Cho nghỉ việc sai, phải bồi thường gần 120 triệu đồng

Đồng thời, tòa cũng bác yêu cầu phản tố đòi bồi thường chi phí đào tạo của công ty.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, trước đây ông Sơn vào làm việc tại Công ty Ân Nam với chức danh giám sát kinh doanh bộ phận mỹ phẩm. Ngày 6-9-2010, ông được công ty thông báo sẽ giảm biên chế vì tình hình khó khăn. Ông không đồng ý nhưng chỉ một ngày sau đã phải nhận quyết định cho thôi việc. Vì vậy, ông Sơn đã kiện công ty đòi bồi thường hơn 140 triệu đồng. Phía công ty cũng có đơn phản tố đòi ông Sơn bồi thường chi phí đào tạo... Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Thạnh đã buộc công ty bồi thường cho ông Sơn gần 20 triệu đồng tiền lương.

Tại phiên phúc thẩm, phía công ty yêu cầu tòa đình chỉ vụ án vì cho rằng cấp sơ thẩm xác định đây là một vụ tranh chấp tiền lương nhưng trước đó vụ án chưa qua thủ tục hòa giải cơ sở. Theo tòa, đúng là cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp chưa kỹ. Đơn khởi kiện, bài phát biểu của đại diện VKS đều ghi quan hệ tranh chấp là tranh chấp tiền lương, khi ra bản án mới thay đổi thành tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Thực chất đây là tranh chấp về đòi bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Với tranh chấp này thì không cần thủ tục hòa giải cơ sở nên tòa bác yêu cầu đình chỉ vụ án của Công ty Ân Nam.

Về mặt nội dung, tòa cho rằng công ty không chứng minh được ông Sơn đã vi phạm các quy định tại Điều 38 BLLĐ nhưng lại đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái pháp luật. Việc cấp sơ thẩm chỉ tính bồi thường 20 triệu đồng cho ông Sơn là không đúng mà phải tính bồi thường cho đến khi kết thúc hợp đồng, cộng thêm hai tháng tiền lương theo quy định (tổng cộng là tám tháng bảy ngày tiền lương, bằng gần 120 triệu đồng). Về yêu cầu phản tố đòi chi phí đào tạo của công ty, tòa bác vì ông Sơn không vi phạm, không tự ý nghỉ.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm