Chính quyền đô thị TP.HCM: Sức bật mới cho phát triển

“Không phải là mừng mà là rất mừng nhưng cũng rất lo vì vấn đề này rất mới” - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Quyết Tâm (ảnh), nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM ngày 16-11 sau khi QH thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.HCM. Bà Quyết Tâm là một trong những người cùng nhiều thế hệ lãnh đạo TP đeo đuổi, kiến nghị một cơ chế thông thoáng hơn, phù hợp hơn với đòi hỏi từ thực tiễn của TP.HCM.

Bà Tâm nói: “Tuy TP.HCM đã đeo đuổi mô hình CQĐT từ khi sửa đổi Hiến pháp 2013, rồi dịp sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhưng thực sự chúng tôi cũng cảm thấy rất lo lắng”.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: TTXVN

Quốc hội đã tin tưởng, TP.HCM sẽ nỗ lực hành động

. Phóng viên: Vì sao lại như vậy, thưa bà?

+ Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Như anh thấy, các ĐBQH đã rất ủng hộ TP.HCM, ủng hộ đề án và cũng đặt ra nhiều vấn đề, kiến nghị nhiều giải pháp để hoạt động của CQĐT TP.HCM hiệu quả hơn. Đặc biệt, các ĐB quan tâm đến hoạt động giám sát, không chỉ của HĐND mà còn của nhân dân, MTTQ… để hoạt động này không bị lỏng lẻo, đứt khúc. Các ĐB cũng rất quan tâm đến việc phát huy quyền dân chủ trực tiếp và đại diện của nhân dân sẽ được triển khai, phát huy như thế nào.

Với những quan tâm của ĐBQH và của QH dành cho TP.HCM như vậy, chúng tôi thấy cũng có nhiều nỗi lo. Bởi QH đã tin tưởng, giao cho TP một cơ chế, thể chế mới như vậy thì TP phải thực hiện CQĐT một cách hiệu quả, khắc phục được những hạn chế đã được làm rõ khi tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND quận/huyện, phường/xã trước đây.

Tăng đại biểu chuyên trách, tăng năng lực giám sát

. Tuy nhiên, QH cũng đã chấp thuận phương án tăng ba ĐB chuyên trách cho HĐND TP như đề nghị của bà tại QH hôm trước. Liệu rằng ba ĐB chuyên trách này có bù đắp được số lượng các ĐB HĐND cấp quận, phường được giảm đi lần này không, thưa bà?

+ Trong suốt quá trình tôi tham gia góp ý đề án này thì tôi không có ý tăng ĐB chuyên trách là sẽ bù đắp được những ĐB ở cấp quận, phường - nơi không tổ chức HĐND tới đây. Bởi thực chất thì ở một TP lớn như TP.HCM, chính quyền cấp quận, phường là một cấp trung gian, chức năng cũng không được phân định rạch ròi, có tình trạng chồng chéo, trùng lặp chức năng của cơ quan cấp trên. Chẳng hạn, phần lớn quyết định của HĐND cấp quận là “quyết định lại” những vấn đề về kinh tế - xã hội, quy hoạch mà HĐND TP đã quyết định. Vấn đề ngân sách cũng không tự chủ được.

Trong khi đó, HĐND TP đại diện cho toàn thể nhân dân TP, là cơ quan quyền lực của TP quyết định những vấn đề phát triển cho cả TP. Như thế sẽ tránh được các vấn đề chồng chéo, trùng lặp như tôi nói ở trên.

. Có thể công tác giám sát của HĐND TP sẽ nặng hơn, khó thực hiện hơn tới đây không, thưa bà?

+ HĐND TP giám sát không chỉ chính quyền mà còn giám sát tư pháp, không chỉ ở cấp TP mà còn cấp quận, rồi còn phải giám sát cả nhà tạm giam, tạm giữ… Yêu cầu đặt ra là phải tăng cường năng lực hoạt động của HĐND TP. Vì vậy, giải pháp quan trọng là tăng ĐB chuyên trách cho HĐND TP.

Nếu nói “cách cơ học” là tăng ba ĐB chuyên trách có bù được cho các HĐND quận, phường không còn tổ chức nữa không thì có vẻ không ổn. Bởi vấn đề không phải như vậy. Đối với TP hay các tỉnh, thành khác cũng vậy, cơ chế, thể chế của mình có nhiều ĐB kiêm nhiệm, mà đã kiêm nhiệm thì không dành nhiều thời gian cho hoạt động của HĐND được. Mặt khác, chúng ta còn nặng cơ cấu lắm, cho nên với cơ cấu như vậy, nếu không tăng ĐB chuyên trách thì ĐB HĐND không thể gánh gồng cùng với thường trực và HĐND TP được.

. Vậy chúng ta nên hiểu vấn đề như thế nào?

+ Tôi nói điều này để anh chia sẻ. Nguyên lý là: Giả sử thường trực HĐND có một chủ tịch và một phó chủ tịch chuyên trách, nếu tổ chức giám sát thì sẽ tổ chức được hai đoàn giám sát. Nếu có một chủ tịch, hai phó chủ tịch chuyên trách thì khi cần giám sát sẽ có thể tổ chức được ba đoàn giám sát do ba vị ấy đứng đầu.

Tăng ĐB chuyên trách là tăng năng lực giám sát của thường trực HĐND là lý do như vậy. Hay mỗi ban của HĐND có một trưởng, hai phó chuyên trách thì cũng có thể thành lập được ba đoàn giám sát như vậy trong trường hợp cần thiết. Tăng ĐB chuyên trách là tăng năng lực giám sát của HĐND lên rất, rất nhiều.

Mặt khác, chuyên trách tức là một ĐB sẽ dành 100% thời gian cho hoạt động của HĐND. So với một ĐB kiêm nhiệm, phó ban, trưởng ban kiêm nhiệm thì hoạt động của HĐND khác rất nhiều. Thêm một hay hai ĐB chuyên trách tức là tần suất hoạt động của ĐB chuyên trách đó sẽ tăng lên.

Các đại biểu nhấn nút biểu quyết nghị  quyết về chính quyền đô thị tại TP.HCM. Ảnh: QH

Giải quyết nhanh các vấn đề của dân

.Vậy chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của HĐND TP cũng sẽ tăng lên phải không?

+ Đúng vậy, khi tăng cường ĐB HĐND chuyên trách, có năng lực, toàn tâm, toàn ý, toàn thời gian cho hoạt động đó thì công tác nghiên cứu, việc đeo bám vấn đề, thẩm tra tài liệu để trình ra HĐND thì HĐND sẽ đầy đủ cơ sở để xem xét, thảo luận quyết định tốt hơn. Như vậy, ĐB chuyên trách nhiều thì hoạt động của HĐND sẽ hiệu quả hơn. Điều đó cũng có nghĩa là năng lực hoạt động của HĐND cả trên ba phương diện đại diện quyền làm chủ, giám sát và quyết định các vấn đề của TP tốt hơn. Tăng ĐB chuyên trách là tăng cả quyền lực, tính chuyên nghiệp cho HĐND TP.

. Với người dân, chính quyền ở những nơi không còn tổ chức HĐND nữa thì việc kiến nghị, đề xuất sẽ diễn ra như thế nào?

+ Hiện TP có 19 quận, nếu đề án “thành phố trong thành phố” được triển khai thì TP còn 16 quận, năm huyện. ĐB chuyên trách tăng lên 19 như nghị quyết thì chúng ta sẽ có điều kiện để bố trí một ĐB HĐND chuyên trách ngay tại các đơn vị không có HĐND. ĐB chuyên trách này sẽ theo dõi, “nằm vùng” ở đó. Dân cần gì, chính quyền cần gì là tìm ngay đến ĐB này.

Họ nắm vấn đề chắc và những đề xuất sẽ trực tiếp hơn, bớt được tầng nấc, không cần theo trình tự phường đề xuất lên quận, quận đề xuất lên TP như trước đây nữa. Dân, chính quyền cần gì thì ĐB đó sẽ làm việc trực tiếp với thường trực HĐND, ĐB đó có quyền gặp trực tiếp bất kể ai trong chính quyền, từ chủ tịch đến phó chủ tịch UBND TP, quận, phường. Quyền lực mà anh đề cập hồi nãy là nó cũng khác, vì đây là ĐB của cấp HĐND TP chứ không phải là của HĐND cấp quận, phường như xưa.

Giám sát cấp thành phố cũng khác với cấp quận và sẽ có thể giải quyết nhanh các vấn đề của dân.

Có người sẽ thiệt thòi nhưng sẽ đồng lòng để TP phát triển

. Một thực tế là khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường thì biên chế sẽ dôi dư. TP sẽ tính toán vấn đề này như thế nào?

+ Tôi về hưu rồi cũng không nắm được đầy đủ lắm. Tuy nhiên, kinh nghiệm thì TP đã có từ năm 2007-2009 khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp quận/huyện, phường. Lần này, trước khi trình đề án CQĐT ra QH thì TP cũng đã có một lộ trình xử lý vấn đề này. TP sẽ thống kê cán bộ, công chức, viên chức ở những nơi không tổ chức HĐND xem dôi dư bao nhiêu, rà soát các vị trí đang cần bố trí và có cả chính sách cụ thể.

Có thể có người mong muốn được bố trí ở những vị trí có thể phát huy được chuyên môn sâu của họ, cũng có thể có người sẽ ra ngoài làm kinh tế. Nói chung TP luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và có chính sách để anh em ổn định cuộc sống. Hồi năm 2007, lần đầu tiên thí điểm, anh em cũng tâm tư, lo lắng nhưng sau đó TP cũng lắng nghe để trao đổi, sắp xếp bộ máy hợp lý và có chính sách phù hợp thì mọi người ủng hộ thôi.

Tôi muốn nói điều này, đồng bào và cán bộ, công chức, viên chức của TP bao giờ cũng ủng hộ cái mới để TP phát triển. Không thể không có thiệt thòi cá nhân, không thể không có chút buồn nhưng vì việc chung thì mọi người cũng đồng lòng để TP phát triển. Điều đó đã là truyền thống rồi!

. Xin trân trọng cám ơn bà.

 
Chính quyền đô thị TP.HCM: Sức bật mới cho phát triển ảnh 3
 

ĐBQH PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM:

Phải thực hiện thật tốt, vì cả nước, cùng cả nước

Đây không chỉ là một sự tin tưởng của QH dành cho TP.HCM, mà còn là việc thực hiện trách nhiệm một cách tốt nhất của TP đối với cử tri, với nhân dân TP.HCM thông qua đề án về CQĐT. Đây không phải là một áp lực gì cả, mà TP đã có thời gian trải nghiệm hơn tám năm về vấn đề này.

Trách nhiệm của TP.HCM bây giờ là phải thực hiện thật tốt mô hình CQĐT theo tinh thần TP vì cả nước. Đây là lúc các điều kiện chín muồi và mong mỏi của người dân, của cử tri, chính quyền TP đã được đáp ứng.

Nghị quyết sẽ tạo ra sức bật mới cho TP.HCM, phát huy được lợi thế trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Vị trí, vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, có những bước phát triển mới trong quá trình thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về việc phát triển TP.HCM “đi trước về trước” tạo thành xung lực để TP.HCM thành hạt nhân của kinh tế vùng.

Về vấn đề vướng mắc khi triển khai, có lẽ là công tác cán bộ. Việc sắp xếp, bố trí lại cán bộ là hết sức quan trọng, mấu chốt. Do vậy, vấn đề chất lượng cán bộ phải rất cao để thực hiện đề án một cách tốt đẹp, thuận lợi. Chính từng cán bộ tự rà soát, khảo nghiệm mình xem có đáp ứng được với yêu cầu của CQĐT hay không.

Việc sắp xếp, sàng lọc, bố trí lại cán bộ là điều tất nhiên nhằm bảo đảm CQĐT vận hành tốt nhất.

Chính quyền đô thị TP.HCM: Sức bật mới cho phát triển ảnh 4

ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

 Phải hành động ngay

Với 420/428 ĐBQH có mặt tán thành thông qua nghị quyết, điều đó thể hiện sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của QH đối với Đề án CQĐT TP.HCM. Nghị quyết này sẽ giúp cho TP.HCM tổ chức bộ máy tinh gọn, vận hành tốt hơn nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước để đáp ứng cho một TP năng động nhưng dân số rất đông.

Việc quan trọng lúc này là tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

TP.HCM phải hành động ngay từ bây giờ, bởi đến kỳ QH khóa XV và bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, chúng ta phải tổ chức sắp xếp bộ máy cán bộ cho hợp lý. Việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền của chủ tịch UBND TP cho chủ tịch UBND các quận, huyện đặt trong bối cảnh chính quyền địa phương quận, phường chỉ còn là ủy ban hành chính, phải hết sức khẩn trương, cụ thể.

Ngoài ra, trong nghị quyết của QH đã đề cập đến mô hình cấp chính quyền TP trong TP với chức năng, nhiệm vụ của HĐND, của chủ tịch UBND TP trong TP. Điều này cũng cần phải được khẩn trương thực hiện để đảm bảo sự đồng bộ, hợp lý.

Chính quyền đô thị TP.HCM: Sức bật mới cho phát triển ảnh 5

ĐBQH BÙI SỸ LỢI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội:

Thành phố dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

QH cho TP.HCM thực hiện CQĐT là điều rất đúng đắn, quan trọng là triển khai thế nào. Chúng ta không giảm biên chế một cách cơ học mà căn cứ vào tình hình bố trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ để bộ máy hoạt động hiệu quả. Nếu bỏ bớt biên chế mà không hoàn thành nhiệm vụ thì nguy hiểm hơn.

Thực hiện CQĐT thì khi tổ chức phải thấy rõ hiệu quả. Cải cách hành chính phải được đổi mới, không còn câu chuyện dân tiếp xúc chính quyền khó khăn nữa. Đối với TP.HCM thì thực hiện CQĐT không chỉ cho TP phát triển mà còn cho các địa phương nhìn vào thực hiện cho tốt. Xu hướng chung là phải giảm bớt bộ máy, cũng có nghĩa là giảm bớt thủ tục hành chính.

Khi bỏ HĐND cấp quận, phường, bộ máy muốn đảm đương được nhiệm vụ thì năng lực cán bộ phải được nâng lên, phải tập huấn kỹ năng và sớm có bước đào tạo cán bộ kế cận cho lớp cán bộ hiện nay. Gánh nặng sẽ đè lên HĐND TP, Đoàn ĐBQH TP, cho nên có thể trong những năm đầu tiên sẽ phải tăng số lượng ĐB HĐND như đề nghị nâng lên 19 ĐB chuyên trách. QH đã đồng thuận. Khi năng lực, trình độ của bộ máy đã trơn tru thì có thể xem xét lại.

Qua cách thức xây dựng đề án của TP.HCM, tôi thấy quyết tâm của TP rất cao, thể hiện quyết tâm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu để TP phát triển. Nếu không có các địa phương đi đầu như TP thì chúng ta không có những mô hình mới.

Chính quyền đô thị TP.HCM: Sức bật mới cho phát triển ảnh 6

Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM:

Chính quyền đô thị sẽ giải quyết việc của dân hiệu quả hơn

Khi hay tin Quốc hội (QH) thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.HCM, tôi rất vui. Vì đó là một nghị quyết rất cần thiết và phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc thù như TP.HCM. Nghị quyết này cũng đáp ứng yêu cầu cải cách và phát triển của TP.HCM. 

Coi như những kỳ vọng, ấp ủ suốt 13 năm của TP đến giờ này đã được QH lắng nghe. Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao của lãnh đạo TP.HCM trước QH, trước nhân dân.

Với việc QH thông qua nghị quyết này, tôi cho rằng đó cũng là một bước đột phá trong cải cách về thể chế, cũng như việc tinh gọn bộ máy, nâng cao trách nhiệm của cán bộ và công chức, từ đó tạo điều kiện cho TP phát triển.

Tổ chức CQĐT một khi đã vận hành sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý, điều hành của chính quyền TP và qua đó sẽ tạo ra động năng mới cho sự phát triển của TP.HCM. Bởi lẽ nó sẽ tạo điều kiện cho bộ máy chính quyền hoạt động xuyên suốt, hiệu lực và hiệu quả, giảm tầng nấc, tránh được sự trùng lặp về chức năng và nhiệm vụ, giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp được nhanh và hiệu quả hơn, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Một vấn đề quan trọng khác, khi không tổ chức HĐND ở quận, phường thì chức năng, quyền giám sát được giao cho HĐND TP, các đại biểu HĐND TP. Cạnh đó còn có cơ chế giám sát của QH, đoàn đại biểu QH, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc thực hiện dân chủ trực tiếp sẽ được tăng cường như xin ý kiến người dân đối với những vấn đề quan trọng, đẩy mạnh trách nhiệm giải trình, đối thoại, tiếp dân của người đứng đầu cơ quan chính quyền các cấp với dân…

Với nghị quyết này, tôi kỳ vọng sẽ có sự thay đổi không chỉ là việc thay “chiếc áo đã quá chật” mà sự chuyển động của mô hình mới sẽ gắn với đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền TP.HCM, bảo đảm sự ổn định và phát triển.

Theo tôi, để thực hiện nguyên tắc CQĐT chủ yếu là quản lý theo ngành, lĩnh vực, sẽ phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện cần cho giám đốc sở, ngành.

Theo đó, cần khuyến khích, tiến tới áp dụng chế độ thủ trưởng trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Cần quy định rõ và nâng cao trách nhiệm công vụ của công chức ở từng việc, từng khâu trong quy trình xử lý công việc. Từ đó cũng hạn chế được rủi ro cho cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Khi có sai sót thì quy được trách nhiệm cụ thể trong từng khâu, từng việc đó theo cách “mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”. TÁ LÂM ghi

Một số nội dung đáng chú ý của nghị quyết (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021)

1. Về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM

- Chính quyền địa phương ở TP.HCM (sau đây gọi là TP) là cấp chính quyền gồm có đầy đủ HĐND TP và UBND TP.

- Các quận, phường sẽ không còn tổ chức HĐND mà chỉ còn UBND. Đây là các cơ quan hành chính nhà nước tương ứng với mỗi cấp.

- Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, TP (thuộc TP), xã, thị trấn của TP được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Như vậy, nếu đề án TP Thủ Đức được thông qua thì TP này thuộc TP.HCM và TP Thủ Đức có đầy đủ HĐND và UBND.

2. Về thẩm quyền của HĐND TP, UBND TP, chủ tịch UBND TP

 - HĐND TP có quyền quyết các vấn đề liên quan đến ngân sách, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của quận; giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường thuộc quận. HĐND TP cũng sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND quận…

- ĐB HĐND TP có quyền chất vấn chủ tịch UBND quận, chánh án TAND quận, viện trưởng VKSND quận.

- UBND TP quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho UBND quận. Phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của UBND quận; quyết định thành lập, tổ chức lại hoặc giải thể cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận…

- Chủ tịch UBND TP có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận; đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận.

- Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND phường trực thuộc và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận.

3. Về HĐND TP và UBND TP trong TP

- HĐND TP thuộc TP có quyền quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình. HĐND TP thuộc TP còn giám sát hoạt động của UBND, chủ tịch UBND phường trực thuộc…

UBND TP thuộc TP có nhiệm vụ xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định các nội dung theo quy định tại nghị quyết này và tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND; quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho UBND phường trực thuộc…

Chủ tịch UBND TP thuộc TP có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức phường trực thuộc... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm