Chủ xe kêu trời vì quy định đăng kiểm 6 tháng/lần

Quá nhanh!

 Anh Nguyễn Văn Đông (ở Thanh Hóa) là chủ chiếc xe ô tô Transit cho biết, do xe của anh có thời gian sử dụng đã qua năm thứ 8 nên theo quy định, cứ 6 tháng anh lại phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm một lần.

Anh Đông cho cho rằng, thời gian đăng kiểm 6 tháng/lần là quá nhanh, quy định này không chỉ khiến mất thời gian mà còn tốn thêm các khoản chi phí không đáng có.

“Mỗi lần đem xe đi đăng kiểm, ngoài phí khám 300 ngàn đồng thì chủ xe còn phải chịu thêm phí “lót tay” 200 đến 300 ngàn đồng nữa, nếu không muốn xe bị đăng kiểm viên vạch ra hàng tá lỗi… Nhiều trường hợp xe bảo dưỡng định kỳ thường xuyên nhưng khi đến đăng kiểm, đăng kiểm viên vẫn gây khó khăn cho chủ phương tiện…”, anh Đông nói.

Đăng kiểm, xe cơ giới, Hiệp hội, vận tải, phương tiện, đăng kiểm

Anh Đông cũng cho biết thêm, việc tiến hành đăng kiểm 6 tháng/ lần cũng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hợp đồng kinh doanh chở khách đối với chủ phương tiện.

“Xe của tôi kinh doanh chở khách theo mùa vụ, nhiều đợt nghỉ cả tháng không sao, nhưng đến khi vừa có hợp đồng thì đúng hạn phải đi đăng kiểm. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh”, ông Đông cho biết.

Trong khi đó, anh Lê Văn Bình (ở Cầu Giấy Hà Nội) là chủ chiếc xe ô tô Lacetti 4 chỗ đời 2004 cho rằng, việc quy định đăng kiểm 6 tháng/ lần đối với xe từ 7 năm sử dụng chỉ nên áp dụng đối với xe hoạt động kinh doanh vận tải, chứ không nên áp dụng đối với xe cá nhân.

Bởi, thực tế xe cá nhân thường lưu thông ít, và đặc biệt chủ xe thường rất quan tâm trau chuốt, bảo đảm an toàn khi sử dụng.

“Xe của tôi cả tháng chạy chưa đầy 200 km, trong khi 6 tháng phải đăng kiểm một lần làm tôi mất rất nhiều công sức mỗi khi đi đăng kiểm, đó là chưa kể mỗi lần đi đăng kiểm lại mất thêm khoản này, khoản kia cho nhân viên đăng kiểm….”, anh Bình nói.

Theo anh Bình, thời hạn đăng kiểm 6 tháng/ lần chỉ nên áp dụng đối với xe đã có thời hạn sử dụng từ 12 năm trở lên và các xe hoạt động kinh doanh vận tải có thời hạn sử dụng lâu dài. Bởi, xe hoạt động kinh doanh vận tải có thể vì lý do thuê lái xe và khoán trắng nên đâu đó còn có sự lơ là, buông lỏng điều kiện an toàn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng: Với xe kinh doanh vận tải, hiện nay chủ xe cũng rất quan tâm lo đến vấn đề đảm bảo an toàn vì liên quan đến tính mạng hành khách.

Hơn nữa trong quy định tại thông tư 18 về hoạt động kinh doanh vận tải của Bộ GTVT cũng đã quy định rõ, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phải có bộ phận kiểm tra an toàn và bộ phận này có trách nhiệm kiểm tra và giám sát bảo dưỡng xe định kỳ đảm bảo lưu thông trên đường an toàn.

Sẽ nới thời gian đăng kiểm

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, việc rút ngắn thời gian đăng kiểm với tất cả các loại xe cần phải cân nhắc lại. Bởi vì, nếu không cẩn thận việc này lại mang dáng dấp của làm kinh tế thi trường hơn là đảm bảo điều kiện an toàn.

Trong khi đăng kiểm chỉ đảm bảo trách nhiệm kiểm tra còn sau đăng kiểm vẫn là trách nhiệm người sử dụng phương tiên.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Kỳ Hinh Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc kéo dài chu kỳ kiểm định đối với xe con cá nhân sẽ được Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu khẩn trương để báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng Bộ GTVT vào cuối tháng 3/2014.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ GTVT nên nới thời gian tối thiểu đăng kiểm đối với xe từ 7 đến 12 năm sử dụng thành 1 năm/lần thay vì 6 tháng như hiện nay. Đối với xe từ 12 đến dưới 20 năm sử dụng có thể  quy định thời gian đăng kiểm ngắn hơn: 6 tháng/ lần.

Ông Ngô Hồng Hệ - Trưởng phòng phụ trách Phòng Đăng kiểm xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, việc kéo dài chu kỳ kiểm định lên 1 năm đối với xe con cá nhân trên 7 năm cũng cần có giới hạn.

Cục Đăng kiểm sẽ nghiên cứu việc nới thời hạn chu kỳ đăng kiểm định kỳ lên 1 năm đối với loại xe từ 12 tuổi thay vì 6 tháng như hiện nay.

Tuy nhiên, để kiểm soát an toàn kỹ thuật đối với loại xe này, dự kiến Cục Đăng kiểm cũng sẽ bổ sung thêm nội dung kiểm soát đối với loại xe con này vào Thông tư quy định về việc bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới, vốn trước đây chỉ qui định đối với xe tải và xe khách.

Theo Gia Văn - K. Linh (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm