Chú Tổng thống Obama sống chui ở Mỹ 20 năm

Theo một quan chức liên bang, ông Onyango Obama, 67 tuổi, đã có lệnh trục xuất vào năm 1992 nhưng không chấp hành.

Là em trai cùng cha khác mẹ với người cha quá cố của Tổng thống Obama, ông Onyango từ Kenya đến Boston, bang Massachusetts – Mỹ, nhưng không rõ thời gian cụ thể. Chỉ biết rằng ông Obama sở hữu bằng lái xe của bang Massachusetts ít nhất từ năm 1992, theo hồ sơ điện tử sớm nhất được lưu lại. Ngoài ra, ông này còn có cả số hiệu an sinh xã hội (SSN).
Theo luật sư chuyên về nhập cư Anthony Drago, nếu ông Onyango đã nộp đơn xin tị nạn thì không thể nộp đơn xin việc. Mà một khi không có việc hợp pháp thì không thể có số an sinh xã hội.

Chú Tổng thống Obama sống chui ở Mỹ 20 năm ảnh 1

Ông Onyango Obama sống chui ở Mỹ ít nhất gần 20 năm. Ảnh: AP
Tuần trước, ông Onyango bị bắt ở Framinghan (cách Boston hơn 30 km), nơi ông đã sống nhiều năm qua, vì dừng xe ở nơi cấm đậu và uống rượu trước khi lái xe. Khi bị đưa về đồn cảnh sát, ông này đã yêu cầu gọi điện đến Nhà Trắng để thu xếp chuyện bảo lãnh.
Trong quyển hồi ký “Giấc mơ của cha tôi”, Tổng thống Obama kể về chú Omar, người có xuất thân khá giống với ông Onyango đồng thời có cùng ngày sinh. Quyển sách kể về lần về quê nhà Kenya năm 1988 của tổng thống, trong đó có nhiều hình ảnh về “chú Omar - người đã đến Mỹ 25 năm trước và không trở về”.
Chuyện ông Onyango đã làm dấy lên cuộc tranh cãi quanh vấn đề nhập cư bất hợp pháp. “Đang hình thành một sự nhạo báng đối với luật nhập cư của Mỹ. Một khi dân nhập cư đã đến Mỹ, họ có thể “cố thủ”, bất chấp mọi lệnh trục xuất, bất chấp hệ thống pháp luật” – phát ngôn viên Ira Mehlman của tổ chức Cải cách luật Nhập cư nói.
Hiện các cơ quan như Nhà Trắng, Cục An sinh xã hội, Lực lượng Hải quan và Nhập cư Mỹ… đều từ chối trả lời về trường hợp của ông Onyango.
Ông Onyango là thành viên thứ hai trong gia đình Obama bị phát hiện cư trú bất hợp pháp tại Mỹ. Năm 2010, em gái ông Onyango và cũng là cô của Tổng thống Obama – bà Zeituni Onyango – đã gây xôn xao dư luận khi giành được quyền định cư tại Mỹ sau khi đã bị trục xuất trước đó.
Từ Kenya đến Mỹ vào năm 2000 và bị từ chối cho tị nạn vào năm 2004, bà Zeituni Onyango tiếp tục ở lại đây bất chấp lệnh trục xuất. Đến năm 2010, bà được phép ở lại sau khi có nhận định bà có thể trở thành mục tiêu bị tấn công ở Kenya mà thủ phạm là những người phản đối Mỹ cũng như Tổng thống Obama.
Theo Bằng Vy (NLĐO / AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm