Chủ tịch UBND TP.HCM: ‘Không thể ngay lập tức hết ngập’

Chiều 6-12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trả lời chất vấn về công tác điều hành, quản lý kinh tế-xã hội trong năm 2017 tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM khóa IX.
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ và đóng góp của cử tri, người dân qua tin nhắn, thư góp ý. “Chúng tôi coi đó là những tình cảm đáng trân trọng, động viên đối với chính quyền TP” - ông Phong nói.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong trả lời trong phiên chất vấn. Ảnh: TÁ LÂM

Về tình hình kinh tế-xã hội trong năm 2017, ông Phong cho biết đã đạt được 16/19 chỉ tiêu nhưng vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể như tỉ lệ điều tiết ngân sách năm 2017 giảm từ 23% còn 18%, giảm thu hơn 9.000 tỉ đồng.

“Nếu tính cả giai đoạn 2016-2020, giảm thu khoảng 40.000 tỉ đồng. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực đầu tư của TP” - ông Phong nói.
Một động thái khác, ông Phong cho biết việc phải tạm dừng bán,chuyển nhượng tài sản trên đất; dừng triển khai đầu tư các dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) để rà soát lại. Hay việc tiếp nhiều đoàn kiểm toán, kiểm tra từ trung ương ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
“Do đó, dù cố gắng nhiều nhưng GRDP của TP vẫn thấp hơn chỉ tiêu đề ra. Với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền TP, tôi xin trân trọng tiếp thu ý kiến các đại biểu, MTTQ, bà con cử tri TP để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018” - ông Phong nói.
Đặt câu hỏi với người đứng đầu chính quyền TP, đại biểu Trần Hoàng Danh cho biết ở khu vực trung tâm có những dự án làm xấu TP, nhất là những tòa nhà cao ốc. Vậy TP phải làm gì để giải quyết?
Ông Danh cũng đề cập đến những trăn trở của cử tri trước những hạn chế và yếu kém của TP, những tụt hậu so với các tỉnh/thành khác. Từ đó, ông mong người đứng đầu chính quyền TP chia sẻ trước những yếu kém này.
Trả lời đại biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận còn những hạn chế và yếu kém, trong đó có tình trạng mà người dân bức xúc là kẹt xe và ngập nước.
“Không thể nào có thể xử lý hết ngập ngay được mà cần phải có thời gian” -ông Phong nói.
Rồi kẹt xe, ông Phong cho biết một ngày TP có hơn 30.000 phương tiện đăng ký mới, hiện có hơn 7,5 triệu phương tiện trong khi đường sá không kịp được mở rộng, xây dựng thêm dẫn đến ùn tắc giao thông là điều tất yếu.
Và một yếu kém khác, trong vấn đề rác thải cũng vậy, ông Phong cho biết riêng rác thải sinh hoạt mỗi ngày TP phát sinh khoảng 8.500 tấn, chưa kể các loại rác thải khác. Trong khi hiện công nghệ chủ yếu là chôn lấp và tái chế nên nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao.
“Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đời sống người dân ghê gớm nhưng đòi hỏi phải có một nguồn lực rất lớn mới thực hiện được” - ông Phong nói và cho rằng để xử lý các vấn đề này cũng cần phải có sự nỗ lực, phối hợp của nhiều sở, ngành, đoàn thể.
Với các dự án làm xấu bộ mặt TP, ông Phong chia sẻ với bức xúc của các đại biểu. “Nhiều lần tôi đã chủ trì họp với các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. Ví dụ dự án 34 Tôn Đức Thắng, dự án 812 Lê Duẩn. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn khi cần phải có ý kiến của cơ quan trung ương làm cho tiến độ thực hiện bị ảnh hưởng” - ông Phong nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm