Chúng tôi mong sống được bằng lương!

Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan, ngành GD&ĐT TP.  

Tại buổi gặp gỡ, vấn đề làm sao để nhà giáo sống được bằng lương là nội dung được đặt ra nhiều nhất.

ThS Phan Văn Quang, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, bày tỏ cơ chế chính sách chăm lo đời sống cho giáo viên còn thấp so với mức sống chung của TP. Việc tuyển dụng giáo viên mới nhưng vẫn tính lương theo bậc học chứ không theo trình độ đào tạo là rất bất cập, sẽ ảnh hưởng đến việc nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên vì họ không được hưởng mức lương tương xứng.

TS Huỳnh Công Minh phát biểu ý kiến. Ảnh: PHẠM ANH

Cũng theo ông Quang, bất cập nữa là những người công tác ở các Phòng GD&ĐT là những người giỏi ở cơ sở được điều lên làm quản lý. Tuy nhiên, khi về phòng rồi thì họ lại mất rất nhiều nguồn phụ cấp làm ảnh hưởng đến đời sống. Ông Quang mong mỏi cần có cơ chế đổi mới, chính sách đảm bảo cho những người làm công tác quản lý giáo dục.

TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng thẳng thắn, muốn giáo dục phát triển bền vững phải có chế độ, chính sách tiền lương hợp lý cho giáo viên. “Trong ngành giáo dục, chúng ta làm gì cũng hay nhưng hỏi có sống được bằng lương hay không thì thật sự là không an tâm. Chúng tôi tha thiết mong có được cuộc sống an bình về công việc lẫn tinh thần. Làm sao người giáo viên có thể toàn tâm toàn ý đóng góp cho nghề khi đứng trên bục giảng mà đầu óc phải lo nghĩ nhiều chuyện khác, luôn tất bật với cuộc sống hằng ngày do thu nhập còn hạn chế?” - TS Huỳnh Công Minh trăn trở.

TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho rằng chính vì đồng lương không đủ sống đã khiến nhiều giáo viên dù yêu nghề nhưng cũng khó gắn bó lâu dài hoặc cống hiến hết mình cho giáo dục. Giáo viên đang công tác thu nhập không cao, giáo viên về hưu lại còn khó khăn hơn.

PGS-TS Võ Văn Sen chia sẻ ý kiến tại buổi gặp gỡ. Ảnh: PHẠM ANH

Về vấn đề này, PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho rằng vấn đề thu nhập đảm bảo đời sống cho giáo viên nhiều năm nay cả nước vẫn chưa làm được. Tuy nhiên, hiện TP.HCM đang nỗ lực để có thể thực hiện cơ chế tự chủ, đây chính là cơ hội giúp TP thực hiện cải cách chế độ tiền lương, giúp giáo viên hiện thực hóa ước mơ có thể sống được bằng lương.

"Công tác xã hội hóa giáo dục, trong đó có tăng cường giao quyền tự chủ, trách nhiệm cho hiệu trưởng là một trong những giải pháp cần đẩy mạnh giúp các trường có cơ hội đầu tư tốt hơn cho công tác quản lý và giảng dạy. Nếu chúng ta không làm được để xây dựng đội ngũ nhà giáo mạnh hơn thì chúng ta là kẻ thất bại trước sự phát triển của xã hội” - ông Sen nhấn mạnh.

Tháo gỡ khó khăn để giáo viên yên tâm công tác

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM - ông Tất Thành Cang đã biểu dương và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong công cuộc xây dựng đất nước, trong đó có nhiệm vụ phát triển TP. Ông cho rằng giáo dục TP.HCM đang đứng trước rất nhiều thử thách: tốc độ tăng dân số cơ học không ngừng tăng cao, kinh phí còn hạn chế, cơ chế đầu tư cho giáo dục chưa thật sự tối ưu, chế độ tiền lương không thu hút, cải cách chương trình, sách giáo khoa chậm đổi mới...

“Tuy nhiên, lãnh đạo TP sẽ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp, nghiên cứu chính sách, tháo gỡ khó khăn để động viên cả về tinh thần lẫn vật chất đối với đội ngũ nhà giáo, giúp các thầy cô yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” - ông Cang nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm