Chưa công bố dịch TCM vì còn “kiểm soát được”?

Cho đến ngày 22-9, tổng số ca mắc bệnh tay-chân-miệng (TCM) tại Tiền Giang là 2.240 ca, trong đó có năm ca tử vong. Theo BS Trương Công Đầy, Trưởng khoa Nhi - BV Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, những ca tử vong đều có các bệnh lý khác kèm theo khiến diễn biến bệnh rất nặng, phụ huynh lại đưa trẻ vào viện trễ nên không cứu chữa kịp. Hiện tại, phòng cách ly của khoa Nhi lúc nào cũng có 30-40 ca bệnh TCM nằm điều trị, lúc cao điểm hơn 50 ca.

BS Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Tiền Giang, cho biết sở dĩ số ca TCM ở Tiền Giang tăng “khủng khiếp” do đây là dịch bệnh mới, chủ yếu lây qua đường tiêu hóa nhưng phụ huynh còn chủ quan. BS Đầy cho biết thêm: “Ngành y tế và các địa phương đã làm đủ mọi cách để vận động người dân giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh cho trẻ. Nhưng đến lúc trẻ phát bệnh vẫn còn nhiều người không đưa trẻ đến BV mà tự mua thuốc, khiến bệnh thêm nặng”.

Chưa công bố dịch TCM vì còn “kiểm soát được”? ảnh 1

Chăm sóc trẻ bệnh TCM tại Tiền Giang. Ảnh: Hùng Anh

Trước thực tế bệnh lây lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều người bức xúc: Vì sao Tiền Giang vẫn chưa công bố dịch? BS Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Tiền Giang, cho biết Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh xác định tuy số ca mắc TCM trên địa bàn tỉnh đang tăng rất cao nhưng vẫn “trong tầm kiểm soát”, nên ngành y tế thấy chưa cần thiết phải công bố dịch trên địa bàn.

Chiều 22-9, BV Nhi Trung ương cho biết bệnh nhi Hồ Thanh Bảo Ngọc (phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) đã tử vong. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé Ngọc tử vong trong quá trình điều trị bệnh TCM thể tối cấp, do virus EV71 gây ra. Khi nhập viện, bệnh nhi chỉ sốt cao, các nốt đỏ không bọng nước nhưng sau đó xuất hiện bọng nước ở tay chân, suy đa tạng, rồi tử vong sau hơn hai ngày điều trị. Bệnh của cháu Ngọc tiến triển nặng mặc dù đã được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Ngày 22-9, bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông, cho biết: Trường Mầm non Hoa Đào ở xã Đắk Ru vừa đóng cửa cho trẻ nghỉ học 10 ngày. Trước đó, ngành chức năng phát hiện trường này có 26 trẻ bị bệnh TCM. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều phụ huynh thiếu hiểu biết, dù trẻ mắc bệnh nhưng vẫn mang trẻ đến trường.

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, dịch TCM đã lan rộng ra 7/7 huyện, TP trong tỉnh với hơn 500 ca mắc bệnh và sáu trường hợp tử vong. Theo nhận định của ngành y tế, dịch TCM ở Bạc Liêu đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, công tác phòng và điều trị bệnh này ở tuyến y tế cơ sở đang gặp khó khăn. Nhiều bệnh viện tuyến huyện thiếu phòng điều trị cách ly; công tác dập dịch ở xã, phường chưa được ngành chức năng quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt.

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm