Chính biến Myanmar: Dân phản đối, bác sĩ đòi đình công

Người dân Myanmar đã dùng nhiều hình thức để thể hiện thái độ phản đối việc quân đội bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo chính quyền dân sự rồi lên nắm quyền, kênh Channel News Asia hôm 3-2 đưa tin.

Người dân Myanmar trên ban công căn hộ liên tục gõ các dụng cụ nhà bếp và hô các khẩu hiệu phản đối chính biến. Những hình ảnh này được quay lại và đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Một người dùng Facebook viết rằng "Để thể hiện sự ủng hộ đối với nền dân chủ của Myanmar, từ nhà của mình, hãy tạo ra tiếng ồn lớn nhất có thể bằng cách gõ vào bất kỳ thứ gì bạn có thể tìm thấy (xoong và chảo) và hét lên tiếng lòng trong trái tim chúng ta".

Cư dân thành phố Yangon tên là San Tint cho biết: “Truyền thống của người Myanmar là xua đuổi tà ác hoặc nghiệp xấu bằng cách đập vào xô thiếc hoặc kim loại”.

Người dân Myanmar "khua chiêng gõ trống" phản đối chính biến. Ảnh: AFP

Bên cạnh đó, các tài xế ở Myanmar cũng tập hợp vào buổi tối và liên tục bóp còi ô tô nhằm kêu gọi phản đối chính biến. 

Những người dùng mạng xã hội nói rằng họ đã hát quốc ca hoặc khóc khi nghe tiếng còi và tiếng gõ của kim loại.

Trên Facebook, một số người dùng đã thay đổi ảnh đại diện của họ thành ảnh của bà Suu Kyi hoặc đổi thành màu đỏ - màu sắc đặc trưng của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Bên cạnh đó, họ còn kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của các công ty có liên quan đến hoạt động kinh doanh của quân đội.

Không chỉ có vậy, các bác sĩ tại ít nhất 20 bệnh viện công cũng đã tập hợp thành một chiến dịch phản đối chính biến, chống lại các các vị tướng đã bắt giữ bà Suu Kyi và các quan chức Myanmar khác.

Các bác sĩ này cảnh báo sẽ đình công mặc cho tình hình COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nước này.

Một số người dân đập gõ đồ kim loại phản đối quân đội Myanmar. Ảnh: AFP

Một bác sĩ tham gia chiến dịch phản đối chính biến tên là Myo Thet Oo nói rằng họ không chấp nhận một chính phủ không được bầu cử. Họ lo ngại rằng các tướng lĩnh quân đội sẽ bắt bớ họ bất cứ lúc nào và các bác sĩ này đã quyết định không đến bệnh viện làm việc. 

Cựu trợ lý giám đốc một bệnh viện cho biết các bác sĩ kết nối với nhau trong mạng lưới y tế và họ mong muốn và lan tỏa chiến dịch trên toàn quốc.

Hiện hãng tin Reuters chưa thể liên lạc với phía quân đội Myanmar để đưa ra bình luận về việc các bác sĩ đòi đình công nói riêng và vấn đề bất đồng chính kiến nói chung. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới