Chuyến đi châu Á của Obama: Xoa dịu đồng minh

Với những khó khăn trong chi tiêu ngân sách và sự thiếu đồng thuận trong Quốc hội, liệu Mỹ có còn đủ nguồn lực để thực hiện lời hứa bảo vệ các đồng minh của mình trong một tương lai rất gần khi Trung Quốc chính thức trở thành mối đe dọa thực sự cho lợi ích của Mỹ và đồng minh ở châu Á?

Cho đến thời điểm hiện tại, chuyến thăm châu Á lần này của Tổng thống Mỹ Barack Obama được mong đợi sẽ đưa ra được một câu trả lời rõ ràng và thỏa đáng cho câu hỏi trên. Nước Mỹ, cường quốc truyền thống của khu vực, sẽ vẫn bên cạnh hỗ trợ cho các đồng minh châu Á nhằm tạo thế đối trọng với quyền lực đang lên của Trung Quốc (TQ).

Một nước Mỹ trong thời kỳ chuyển giao

Chuyến thăm châu Á-Thái Bình Dương lần này thực chất đã được lên kế hoạch thực hiện vào tháng 10-2013, tuy nhiên kế hoạch được mong đợi này đã bị hủy bỏ do Tổng thống Obama phải giải quyết vấn đề ngân sách ở Washington. Nhân cơ hội đó TQ tăng cường thúc đẩy quan hệ với các quốc gia trong khu vực và thách thức quyền lực của Mỹ. Rất nhiều học giả và các nhà bình luận đã nhận định rằng đây chính là biểu hiện “trục trặc” đầu tiên trên con đường khẳng định lại vị thế là cường quốc khu vực hàng đầu của Mỹ. Trong khi Washington đang đau đầu với “vách đá tài chính” thì TQ lại “tung tăng” khắp các nước ASEAN và châu Á khác để tăng cường các mối quan hệ kinh tế và đưa ra những dự án cơ sở hạ tầng “béo bở” nhằm tăng cường hơn nữa ảnh hưởng vốn đã rất lớn của Bắc Kinh tại khu vực.

Cái gọi là chiến lược xoay trục (hay còn có cái tên khác là tái cân bằng) vẫn chỉ thể hiện qua lời nói chứ chưa có một hành động thực sự rõ ràng và cụ thể nào. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hilary Clinton đã bắn tiếng nhấn mạnh đến “một thế kỷ châu Á của Mỹ” khi chính thức công khai về chiến lược tái cân bằng. Cựu Bộ trưởng Robert Gates cũng đã tuyên bố sẽ tái định hình lực lượng hải quân Mỹ với 60% lực lượng là ở châu Á-Thái Bình Dương. Để đối phó với địch thủ nào thì hầu như ai cũng biết.

Thủ tướng Nhật Abe cụng ly với tổng thống Obama trong nhà hàng sushi “ngon nhất thế giới”.Ảnh: REUTERS

Sau các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, nước Mỹ bắt đầu suy yếu trong tính chất sẵn sàng can dự của mình ở những điểm nóng xung đột. Libya và Syria có thể được coi là những ví dụ cụ thể. Sự ngập ngừng mang tính chiến lược của Mỹ tại các khu vực này, cộng thêm thái độ thiếu quan tâm đã khiến các đồng minh tại châu Á-Thái Bình Dương phải đặt dấu chấm hỏi về mức độ can dự của Mỹ tới các vấn đề an ninh khu vực.

Nước Mỹ cần một cách tiếp cận chiến lược mới trong tình hình hiện nay, tuy vậy châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực quá quan trọng vì nơi đây vừa đóng vai trò là động lực tăng trưởng, vừa là sân chơi truyền thống nhưng lại bị Mỹ bỏ quên suốt hơn 10 năm. Chuyến đi này là cơ hội để nước Mỹ chuyển thông điệp tới TQ: Lần trước chỉ là do sơ suất, Mỹ vẫn sẽ là cường quốc hàng đầu ở khu vực này. Ông Obama có hai nhiệm vụ chính: Làm an lòng các nước đồng minh và tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho xoay trục vốn đang bị coi là dậm chân tại chỗ.

Phải tái cam kết

Trung tâm của việc tái cân bằng kinh tế chính là Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bằng cách loại bỏ các rào cản thương mại và điều tiết các quy định, TPP sẽ kết nối hàng chục nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thành một mạng lưới thương mại và đầu tư lớn chiếm 40% tổng sản phẩm toàn cầu. Ngoài ra, việc kết nối nền kinh tế giữa các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ TPP cũng là một cách để giảm thiểu xung đột và nâng cao tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Đối tượng mà mục tiêu này nhắm tới chính là Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị thượng đỉnh Đông Á mà Obama sẽ tham dự vào cuối năm nay.

Chiến lược tái cân bằng đã giúp gia tăng đáng kể các cam kết của Mỹ với các tổ chức đa phương của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời củng cố mối liên minh với các đồng minh truyền thống của mình tại khu vực. Ở Đông Bắc Á, Mỹ tái khẳng định tầm quan trọng của mối liên minh cốt lõi với Nhật và Hàn Quốc; ở Malaysia và Philippines, chiến lược nhấn mạnh sự tập trung của Mỹ vào Đông Nam Á - một khối kinh tế năng động với 600 triệu người.

Về phía Nhật, Obama dự kiến sẽ đưa 12 quốc gia TPP vào chương trình nghị sự đàm phán với Abe để khắc phục những bất đồng giữa Mỹ và Nhật xung quanh vấn đề nông nghiệp và các ngành công nghiệp ô tô trong năm trước. Đối với Hàn Quốc, chính quyền Obama cũng liên tục xúc tiến đàm phán TPP dưới sức ép của Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Hàn Quốc đã có hiệu lực từ năm 2012.

Là điểm đến cuối cùng của Obama mặc dù không phải là liên minh truyền thống của Mỹ tại khu vực, Malaysia được Mỹ sử dụng như một trục nối liền giữa Mỹ với các quốc gia khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, đồng thời kết nối với các quốc gia đang phát triển có nền kinh tế sôi động ở Đông Nam Á khác như Indonesia, Philippines và Việt Nam nhằm tăng đầu tư và thương mại hai chiều.

Tuy nhiên, chiến lược lãnh đạo kinh tế dài hạn mới là mục tiêu quan trọng nhất của TPP. Thỏa thuận này sẽ củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á, đồng thời đưa Mỹ vào vị trí trung tâm chi phối nền kinh tế toàn cầu trong Hiệp ước Thương mại tự do ở châu Âu.

Trong khi TPP được sử dụng để tái lập vị trí lãnh đạo của Mỹ trong nền kinh tế khu vực thì quân sự lại là phương thức chính mà Mỹ dùng để xoa dịu các đồng minh của mình, đồng thời trực tiếp đối đầu với TQ.

Để giữ vững vị trí lãnh đạo về quân sự trong khu vực, trong những năm gần đây Washington đã liên tục xúc tiến các hoạt động hỗ trợ đồng minh nhằm giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Mỹ đã gia tăng các hoạt động chung với hai đồng minh của mình ở khu vực Đông Bắc Á là Nhật và Hàn Quốc, đồng thời hỗ trợ Philippines thúc đẩy khả năng giám sát bờ biển riêng của mình.

Người Philippines mong muốn một nước Mỹ đồng minh phải có những biện pháp cứng rắn hơn, nói đi đôi với làm trong việc ủng hộ Manila trong các vấn đề tranh chấp, hay chí ít là có thể giúp đỡ Philippines nhiều hơn trong việc gia tăng sức mạnh quốc phòng. Đối với các cam kết an ninh tại châu Á, Mỹ cũng sẽ phải thể hiện rằng mình xứng đáng với vị trí lãnh đạo đối với hệ thống quân sự khu vực khi hỗ trợ hiện đại hóa quân đội và đảm bảo an toàn hàng hải cho các quốc gia đồng minh. Ngay cả trong bối cảnh không lấy gì làm chắc chắn về ngân sách quốc phòng, Mỹ cũng cam kết sẽ gia tăng chi phí quốc phòng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên đến 60% cho đến năm 2020.

Đối với hai đồng minh truyền thống ở Đông Bắc Á là Nhật và Hàn Quốc, ngay trước chuyến thăm đến châu Á, Tổng thống Obama đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên tại The Hague. Cuộc họp đã chuyển tải một thông điệp quan trọng rằng để kiến tạo nên thành công của chiến lược tái cân bằng đối với châu Á, Mỹ và các đồng minh cần phải làm việc chặt chẽ với nhau hơn.

Sự tập trung trong các vấn đề về lợi ích đối với cả ba quốc gia được thể hiện rõ ràng qua chương trình nghị sự trong chuyến thăm được thảo luận tại Nhật và Hàn Quốc. Các chương trình này chủ yếu bao gồm các chủ đề về thương mại và an ninh song phương như việc thành lập quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhu cầu phối hợp để ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên và sự cần thiết phải tăng cường hợp tác đa phương để đảm bảo một trật tự khu vực ổn định ở châu Á.

NGUYỄN THẾ PHƯƠNG - HỒ HẢI YẾN

Có thể thấy dù TQ không phải là một trong những điểm đến trong chuyến công du của Obama nhưng tất cả hoạt động của Mỹ trong chuyến đi này hầu như đều nhằm vào TQ. Chiến lược tái cân bằng và chính sách xoay trục của Mỹ, nếu xem xét một cách vi mô hơn thì chính là để kiềm chế TQ.

Để làm được điều đó, ngoài việc duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ và khả năng cần thiết để đáp ứng nghĩa vụ của mình với các đồng minh, Mỹ cũng cần duy trì một mối quan hệ ổn định và hiệu quả đối với TQ, đồng thời đảm bảo rằng Mỹ sẽ phản đối việc sử dụng vũ lực, đe dọa và ép buộc trong tranh chấp lãnh thổ. Bằng cách duy trì những nguyên tắc này, Mỹ có thể giúp đảm bảo rằng thế kỷ 21 ở châu Á sẽ không phải được đặc trưng bởi những xung đột và tranh chấp mà là hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm