Chụp ảnh tết ở đường hoa Nguyễn Huệ

Đặc biệt, vì mùng 1 tết trùng ngày lễ Tình nhân, đường hoa cũng sẽ có các tiểu cảnh: Trái tim hoa, Đôi giày hoa, Hoa hồng xuân… để các đôi tình nhân du xuân chụp ảnh lưu niệm.

Trước các khách sạn, khu thương mại và trên vỉa hè trục đường này đều có các điểm trưng bày nghệ thuật cắm hoa, cà phê giải khát để phục vụ khách tham quan. Một phố đi bộ sẽ được tổ chức trên đường Lê Lợi với các nhóm biểu diễn nhạc cụ dân tộc, múa sạp, trò chơi dân gian… vào tối mùng 3 tết.

Ngoài khu công viên tượng đài Bác Hồ mang chủ đề Vầng thái dương trưng bày mai quý và lan mokara vàng khoe sắc rực rỡ, đường hoa chia làm năm phân đoạn với các tiểu cảnh:

Hướng về Thăng Long (đoạn từ đường Hải Triều đến Tôn Đức Thắng): Mở đầu là hình ảnh những chiếc trống đồng và hoa. Và kết đoạn là hình ảnh của sóng hoa Hướng về Thăng Long. Những đường lượn hùng vĩ cùng quả châu khổng lồ, đồng thời là hình ảnh của những đợt sóng nhỏ lớn dần hướng ra biển lớn tượng trưng cho hình ảnh rồng.

Góc quê hương (đoạn từ đường Ngô Đức Kế đến đường Hải Triều): Guồng hoa khổng lồ và không gian xanh mướt của những cánh cò, những ô ruộng xanh ngắt, những đồi rơm vàng óng và cả những chiếc gùi bắp nặng trĩu.

Xuân yêu thương (đoạn từ vòng xoay cây liễu đến đường Mạc Thị Bưởi): Đôi hổ bằng sơn mài bên gốc cổ thụ do nghệ nhân Nguyễn Minh Phương thực hiện. Các tiểu cảnh Trái tim hoa, Đôi giày hoa, Hoa hồng xuân... được bố trí với cao độ phù hợp, giúp cho du khách dễ dàng trong việc chụp ảnh lưu niệm nhân ngày lễ Tình nhân.

Bình minh tụ hội (khu vực đồng hồ trước Sunwah Tower): Đại cảnh khối gương lớn tạo nên cảm giác nhân đôi về không gian, về màu hoa sặc sỡ.

Sức mạnh đoàn kết

(đoạn từ đường Huỳnh Thúc Kháng đến Ngô Đức Kế): đồi hoa khổng lồ, bông hoa khổng lồ được tạo bằng các chất liệu: mica, gốm, đá... Sử dụng nghệ thuật tách lớp thể hiện chú hổ với chất liệu đa dạng như gỗ, phủ đồng, vỏ cây và cừ tràm.

Lễ hội tết:

- Pháo hoa đêm giao thừa: Pháo hoa sẽ được bắn tại bảy điểm. Bốn điểm tầm cao: khu vực hướng lên đường hầm Thủ Thiêm (quận 2), dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp, Công viên Bình Phú (quận 6), Khu công nghiệp Tân Bình. Ba điểm bắn tầm thấp: Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (quận 9), đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi) và sân bóng đá huyện Cần Giờ.

- Ngày hội bánh tét sẽ gồm: Hội thi nấu bánh tét; Lễ dâng cúng bánh tét vào sáng 29 tết tại Đền tưởng niệm các vua Hùng (quận 9), Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng và chương trình trao tặng 10.000 bánh tét cho các cơ sở xã hội.

Phố ông đồ. Ảnh: TG

- Hội đèn hoa xuân: Từ ngày 26 đến mùng 10 tết tại hai địa  chỉ: 105 Trần Hưng Ðạo và 131 Triệu Quang Phục (quận 5). 14 đoàn lân sư rồng của người Hoa sẽ làm lễ khai quang, điểm nhãn.Vào sáng 26 tết, trong khuôn khổ lễ hội còn có hội thi làm bánh tét và các loại bánh dân tộc của người Hoa như bánh lá liễu, bánh hẹ, bánh trái đào…Kèm theo là các hoạt động triển lãm mỹ thuật, ca nhạc đón giao thừa, trình diễn ca kịch cổ truyền của người Hoa, trò chơi dân gian…

- Lễ hội tết Việt (ảnh): Tại Nhà văn hóa Thanh niên, kéo dài đến ngày mùng 5 tết. Nổi bật là 50 chiếu ông đồ trưng bày, bán nhiều tác phẩm thư pháp trên nhiều chất liệu. Chiếu ông đồ sẽ hoạt động đến hết ngày 30 tết. Lễ hội tết Việt còn có nhiều chương trình diễn ra vào buổi tối: Ca nhạc Mùa xuân tình yêu (26 tết), Sắc màu tuổi trẻ Chào xuân 2010 (27 tết), Sân chơi tài tử cải lương - Tiếng tre xanh (28 tết), Biểu diễn cờ người, ca nhạc thời trang Sắc xuân (mùng 3), giải cầu mây (mùng 4), Liên hoan võ dân tộc và bế mạc Lễ hội tết Việt (mùng 5).

Nhóm PV VHVN

Ca nhạc

Vào 20 giờ 30 ngày mùng 7, tại Nhà hát Truyền hình - Đài Truyền hình TP.HCM sẽ diễn ra chương trình Thay lời muốn nói tháng 2-2010. Với chủ đề Hẹn yêu 2010, chương trình chỉ dành riêng cho việc... tỏ tình. Các cặp song ca: Hồng Nhung - Quang Dũng, Hồng Hạnh - Xuân Phú, Lam Trường - Minh Thư, Đức Tuấn - Khánh Thi, Lê Hiếu - Phương Vy, Thanh Ngọc - Hồ Trung Dũng sẽ cùng hát những bản tình ca với nhiều thể loại. Chương trình cũng truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9.

Suốt những ngày tết, các phòng trà ca nhạc trên địa bàn TP.HCM hầu như vẫn hoạt động liên tục. Nhiều ca sĩ hải ngoại đã về có mặt tại phòng trà Văn nghệ để hát những khúc ca xuân. Nghệ sĩ Đặng Tuyết Mai ngay tối 28 tết sẽ hát những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Cuối cùng cho một tình yêu, Nắng thủy tinh, Này em có nhớ… Trong tối 29 tết, ca sĩ Nhật Hạ và Anh Dũng lại sẽ trình diễn những ca khúc: Đôi mắt người Sơn Tây, Tôi đi giữa hoàng hôn, Người đi qua đời tôi, Anh đến thăm em một chiều mưa… Đặc biệt trong hai đêm mùng 1 và mùng 2 tết, với chủ đề Đêm tình nhân, cặp ca sĩ Phương Dung - Lam Giang sẽ trình bày những tình khúc tuyển chọn dành cho các cặp tình nhân đến với phòng trà.

Phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết sau nghỉ tết sẽ bắt đầu phục vụ khán giả vào 20 giờ 30 ngày mùng 4 tết. Trong đêm mùng 4 và mùng 5 tết, chương trình sẽ mang chủ đề Xuân họp mặt với các tình khúc tiền chiến viết về xuân. Các ca sĩ: Ánh Tuyết , Thùy Dương, Khắc Dũng, Thụy Long... sẽ cùng trình bày các ca khúc: Xuân họp mặt, Xuân ca, Đón xuân, Xuân và tuổi trẻ… Đêm mùng 6 tết lại là đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề Cát bụi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới