai chân trước giơ lên cao như nghi thức chào khách.

Nhiều du khách rất vui khi được gấu ngựa chào. Khổ nỗi nhiều người, có lẽ vui quá nên tiện tay ném “thưởng” cho gấu ngựa những thức ăn, trái cây mà họ có. Thậm chí có người nhặt sỏi, đá ném vào gấu ngựa. Có lẽ họ không có ý làm chú gấu ngựa bị thương, bị đau, có lẽ họ chỉ muốn “hưởng ứng” lời chào của gấu ngựa nhưng không biết rằng điều đó đã làm gấu ngựa buồn bực.

Còn rất nhiều chuyện kỳ lạ về các con vật ở TCV. Mỗi ngày, ở đây lại có thêm một câu chuyện mới về các con thú, có chuyện vui, có chuyện buồn, có những phát hiện ngộ nghĩnh lạ lùng để chia sẻ kinh nghiệm với vườn thú các nơi. Mỗi con thú làm bạn vui, làm bạn thấy thú vị, khiến bạn cười sảng khoái… đều cất riêng cho nó những nỗi buồn, những cơn đau mà chỉ có nhân viên vườn thú thân thiết, chăm sóc hằng ngày cho nó mới biết được. Khi bạn biết được những chuyện này, khi đến TCV thăm chúng, xin đừng chọc phá hay cho chúng ăn, bạn nhé!

Ở TCV không chỉ có động vật mà còn có cỏ hoa. Cỏ hoa không biết đòi massage, không cần nuôi bộ, không cần đỡ đẻ, không biết gầm gừ hay la chí chóe, cũng không bị đầy hơi trướng khí bao giờ… Thế nhưng cỏ hoa cũng có những câu chuyện buồn vui riêng, thú vị không kém động vật. Nhưng đó là chuyện khác, xin được kể vào dịp khác.

Hàng rào mềm

TCV đã có nhiều cải tiến nhằm tạo không gian thoải mái, gần gũi thiên nhiên hơn cho khách tham quan, ví dụ như chuyển từ lưới sắt thành tấm kính, làm hàng rào thấp hơn… Nhờ đó khách dễ quan sát chim, thú mà không vướng tầm nhìn, chụp ảnh cũng trọn vẹn và đẹp hơn, không còn cảm giác giam hãm chim, thú nữa.

Thế nhưng điều lo ngại nhất là ý thức của du khách. Ví dụ, TCV có thả rông công, gà sao. Khách tham quan có thể muốn bắt con công để xem chơi thôi chứ không có ý làm hại nó nhưng họ không biết là làm như vậy con vật sẽ sợ hãi và lủi vào góc nào đó, bỏ ăn, bỏ uống. Ở vườn thú nước ngoài ta ít thấy nhân viên bảo vệ, nếu có thì mục đích là bảo vệ du khách. Còn ở TCV thì có rất nhiều bảo vệ mà công việc thường xuyên của họ là phải bảo vệ con thú khỏi sự chọc phá của con người!

QUỲNH NHƯ

(*) Truyện Cuộc đời của Pi của Yann Martel kể về cậu bé tên Pi, con của một chủ vườn thú. Truyện có nhiều đoạn kể về cuộc sống trong vườn thú, tập tính của các con thú rất thú vị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm