Chính phủ lâm thời Ai Cập từ chức

Sáng 22-11 theo giờ địa phương, biểu tình ở Ai Cập đã bước sang ngày thứ tư. Hàng chục ngàn người tiếp tục bám trụ tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo.

Xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát lên mức đỉnh điểm vào trưa cùng ngày. Hãng tin nhà nước Ahram của Ai Cập cho biết chỉ trong vòng 2 tiếng đã có 500 người bị thương, tức trung bình 5 giây có một người bị thương. Số liệu này chưa được xác minh.

Hãng tin CBS (Mỹ) cho biết ba sinh viên Mỹ tại ĐH Mỹ ở Cairo bị bắt trong biểu tình.

Những người biểu tình tuyên bố sẽ không giải tán chừng nào các yêu cầu sau đây được đáp ứng: Chủ tịch Hội đồng quân sự tối cao Hussein Tantawi từ chức và thành lập một chính phủ không lệ thuộc Hội đồng quân sự tối cao.

Hôm trước đó, chính phủ lâm thời của Thủ tướng Essam Sharaf đã đệ đơn từ chức. Hội đồng quân sự tối cao đã chấp thuận đơn. Chính phủ vẫn tiếp tục công việc đến khi chính phủ mới được thành lập.

Chính phủ lâm thời Ai Cập từ chức ảnh 1

Ngày 22-11, biểu tình ở thủ đô Cairo (Ai Cập) đã bước sang ngày thứ tư. Ảnh: AP

Hội đồng quân sự tối cao đang xem xét bổ nhiệm ông Mohamed ElBaradei, nguyên giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, làm thủ tướng mới.

Ngày 22-11, Hội đồng quân sự tối cao bắt đầu thương lượng với các tổ chức chính trị nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị hiện tại.

Trước đó, Hội đồng quân sự tối cao đã ban hành luật chống tham nhũng. Luật cấm người bị buộc tội tham nhũng ra tranh cử. Động thái này có vẻ như muốn xoa dịu người biểu tình.

Một số đảng phái chính trị, trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo, đã lên án quân đội và cảnh sát sử dụng bạo lực trấn áp biểu tình, đồng thời tố cáo Hội đồng quân sự tối cao ngăn cấm vận động tranh cử.

Đảng Tự do và Công lý thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo đổ lỗi cho Hội đồng quân sự tối cao về tình hình bạo lực hiện nay và đề nghị truy tố Bộ trưởng Nội vụ Mansour El-Eissawy về tội giết hại người biểu tình.

Liên minh Cách mạng tuổi trẻ và 37 tổ chức chính trị đề nghị người biểu tình yêu cầu Hội đồng quân sự tối cao sa thải chính phủ của Thủ tướng Essam Sharaf và cải cách toàn diện Bộ Nội vụ.

Lo ngại biểu tình sẽ cản trở bầu cử Quốc hội ngày 28-11, tổ chức Anh em Hồi giáo đã lên tiếng kêu gọi người biểu tình trở về nhà. Tuy nhiên, những người biểu tình lên án tổ chức Anh em Hồi giáo chơi trò nước đôi giữa người biểu tình và Hội đồng quân sự tối cao nhằm kiếm phiếu bầu.

Ngày 22-11, thị trường chứng khoán Ai Cập ngừng giao dịch 30 phút do hai chỉ số EGX30 và EGX20 giảm sâu 4,5% vì các nhà đầu tư lo lắng trước tình hình biểu tình căng thẳng.

Ngày 22-11, Bộ Ngoại giao Ba Lan khuyến cáo công dân không nên đến Ai Cập. Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng đề nghị các bên ở Ai Cập kiềm chế để quá trình chuyển tiếp dân chủ được thực hiện đúng trình tự thời gian. Bộ Ngoại giao của Đức và của Trung Quốc tuyên bố hy vọng các bên ở Ai Cập thương lượng giải quyết bất đồng để bầu cử Quốc hội diễn ra suôn sẻ. Tổ chức Ân xá quốc tế nhận định tình hình nhân quyền ở Ai Cập hiện nay còn tệ hơn thời Tổng thống Hosni Mubarak.

THIÊN ÂN - LÊ LINH (Theo AP, Ahram Online, Washington Post)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm