Chống sạt lở: Dân ngóng, dự án chờ kinh phí

“Người dân chúng tôi ở đây đã khổ nhiều rồi. Mỗi khi nghe hàng xóm la bờ sông bị sạt là rất sợ. Gần tháng nay, tui vẫn còn sợ cảnh sạt bờ sông làm một người chết và mấy căn nhà trôi xuống sông. Nếu được làm bờ kè để chống sạt lở thì Nhà nước làm sớm đi, bà con chúng tôi ở đây chờ lâu lắm rồi”. Bà Hồ Thị Anh, chủ nhà 1256/5A ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, nói với đoàn kiểm tra những khu vực “nóng” về nguy cơ sạt lở tại TP sáng 24-9.

Sợ cảnh sau một đêm mất trắng

Tại khu bị sạt rạch Dơi hiện chỉ trơ những căn nhà trống hoác với nhiều vết nứt, hỏng móng, nhiều tấm gạch bể đổ khắp nơi… Dấu tích còn lại sau vụ sạt xảy ra cuối tháng 8. Theo bà Anh, gia đình bà và gia đình người con sống tại đây mỗi khi nghe có sạt là sau đó không dám ngủ, gia đình chẳng ai dám đi làm vì phải ở nhà đề phòng. Vì những căn nhà tại khu vực này có thể sập đổ bất cứ lúc nào nên từ ngày 3-9, huyện quyết định di dời người dân ra khỏi khu vực.

Bà Bùi Sương sống gần khu vực này cũng cho biết nhà bà sẵn sàng di dời nếu TP cần mặt bằng để xây dựng đoạn kè chống sạt. Bà Sương nói: “Phần lớn bà con ở đây không giàu có. TP phải làm gì đó để giữ đất còn những chuyện như di dời, bồi thường giải tỏa thì tính sau. Nếu cần mặt bằng để xây bờ kè ngay, chúng tôi sẵn sàng giải tỏa để tránh sạt lở tiếp”.

Đầu tháng 7 vừa rồi tại khu vực rạch Xóm Củi, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh xảy ra sạt lở làm bảy căn nhà chuồi xuống sông và chín căn liền kề nứt tường, nghiêng móng. Đến trưa 24-9, dấu tích của bảy căn nhà bị sạt là hai căn nhà trơ nóc giữa dòng nước. Trên bờ, nhân viên do huyện Bình Chánh thuê đến đập bỏ những ngôi nhà chưa bị sạt nhưng bị toác tường, bị nghiêng vẫn đang hối hả đập bỏ từng mảng tường để giảm tải cho bờ rạch. Người dân khu vực này cũng có nguyện vọng di dời vì sợ cảnh sau một đêm, nhà cửa trôi sông.

Chống sạt lở: Dân ngóng, dự án chờ kinh phí ảnh 1

Những căn nhà bị sạt tại rạch Xóm Củi chỉ còn trơ nóc giữa dòng nước. Ảnh: V.THUẬT

Bà Diệp Hảo, ngụ số C2/30D1 - một trong số những người có nhà bị nứt tường cho biết bà vừa thuê được nhà trọ và trong ngày 24-9 sẽ chuyển đồ đạc để giao nhà cho huyện Bình Chánh đập bỏ. Gia đình bà Hảo chẳng ai có việc làm ổn định, nhà có một người bị bệnh tâm thần. Bà quyết định thuê nhà sống tạm để chờ chính sách tái định cư.

Kiểm tra và biết hoàn cảnh của bà Hảo, ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP, trưởng đoàn kiểm tra, chỉ đạo: Huyện Bình Chánh cần có những hỗ trợ đặc biệt để giúp bà Hảo có điều kiện di dời. Riêng Khu Quản lý đường thủy nội địa (Sở GTVT) có trách nhiệm phối hợp cùng chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để lập dự án giải tỏa, di dời người dân để xây dựng kè chống sạt vì nguy cơ sạt vẫn tiềm ẩn bên trong chứ nhìn bằng mắt thường khó thấy.

Trên đường đi đến thực địa các điểm có nguy cơ sạt dọc kênh Thanh Đa, rạch Dơi, rạch Xóm Củi… thỉnh thoảng đoàn kiểm tra thấy hai bên bờ trơ ra những tường nhà trống hoác, nghiêng ngửa do các vụ sạt lở gây ra và hiện vẫn còn nằm trong số những điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở tiếp.

Cấp bách chống sạt lở

Theo Sở GTVT, hiện TP có 50 điểm có nguy cơ sạt lở rất cao; trong đó có những khu vực từng xảy ra sạt lở nhiều lần. Trên cơ sở khảo sát của các ban, ngành, Sở GTVT đã phê duyệt tám dự án cấp bách phải làm ngay để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, đến nay, TP mới bố trí vốn được cho ba dự án nhưng số vốn quá “khiêm tốn” so với quy mô đầu tư.

Cụ thể, dự án xây kè chống sạt cho rạch Tôm thuộc hai khu vực cầu Bà Sáu và khu vực trường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) được phê duyệt từ quý III và IV năm 2008, với tổng kinh phí 53,8 tỉ đồng thì đến nay mới cho ghi vốn được 100 triệu đồng cho mỗi đoạn kè. Còn dự án xây kè chống sạt khu vực cầu Giồng Ông Tố phê duyệt từ tháng 10-2010 có tổng mức đầu tư 46,2 tỉ đồng thì đến nay cũng mới ghi vốn được 5 tỉ đồng.

Dự án xây kè chống sạt cho rạch Dơi, khu vực xảy ra sạt lở làm chết một người và đẩy trôi xuống sông bốn căn nhà tại ấp 4, xã Nhơn Đức (Nhà Bè) vào cuối tháng 8, được nhắc ở trên thì dự án đã được phê duyệt từ tháng 11-2009 nhưng đến nay chưa biết khi nào mới được ghi vốn để triển khai. Dự án chống sạt kênh Thanh Đa đoạn 1.2 và 1.4 thuộc phường 27, quận Bình Thạnh cũng mới giải tỏa được 50% hộ dân nên khi nào khởi công cũng chưa biết.

Theo ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP, sắp tới TP có hai việc cần làm gồm khảo sát tổng thể nguy cơ sạt lở toàn địa bàn TP để có một lộ trình đầu tư, xử lý chống sạt căn cơ và toàn diện. TP sẽ có cuộc họp với các quận, huyện, sở, ngành để lọc ra những khu vực có nguy cơ sạt lở cao và đưa vào các dự án cấp bách nhằm đầu tư xây kè chống sạt ngay nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân. “Những vướng mắc về thủ tục phải được rút ngắn để đảm bảo các dự án chống sạt đang triển khai đến cuối năm phát huy được hiệu quả. Những khu vực nào chưa triển khai được nhưng độ nguy hiểm cao thì phải di dời dân đi nơi khác để đảm bảo an toàn. Hiện nhiều dự án chống sạt đang khát vốn, TP sẽ tổng hợp, đưa vào các dự án cấp bách để kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ duyệt ghi vốn để triển khai sớm” - Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí nói.

Sẽ phải di dời dân

Tạm thời chúng tôi hỗ trợ bảy hộ có nhà bị sạt mỗi hộ trên 10 triệu đồng, mỗi hộ bị ảnh hưởng phải di dời được hỗ trợ 500.000 đồng. Tất cả những hộ này và một số khác sẽ phải di dời khi xây kè chống sạt cho khu vực này. Chuyện bồi thường giải tỏa, địa phương xem xét đền bù tùy theo từng trường hợp. Rạch Xóm Củi là do đoạn cua nhưng thường có nhiều sà lan qua lại nên tạo sóng, tạo lực đạp tác động mạnh vào chân bờ và gây ra sạt.

Ông NGUYỄN VĂN TƯƠI, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bình Chánh

Sao không giải quyết đơn của dân?

Tui về đây sống đã mấy chục năm nay và biết phần lớn nhà dân ở khu vực này đều là nhà lấn chiếm. Thế nhưng khi đền bù thì mới biết nhiều người đã làm được sổ đỏ, nhận tiền tỉ rồi đi nơi khác, còn chúng tôi chỉ được hỗ trợ 20%-30% thì sống bằng cách nào? Đơn thư khiếu nại của dân gửi nhiều lần lên quận nhưng tại sao quận chẳng trả lời và cũng chẳng giải quyết?

Một người dân có nhà bị giải tỏa ở phường 27, quận Bình Thạnh để xây kè chống sạt cho bán đảo Thanh Đa, đoạn 1.4

VĂN THUẬT
Chia sẻ lên LinkHay.com Email In [+]Cỡ chữ[-]

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm