Chuỗi vòng hạt cuộc đời

Cái nắng như thiêu đốt của trưa hè miền Bắc càng tăng thêm không khí ngột ngạt, bí bách của hai con người không còn nhìn chung hướng… Bố không nhìn tôi lúc bước ra khỏi phòng xử, mẹ quệt vội nước mắt, tất tả bế tôi đặt vào yên xe rồi mải miết đạp đi…

Mẹ về làm dâu một nhà nông chính gốc trong khi vẫn tiếp tục theo học và sau đó giảng dạy tại một trường cấp III ở huyện. Mẹ phải làm quen với mọi việc. Ngày đầu gánh nước phân tưới rau, mẹ đã ngất vì mùi hôi cộng với mệt mỏi. Ánh mắt sắc lạnh của bà nội cùng với những câu nói “mát mẻ” cứ soi sói thấu xương Mẹ “Nó là nhà giáo mà, quen chi nổi với chúng em”.

Cưới nhau được hai tháng, bố tôi phải lên đường vào Nam. Một buổi sáng tháng ba rét căm căm, mẹ đã gục ngã khi đang giã gạo. Ông thầy thuốc Nam xóm trên đã phát hiện mẹ tôi có thai trong lần khám bệnh này. Tôi ra đời nặng 1,3 kg, nhỏ thó, còi cọc.

Chuỗi vòng hạt cuộc đời ảnh 1
Ảnh mang tính minh hoạ: Internet
Ngày về phép, ngoài những món quà vặt vãnh cho mẹ và tôi, Bố còn đem theo cả xấp hình chụp chung với những cô gái miền Nam. Mẹ mỉm cười đau khổ, mẹ vẫn tin lời bố: “Chỉ là bạn của anh”.Ừ thì thôi, miễn sao vẫn còn là chồng nguyên vẹn hình hài trở về bên mình. Một điều kỳ lạ là bà nội không cho bố mẹ gần nhau (!?) Đợi lúc đêm khuya khi bà nội đã mệt mỏi thiếp đi, bố mới có được giây phút gần gũi vợ… Mẹ tôi có mang lần nữa. Lá thư sau cùng mẹ nhận được từ bố cho biết bố đã xin được cho mẹ làm tạp vụ ở công ty mà bố đang công tác. Sau nhiều đêm suy nghĩ, mẹ trả lời bố là không thể làm công việc này.Lòng tự trọng của một cô giáo đã níu chân mẹ. Sáu tháng sau, mẹ dắt díu tôi rời khỏi nhà nội vào ở khu tập thể với cái bụng to đùng vượt mặt. Mẹ không thể chịu đựng thêm nữa những lời nhiếc móc của bà nội. Bố xuất hiện ở căn hộ tập thể của ba mẹ con tôi vào một đêm trăng rất sáng. Cả khu tập thể im ắng lắm, hình như mọi người đều biết trước thời khắc này, họ không trải chiếu ngoài sân như mọi khi, họ ở trong nhà nhưng đâu đó qua nhưng khe hở vẫn có những ánh mắt nhìn ra đầy tò mò, hả hê. Tôi và Hạnh (em gái tôi) nép vào lòng mẹ. Bố ngồi xuống mép chiếu, Bố không nói nhiều… tôi nghe lõm bõm được rằng bố không thể sống cùng mẹ con tôi. Bố đưa cho mẹ tôi tờ giấy mà sau này lớn một chút tôi mới biết là giấy ly hôn. Bố đứng lên, bước thật nhanh. Mẹ ôm chị em tôi một lúc khá lâu, nước mắt mẹ lăn dài trên đôi gò má sạm đen, nhô cao. Ngày tôi lên tàu vào Nam, mẹ đưa tôi ít tiền phòng thân. Mẹ dặn mãi: “Nếu gặp trục trặc thì về ngay, không cần bươn chải nữa. Mẹ nuôi. Khổ cực mẹ con có nhau". Tuổi hai mươi cứng đầu, đầy ắp những câu hỏi cần giải đáp thôi thúc tôi vào Nam gặp bố. Trong thư bố gởi ông nói rằng ông muốn lo lắng cho tôi, bù đắp cho tôi. Thời gian trôi qua thật nhanh, giờ tôi đã là một thiếu nữ. Mọi lỗi lầm do thế hệ đi trước gây ra, giờ tôi sẽ là một “sứ giả hòa bình” hàn gắn lại mọi thứ. Có thể là muộn rồi nhưng không thể không làm. Tôi đi tìm lại những mảng ký ức bị xóa nhòa qua ba thế hệ, tôi đang đi tìm tương lai của chính bản thân. Khó khăn, vất vả đang chờ tôi, nhưng tôi không nản lòng. Sợi dây liền mạch nội, ngoại, bố, mẹ, tôi và em Hạnh như một chuỗi hạt làm bằng vỏ ốc các loại phải được nối lại. Mẹ ơi! Xin mẹ đừng hối tiếc nữa. Cuộc đời luôn có cái giá của nó. Chắc gì ba đang sống hạnh phúc đâu?
Hiền Nguyễn (TPHCM)
Theo NLĐ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.