2014, chưa xây dựng Luật Biểu tình

Ngày 23-5, QH đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) trình bày tờ trình về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và năm 2014. Theo đó, Ủy ban TVQH không tán thành với đề xuất của Chính phủ đưa Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Căn cước của công dân, Luật Tiền lương tối thiểu… vào chương trình năm 2014.

Lý do được Ủy ban TVQH đưa ra là tại một kỳ họp QH chỉ có thể thông qua 10-13 luật. Trong khi đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được thông qua vào cuối năm 2013 nên năm 2014 sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhiều luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các luật phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Với các luật không được đưa vào chương trình làm luật 2014 kể trên, Ủy ban TVQH đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan vẫn tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và chuẩn bị để khi có điều kiện sẽ bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của từng năm cụ thể.

Được biết ngoài đề nghị của Chính phủ thì đại biểu QH TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an TP Hà Nội) cũng đề nghị đưa Luật Biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8-2014. Ngoài ra, Chính phủ và Đoàn đại biểu QH tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị đưa Luật Trưng cầu ý dân vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp QH thứ 8-2014.

2014, chưa xây dựng Luật Biểu tình ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2014. Ảnh: TTXVN

Tạm trú hai năm mới được nhập cư vào nội thành

Cùng ngày, QH cũng đã nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, dự thảo lần này đã sửa đổi điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương theo hướng: Công dân phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ một năm trở lên đối với khu vực ngoại thành và hai năm đối với khu vực nội thành. Đồng thời, phải có chỗ ở bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Dự thảo cũng bổ sung quy định “thoáng” hơn khi cho phép thông báo lưu trú thông qua mạng Internet, mạng máy tính. Tuy nhiên, việc quản lý sổ hộ khẩu thì bị “siết” lại bằng quy định: Sổ tạm trú chỉ có thời hạn tối đa 24 tháng (quy định hiện hành là không xác định thời hạn).

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về nội dung trên, Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như trên chỉ khiến phát sinh thêm thủ tục hành chính chứ không có hiệu quả gì trong việc quản lý tạm trú. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị không sửa đổi nội dung này mà giữ như quy định hiện hành để tránh tăng thêm thủ tục hành chính cho người dân.

2014, chưa xây dựng Luật Biểu tình ảnh 2

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm