Chủ tịch TP.HCM nói về việc đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm

(PLO)- Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận sau khi đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm đã bộc lộ những điều mà pháp luật chưa quy định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 14-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 9 đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Nhà Bè và quận 7, trước kỳ họp thứ ba, QH khoá XV.

Tham dự cùng có Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM.

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri, sáng 14-5. Ảnh: LÊ THOA

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri, sáng 14-5. Ảnh: LÊ THOA

TP.HCM thực hiện đấu giá đất ở Thủ Thiêm đúng quy trình

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Văn Nghĩa, quận 7, cho biết thị trường bất động sản hiện nay đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt các đại gia, cò đất dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò nhằm “bơm bong bóng” cho thị trường này, cung cấp nhiều thông tin sai lệch gây nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất lên cao bất thường. Cử tri Nghĩa nhìn nhận hành vi này có mầm mống phá hoại.

Cử tri Nghĩa cũng bày tỏ băn khoăn về thông tin liên quan đến việc đấu giá các lô đất vàng ở Thủ Thiêm.

Cử tri Lâm Thị Thu, huyện Nhà Bè, phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA

Cử tri Lâm Thị Thu, huyện Nhà Bè, phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA

“Sau khi trúng thầu, thị trường nhiễu loạn, giá đất ở các khu được đẩy lên cao bất thường, tạo ra hiện tượng sốt ảo, thiết lập mặt bằng giá cao, ảnh hưởng quá trình triển khai các dự án khác” - cử tri Nghĩa nói và cho rằng việc này gây ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh, xã hội, cho thấy bất cập trong việc đấu giá đất.

Ông kiến nghị cần điều chỉnh, bổ sung hệ thống pháp luật cho phù hợp, xử lý những người cố tình phá hoại.

Còn cử tri Lâm Thị Thu, huyện Nhà Bè, kiến nghị đẩy nhanh việc sửa đổi dự án Luật đất đai. Bà cho rằng để phát triển địa phương rất cần khai thác nguồn lực này để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện…

Trả lời cử tri về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII đã tổng kết nghị quyết về đất đai, cho các chủ trương lớn nhằm quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời cử tri. Ảnh: LÊ THOA

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời cử tri. Ảnh: LÊ THOA

Đoàn ĐBQH TP, UBND TP và các sở, ngành đã có những kiến nghị cụ thể cho trung ương liên quan đến việc này. Sau Hội nghị Trung ương 5, trung ương sẽ tập trung sửa đổi dự án Luật đất đai và các luật có liên quan.

“Đây là vấn đề rất lớn, rất phức tạp nên lộ trình sẽ mất thêm thời gian. Được biết, việc này sẽ được bàn qua ba kỳ họp QH, cuối năm nay, giữa năm sau và nếu chuẩn bị tốt thì có thể sẽ thông qua Luật đất đai sửa đổi vào cuối năm 2023”- ông Mãi thông tin.

Liên quan đến thị trường bất động sản, ông Mãi thông tin Hội nghị Trung ương 5 cũng bàn về việc này, sắp tới sẽ rà soát các quy định của pháp luật đề hoàn thiện pháp lý, quản lý và có thị trường bất động sản minh bạch, hiệu quả và quản lý tốt.

Về đấu giá bốn lô đất tại Thủ Thiêm vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định TP đã rà soát lại.

Ông cho biết TP đã thực hiện việc này rất kĩ về chủ trương, quy trình đúng theo quy định hiện hành. “Vấn đề còn lại là có những cái mà quy định pháp luật chưa có, qua đấu giá được bộc lộ, đã báo cáo kiến nghị trung ương để tiếp tục có sửa đổi, bổ sung nhằm quản lý việc này cho tốt” – ông Mãi nói.

Sau đấu giá, hiện UBND TP, các sở ngành cũng thực hiện theo quy định pháp luật, và thường xuyên báo cáo trung ương để xin ý kiến.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và các đại biểu trao đổi bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và các đại biểu trao đổi bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA

Cũng theo Chủ tịch UBND TP, hiện UBND TP đã giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các sở ngành xây dựng đề án chuyển huyện lên quận hoặc TP. Dự kiến sẽ thông qua vào giữa năm 2022. Ông đề nghị các địa phương quan tâm tuyên truyền, quản lý đất đai trên địa bàn, tránh việc huyện chưa lên quận hoặc TP mà giá đất đã lên; dẫn đến gây khó cho quy hoạch, thu hồi đất, thực hiện các công trình sau này.

TP.HCM sẽ triển khai nhiều nhà lưu trú cho công nhân

Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri Phạm Thị Mai Thảo, công nhân ở quận 7, đề xuất chính quyền TP giành các quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội với các loại căn hộ phù hợp về giá cả cho công nhân, người lao động với các chế độ như: bán trả góp giá cả ưu đãi, cho thuê giá rẻ, mở rộng đối tượng được vay Quỹ phát triển nhà ở TP…

Cử tri Thảo cho biết với mức lương công nhân khoảng 7,5 triệu mỗi tháng, sau khi trả tiền nhà hai triệu đồng và chi phí sinh hoạt thì phải phải hết sức tiết kiệm mới có đủ chi tiêu; do đó việc mua nhà là rất khó khăn.

Chia sẻ với cử tri về nhà ở cho công nhân, người lao động, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết đây là vấn đề mà TP sẽ tập trung trong thời gian tới để người dân an cư, lạc nghiệp. Trong đó TP sẽ triển khai nhiều hơn nữa nhà lưu trú cho công nhân.

Theo ông Mãi, UBND TP, Sở Xây dựng đã xin ý kiến lãnh đạo Bộ Xây dựng, dự kiến không chỉ thực hiện 18 dự án nhà ở trong năm 2022 mà có thể sẽ nhiều hơn, đặc biệt là nhà lưu trú cho công nhân.

“Rất nhiều công nhân, cán bộ, công chức chưa có nhu cầu mua nhà nhưng có nhu cầu thuê nhà tuỳ vào thu nhập của mình. Do đó TP sẽ tăng nhà lưu trú, nhà cho thuê” – ông Mãi nhìn nhận và cho biết UBND TP cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Quỹ phát triển nhà ở TP nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ lãi vay cho một số đối tượng cần vay để mua nhà, sửa nhà.

Ông Mãi khẳng định vừa qua, UBND TP, ngành xây dựng, TN&MT đã nỗ lực tháo gỡ các thủ tục đất đai xây dựng. Trong đó có cấp sổ hồng cho các căn hộ ở chung cư, các công trình nhà xây khác với thiết kế.

Ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trao đổi với cử tri. Ảnh: LÊ THOA

Ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trao đổi với cử tri. Ảnh: LÊ THOA

Về việc này, ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết trong giai đoạn 2016-2020, Sở đã phối hợp với ban, ngành thực hiện 19 dự án nhà ở xã hội, đưa vào sử dụng 15.000 căn hộ và 800 nhà lưu trú, tương ứng 4.600 chỗ ở cho công nhân.

Sang giai đoạn 2021-2025, TP dự kiến thực hiện 47 dự án nhà ở xã hội với 35.000 căn hộ và sáu dự án nhà lưu trú với 6.500 phòng, tương ứng 28.000 chỗ ở cho công nhân.

TP.HCM sẽ phục hồi như trước dịch vào cuối năm 2022

Thông tin thêm với cử tri về tình hình kinh tế - xã hội năm tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết các hoạt động kinh tế- xã hội TP gần như phục hồi bình thường.

Ông cảm ơn cử tri, nhân dân TP và doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng trong thời gian có dịch và mạnh mẽ phục hồi.

“TP sẽ cố gắng lấy lại được mặt bằng như trước dịch vào cuối năm nay” – ông Mãi thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm