LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 1-7

Cho dân hai quyền chọn lựa

Từ ngày 1-7, Luật Tố tụng hành chính với rất nhiều quy định được đánh giá là “hướng mở nhân văn” sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khởi kiện vụ án hành chính.

TS Đào Thị Xuân Lan, Chánh Tòa Hành chính TAND Tối cao, cho biết: Khác với Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính dùng phương pháp liệt kê (giới hạn 22 loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án - PV), Luật Tố tụng hành chính quy định các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo phương pháp loại trừ (xem box).

Có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai: Vẫn kiện được

. Nhiều người dân rất quan tâm đến cách thức khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính. Bà có thể nói rõ hơn quyền khởi kiện thẳng ra tòa án?

TS Đào Thị Xuân Lan: Pháp lệnh hiện hành bắt buộc người khởi kiện phải thực hiện thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện. Thế nhưng Luật Tố tụng hành chính đã loại bỏ điều kiện này. Từ ngày 1-7, khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước thì cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tác động có thể lựa chọn một trong hai cách là khởi kiện ngay ra tòa án hoặc thực hiện thủ tục khiếu nại trước, sau đó mới khởi kiện.

Theo Pháp lệnh thì các quyết định giải quyết khiếu nại không phải là đối tượng bị khởi kiện. Hạn chế này không những gây khó khăn, vướng mắc cho tòa án về thẩm quyền trong việc xem xét tính hợp pháp của quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, mà còn gây khó khăn cho cả người đi khởi kiện khi quyết định giải quyết khiếu nại lần hai được ban hành không đúng quy định của pháp luật. Luật Tố tụng hành chính cũng đã khắc phục được việc này.

Cho dân hai quyền chọn lựa ảnh 1

Tới đây, người dân có thể kiện ngay ra tòa khi không đồng ý với quyết định hành chính. Ảnh minh họa: HTD

. Tới đây, số lượng các vụ án hành chính có thể sẽ tăng lên đáng kể. Bộ máy của ngành tòa án có đủ sức giải quyết?

+ Trong điều kiện hiện nay thì đúng là ngành tòa án có gặp khó khăn. Tuy nhiên, lãnh đạo TAND Tối cao đã có công văn gửi tòa án các tỉnh, TP lưu ý các tòa án cần chủ động tăng cường thẩm phán xét xử án hành chính trong đơn vị mình quản lý. Nguồn thẩm phán dành để xét xử các vụ án hành chính phải là những thẩm phán có nhiều kinh nghiệm chứ không phải là những thẩm phán mới được bổ nhiệm. TAND Tối cao cũng sẽ tập huấn những quy định của Luật Tố tụng hành chính để các thẩm phán dễ nắm bắt công việc.

TAND Tối cao đang thành lập các đoàn (do các phó chánh án TAND Tối cao làm trưởng đoàn cùng với lãnh đạo các đơn vị) đi khảo sát trên cả nước để kiểm tra việc thực hiện chỉ thị nêu trên của chánh án TAND Tối cao.

Xem xét lại “án đụng trần”

. Theo quy định hiện hành, đối với các vụ án hành chính, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là một năm kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc hết thời hạn một năm đó, nếu người có thẩm quyền kháng nghị phát hiện sai lầm nghiêm trọng của bán án, quyết định đã có hiệu lực của pháp luật thì cũng đành “bó tay”. Luật Tố tụng hành chính điều chỉnh sao về vấn đề này?

+ Theo Điều 211 Luật Tố tụng hành chính, trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì đương sự có quyền đề nghị (bằng văn bản) những người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, kháng nghị bản án, quyết định đó theo thủ tục giám đốc thẩm.

Thời hạn để người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là hai năm, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật. Trường hợp đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn một năm nêu trên nhưng hết thời hạn kháng nghị hai năm mà người có thẩm quyền kháng nghị mới phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong bản án, quyết định của tòa thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm không còn bị phụ thuộc vào thời hạn hai năm này nữa.

. Án giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao được xem như “án đụng trần”. Vậy nếu án đó có sai lầm nghiêm trọng thì được xử lý sao, thưa bà?

+ Đối với các quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, lâu nay chúng ta không có cơ chế để lật lại trong trường hợp phát hiện có sai lầm nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án.

Nay theo Điều 239 và 240 Luật Tố tụng hành chính, quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao khi có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện có tình tiết mới quan trọng có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định, mà Hội đồng Thẩm phán, đương sự không biết được khi ra quyết định, thì được xem xét lại.

. Xin cảm ơn bà.

Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án

1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

2. Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND.

3. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.

4. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

(Điều 28 Luật Tố tụng hành chính)

Không có chuyện “kiến kiện khoai”

Lâu nay, do tỉ lệ thành công của các vụ kiện hành chính rất thấp nên người dân có thể có tâm lý “con kiến kiện củ khoai”. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử các vụ án hành chính, tôi khẳng định phần lớn các cơ quan hành chính đã có các quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp quyết định hành chính, hành vi hành chính được ban hành sai thì tòa án sẽ tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định hành chính đó; tuyên xử một phần hoặc tất cả hành vi hành chính đó là trái pháp luật, buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải chấm dứt hành vi…

TS ĐÀO THỊ XUÂN LAN, Chánh Tòa Hành chính TAND Tối cao

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm