Chủ tịch HĐND TP.HCM: Rà soát lập quỹ đất xây nhà ở xã hội cho công nhân

(PLO)- Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu tập trung đẩy nhanh mục tiêu xây dựng 2,5 triệu m2 nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 để giải quyết nhu cầu nhà ở cho nữ công nhân, viên chức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-4, Thường trực HĐND TP.HCM đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động năm 2022 với chủ đề "Chính sách an sinh xã hội- nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động", với sự tham gia của 500 cử tri là công nhân, lao động thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Tại đây, nhiều cử tri đã bày tỏ mối quan tâm về vấn đề nhà ở xã hội với Thường trực HĐND TP.

Làm sao để công nhân mua được nhà ở xã hội?

Cử tri Phạm Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP, đặt vấn đề TP.HCM hiện có chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021- 2030 với dự kiến khoảng 4 triệu m2 sàn. Từ đó, cử tri đặt câu hỏi TP có giải pháp gì để thực hiện mục tiêu này.

“Khi nào người lao động có thể tiếp cận việc mua nhà theo chương trình phát triển nhà ở TP.HCM?”- cử tri Lan Anh hỏi thêm.

Cử tri Phạm Thị Lan Anh nêu thắc mắc về nhà ở xã hội. Ảnh: THANH TUYỀN

Cử tri Phạm Thị Lan Anh nêu thắc mắc về nhà ở xã hội. Ảnh: THANH TUYỀN

Cử tri cũng bày tỏ, hiện những dự án nhà ở xã hội thường có vị trí cách xa trung tâm TP, thiếu sự kết nối hạ tầng giao thông và tiện ích cơ bản. Do đó, chưa thu hút được người dân mua nhà. Cử tri quan tâm đến giải pháp của chính quyền để cải thiện tình trạng trên.

Còn cử tri Đặng Thị Tuyết Nhung, cán bộ chuyên trách Hội Phụ nữ Công an TP, nêu ý kiến: TP hiện chỉ có thể giải quyết được 15% nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, lao động nhưng thực tế, hơn 80% công nhân tại địa bàn TP đến từ các tỉnh nên hầu hết phải thuê trọ.

Từ đó, cử tri cho rằng TP cần quan tâm giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ có một số tiện ích cơ bản và an toàn cho đối tượng này.

Cử tri Nhung nói, hiện giá nhà đất quá cao nên người lao động không thể mua được nhà ở. Cử tri mong sẽ có giải pháp để kiểm soát giá nhà đất tăng cao, giá ảo để đưa giá nhà đất về giá trị thực vốn có, phù hợp với túi tiền của người lao động.

Cử tri Đoàn Thị Minh Diệp, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết hiện có hai loại nhà ở xã hội. Một là chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán cho người có thu nhập thấp; hai là nhà ở xã hội hình thành trên cơ sở 20% diện tích sàn xây dựng của các dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên hai nguồn này vẫn không đáp ứng được nhu cầu về nhà ở. Hơn nữa, đa số thu nhập của người lao động cũng không với tới được chuyện mua nhà ở xã hội.

Từ đó, cử tri này kiến nghị TP có thể tập trung vào phân khúc cho thuê nhà ở xã hội. TP cần kết nối với các doanh nghiệp có đông người lao động trong việc xây dựng nhà ở xã hội, làm vậy sẽ giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Cử tri Hà Thị Trang, đại diện công nhân lao động, công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vin chia sẻ, đã hai năm qua, nhà nước không tăng lương nhưng vật giá tăng liên tục từ 10-20% mỗi năm, để mua được nhà là điều rất khó với công nhân. Ảnh: THANH TUYỀN

Cử tri Hà Thị Trang, đại diện công nhân lao động, công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vin chia sẻ, đã hai năm qua, nhà nước không tăng lương nhưng vật giá tăng liên tục từ 10-20% mỗi năm, để mua được nhà là điều rất khó với công nhân. Ảnh: THANH TUYỀN

Rà soát tạo lập quỹ đất xây nhà ở xã hội

Tại hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, nhà thuê là chính sách rất lớn mà TP.HCM cần xây dựng.

Theo khảo sát, nhiều người lao động không có đủ điều kiện mua nhà; một số công nhân miền Tây thì chỉ có nhu cầu thuê để tạm ổn định, sau đó quay trở về quê.

Bà nhận định: “Chính sách pháp luật phải tính đến việc xây dựng nhà cho thuê, để người lao động có nơi ở an toàn, sạch đẹp, có trường học, bệnh viện thuận lợi giảm tải các áp lực khác như đi lại, chợ búa… Đây là chính sách khả thi hơn, căn cơ hơn so với việc xây nhà ở xã hội để bán cho người lao động thu nhập thấp".

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Phát biểu chỉ đạo tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết TP muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người lao động để xây dựng chính sách phục hồi, phát triển kinh tế TP.HCM.

Bà chia sẻ với các kiến nghị, trăn trở của cử tri nữ về gánh nặng cuộc sống thường nhật, về cơm, áo, gạo, tiền, về chỗ ở, chỗ học cho con cái cũng như những mong mỏi về một mái nhà, công việc, thu nhập ổn định…

Bà yêu cầu các sở, ngành, cơ quan quản lý về lao động, xây dựng quan tâm, có trách nhiệm đưa ra các giải pháp để đảm bảo chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách nhà ở nói riêng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Chủ tịch HĐND TP.HCM yêu cầu tập trung đẩy nhanh mục tiêu xây dựng 2,5 triệu m2 nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ trong quá trình thực hiện các dự án.

Cùng đó, phải tiếp tục rà soát, tạo lập quỹ đất và đầu tư xây dựng các hạ tầng xã hội và các tiện ích phục vụ công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa được đầu tư. Đặc biệt ưu tiên xây dựng nhà lưu trú, nhà cho công nhân thuê trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, có cơ chế hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đầu tư và chính sách hỗ trợ tài chính để thu hút chủ đầu tư thực hiện dự án.

Bà cũng nhấn mạnh đến việc phải tập trung thực hiện các giải pháp chăm lo nhiều hơn phúc lợi xã hội đối với công nhân, viên chức, người lao động; chế độ chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần...

Giá nhà ở xã hội đã tăng lên, trên dưới 20 triệu/m2

Trả lời các ý kiến của cử tri xoay quanh nội dung về nhu cầu nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết thông tin, người lao động có thể truy cập Website và App di động SXD247 để biết thông tin về dự án nhà ở xã hội. Ở kênh này có đầy đủ thông tin về tên dự án, chủ đầu tư. Các dự án được đăng tải là các dự án đã được thực hiện xong thủ tục pháp lý và được mở bán.

Ông Khiết thông tin thêm, từ năm 2016-2020, TP có 19 dự án nhà ở xã hội với khoảng 15.000 căn, trong đó có hai dự án vốn ngân sách, 16 dự án vốn doanh nghiệp.

Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đặt ra chỉ tiêu thực hiện 47 dự án với khoảng 35.000 căn hộ, tập trung tại quận 12, quận Bình Tân, TP Thủ Đức. Đến nay, số dự án hiện tại đã hoàn tất các thủ tục pháp lý đủ điều kiện mở bán hiện nay chỉ khoảng 14 dự án với 15.000 căn hộ.

Ông cho biết, hiện giá nhà ở xã hội cũng đã tăng lên. Trước năm 20129, giá bán là 16 triệu/m2 nhưng hiện nay giá nhà ở xã hội trên dưới 20 triệu/m2, giá bán ở mức 1-1,6 tỉ/căn.

Với giá bán như trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nhận định thời gian trả góp sẽ kéo dài. “Hiện nay quy định hỗ trợ cho vay chỉ tối đa 15 năm, số tiền vay tối đa 900 triệu đồng. Số tiền còn lại người lao động sẽ lấy từ đâu? Do đó giữa chính sách và thực tế đang có độ chênh và cần có sự điều chỉnh" - ông Khiết nói.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay TP rà soát các quỹ đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội, đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì đề nghị TP thu hồi phần đất xây dựng nhà ở xã hội để giao lại cho các nhà đầu tư khác thực hiện nếu đủ điều kiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm